Nghị lực phi thường của "ông giáo làng" nghèo khó, khuyết tật và hành trình 24 năm dạy học không thu lợi

"Ông giáo làng" Đặng Tiến Dũng chưa từng kinh qua lớp đào tạo sư phạm nào nhưng lại có đến 24 năm kinh nghiệm giảng dạy trẻ em nghèo tại địa phương...

Đỗ Thu Nga
08:00 18/05/2023 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Nghị lực phi thường

Căn nhà cấp 4 đơn sơ ở phố núi Hương Khê chính là nơi "ông giáo làng" Đặng Tiến Dũng (SN 1957, xóm 5 xã Phúc Đồng, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) gieo chữ, gửi gắm ước mơ của mình cho các em học sinh nghèo. 

Lớp học của ông Dũng đơn giản lắm, chỉ có vài bộ bàn ghế cũ, chiếc bục giảng đặt ở góc nhà với bảng đen đã phai màu theo năm tháng. Học sinh của ông là lớp lớp thế hệ trẻ em nghèo trong xóm, trong làng.

Theo Nhà báo và công luận, ông Dũng sinh ra ở Hương Khuê, khi còn nhỏ cơ thể phát triển bình thường như các bạn cùng trang lứa. Tuy nhiên, đến năm lớp 1, sau một cơn sốt nặng, ông Dũng bị bại liệt. Lên lớp 5 bệnh tiếp tục tái phát. Năm lớp 7, vì sức khỏe yếu mà ông phải gác lại ước mơ đền sách, khăn gói lên Hà Nội điều trị.

Sau 2 năm chữa chạy, cơ thể ông chỉ còn lại đôi tay hoạt động khỏe mạnh. Còn đôi chân thì liệt hẳn.

chuyen-ong-giao-ngheo-khuyet-that-24-nam-day-hoc-khong-thu-loi
Chân dung người thầy không bằng cấp

Năm 1985 ông Dũng kết hôn và bắt đầu có 5 người con, sức khỏe yếu không thể làm việc nặng, ông Dũng đành về địa phương lao động nuôi các con ăn học, từ sửa xe, thợ mộc cho đến thợ xây, nghề nào ông Dũng cũng dùng để mưu sinh.

Cũng vì kinh tế gia đình khó khăn mà các con của ông không được đi học thêm. Thương các con, ngày ông làm việc, tối về dạy con học chữ. Dần dần, các con bắt đầu đỗ vào các trường đại học như mơ ước.

Đến năm 1994, một thanh niên tại địa phương thi trượt lớp 10 đến nhà ông Dũng phụ làm thợ mộc. Từ đó, ban ngày ông dạy họ làm việc, tối lại dạy văn hóa, ôn bài. Sau 1 năm tất cả thi lại và đậu vào lớp 10. 

chuyen-ong-giao-ngheo-khuyet-that-24-nam-day-hoc-khong-thu-loi-0
Lớp học đơn sơ của thầy Dũng

Tiếng lành đồn xa, nhiều người trong địa phương tin tưởng, gửi con đến nhà nhờ ông Dũng kèm cặp. 

“Đầu tiên, khi tôi làm nghề dạy học, sau đó bà con xung quanh người ta nhờ tôi dạy con rồi họ cày cho thửa ruộng, hoặc đi gặt giúp. Năm 1998 tôi bắt đầu có lứa học sinh đầu tiên, rồi tới năm 2000, học trò tới rất nhiều, tôi quyết định bỏ các nghề và dạy học tới giờ phút này luôn”, thầy Dũng tâm sự.

24 năm gieo con chữ cho trẻ em nghèo

Tính đến nay, ông Dũng đã có thâm niên 24 năm "gõ đầu trẻ" tại vùng quê nghèo. Lớp học của ông lúc nào cũng rộn rã tiếng giảng bài, tiếng cười đùa của học trò. Nhiều người ở địa phương cho biết, đa số trẻ em trong vùng đều là học trò của ông Dũng. Nhà của ông Dũng cũng trở thành địa chỉ quen thuộc của học sinh nghèo.

Ở lớp học của ông Dũng, học sinh có nhiều lứa tuổi, từ cấp 1 đến ôn thi chuyển cấp, đại học. Bất kể nắng  mưa hay ngày đêm, ông Dũng đều giảng dạy và tìm tòi thêm kiến thức để truyền tải cho học sinh.

Học trò đông, nhà chật, quạt không có nhưng ông giáo làng vẫn hăng hái dạy, học sinh nghèo chăm chú tiếp thu. Vừa qua, vì bảng cũ không thể sử dụng, ông Dũng đành phải bán đi một con bò để sắm thêm ba lớp học ba chiếc bảng mới.

chuyen-ong-giao-ngheo-khuyet-that-24-nam-day-hoc-khong-thu-loi-4

Nhìn lại hành trình gieo con chữ của mình, ông Dũng tâm sự, điều phấn khởi nhất là học sinh thành đạt, giỏi giang. 

“Tôi ước mơ mở mang rộng lớp, học sinh đến càng đông tôi càng nhận. Chắc có lẽ đam mê của tôi khi nào không có sức khỏe nữa, nếu đang còn sức khỏe thì học sinh đang đến là tôi sẽ cống hiến, sẽ giúp cho học sinh thành đạt”, thầy Dũng nói.

Tính đến nay, lớp học đơn sơ của ông Dũng là địa chỉ uy tín đào tạo hàng nghìn học sinh tại phố núi. Nhiều em đỗ đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh và đỗ đại học với điểm số ấn tượng. 

Điều đáng trân quý nhất là lớp học của ông Dũng không thu lợi. Nhiều phụ huynh đã bàn nhau mỗi em học sinh tới đây sẽ đóng góp một ít tiền xem như tiền học phí, mua phấn bảng. Tuy cuộc sống bản thân vẫn đang khó khăn nhưng những em có hoàn cảnh khó khăn, nghị lực đặc biệt thầy Dũng đều không thu bất kỳ khoản học phí nào.

chuyen-ong-giao-ngheo-khuyet-that-24-nam-day-hoc-khong-thu-loi-6

Với nhiều cống hiến cho sự nghiệp trồng người, thầy giáo làng Đặng Tiến Dũng đã nhận được nhiều phần thưởng của xã, huyện và tỉnh. Đặc biệt, năm 2010, ông vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen về tấm gương rèn luyện, làm theo Bác Hồ trong dịp tổng kết cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Vượt qua bệnh tật và mặc cảm, ông Đặng Tiến Dũng đã trở thành niềm tự hào của người dân phố núi Hương Khê và nhiều học sinh nghèo tại đây. Năm nay đã 65 tuổi, người nhà giáo “không bằng cấp” vẫn luôn hạnh phúc vì hai thứ: “Mắt chưa phải đeo kính và tôi chưa đầu hàng bất cứ bài toán khó nào”, ông Dũng nói.

(Theo Nhà báo và công luận)

Xem thêm: Nghị lực phi thường của cô giáo khuyết chân: Nghịch cảnh không hẳn là bất hạnh, đó có thể là món quà cuộc sống

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận