Cái chết bi tráng của bậc trung thần tiết liệt Nguyễn Triêm: Hiến thân cho kiêu binh để bảo vệ Chúa

Cái chết của Nguyễn Triêm là cái chết bi tráng nhất lịch sử Việt Nam, xứng đáng là bậc trung thần tiết liệt, để tiếng thơm muôn đời. Ông hiến thân mình cho kiêu binh Tam phủ để bảo vệ Chúa Trịnh.

Đỗ Thu Nga
08:00 31/10/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Sử cũ có khá ít thông tin về thân thế của Chiêm Vũ hầu Nguyễn Triêm. Chỉ biết rằng, ông là người Phú Hoa (huyện Tiên Phong, phủ Quảng Oai, Sơn Tây - nay là thôn Phú Đa, xã Phú Đa, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc). Ông từng thi đỗ Tạo sĩ (tương đương với Tiến sĩ văn), giữ chức quan Thủ hiệu, là đội đứng thứ nhất gồm 60 xuất ưu binh trong các đội binh thị hậu, là binh ngạch từ đời Trung hưng về sau. Ông được phong tước là: Chiêm Vũ hầu.

Sơ lược về nạn kiêu binh - nguyên do khiến cơ nghiệp Lê - Trịnh mau đổ nát

Nạn kiêu binh hay loạn kiêu binh là tên dùng để chỉ sự việc loạn lạc thời Lê Trung hưng do quân lính gốc ở Thanh - Nghệ gây ra. Do cậy mình có công, đã sinh thói kiêu căng, coi thường luật lệ, đã làm trong và ngoài triều chính đó hết sức điêu đứng, khổ sở. Theo Việt sử tân biên (quẩn 3) thì nạn kiêu binh là 1 trong những nguyên nhân khiến cơ nghiệp Lê - Trịnh mau đổ nát.

Ngược dòng lịch sử về tháng 10 năm Nhâm Dần (1782), sau khi chúa Trịnh Sâm mất, thấy Thế tử Trịnh Cán còn nhỏ lại ốm đau bệnh tật, quân lính Tam phủ đã phò vương tử Trịnh Tống (hay Trịnh Khải) lên ngôi Chúa. Điều này khiến triều chính rơi vào tình cảnh rối ren.

Lính tam phủ vốn được tuyển từ 3 phủ Hà Trung, Thiệu Hóa và Gia Tĩnh thuộc Thanh Hóa và Nghệ An, các địa phương từng góp quân giúp Lê Trung hưng diệt Mạc. Từ khi vua Lê - chúa Trịnh giành được Thăng Long, đều thường tin dùng lính ba phủ này làm quân túc vệ. Do có công, được vua chúa nuông chiều nên sinh thói kiêu căng, xem thường luật pháp.

chuyen-nguyen-triem-hien-than-cho-kieu-binh-bao-ve-chua-trinh-0

 Vào tháng 2 năm Giáp Thìn, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 45 đời vua Lê Hiển Tông (1784), kiêu binh Tam phủ nổi loạn lần nữa. Lần này do sự việc chúa Trịnh Tông nghi ngờ sai bắt số đông kiêu binh đang tụ tập uống rượu ở sân điện Vạn Thọ trong cung do vua Lê Hiển Tông ban cho.

Theo kế của Tham tụng Nguyễn Khản và Quyền phủ sự Dương Khuông (em ruột của Dương Thái phi, mẹ chúa Trịnh Tông), Nguyễn Triêm được lệnh đem quân lính hiệu Phong Lôi đến bao vây chỗ quân kiêu binh đang tụ họp ăn uống, bắt được 7 người giải về phủ đường trị tội. Ngày 15 tháng Hai, bảy người bị khép vào tội loạn binh và đều bị xử tử.

Biết tin ấy, quân lính Tam phủ sục sôi phẫn nộ, kéo nhau đến vây bắt Nguyễn Khản, Nguyễn Khuông và Nguyễn Triêm. Nhưng Nguyễn Khản đã nhanh chân kịp chạy đi Sơn Tây, lên chỗ em trai là Nguyễn Điều đang trấn thủ. Nguyễn Triêm và Dương Khuông chạy vào phủ Chúa. Kiêu binh bèn lệnh phá sạch cả dinh của 3 người.

Cái chết bi tráng của bậc trung thần tiết liệt

Sử chép, biết tin Dương Khuông và Nguyễn Triêm ẩn náu trong phủ, kiêu binh Tam phủ chia quân chặn giữ cửa phủ, còn số đông thì kéo nhau xông vào bên trong, yêu cầu Chúa Trịnh phải giao nộp người để xét xử. 

Chúa Trịnh bị ép vào thế bức bách, nhờ thái phi Dương Thị van lạy, lại đem bạc vàng hối lộ nên kiêu binh tha cho Dương Khuông. Tuy nhiên, Chúa phải giao Nguyễn Triêm ra cho kiêu binh.

Bấy giờ, Nguyễn Triêm đang ở trên lầu gác, chỉ tự vệ bằng 2 thanh kiếm, quyết liều chết cùng kiêu binh Tam phủ. Thấy Chúa dụ mình phải hy sinh, ông bất đắc dĩ xuống thang gác, bái yết Chúa Trịnh và hiến thân cho kiêu binh Tam phủ.

Bộ tiểu thuyết lịch sử Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô gia văn phái miêu tả cái chết bi tráng của Nguyễn Triêm như sau:

Chúa sau khi xin tha cho Quốc cữu Dương Khuông, xin tha cả cho Nguyễn Triêm thì quân lính nói:

- Nhà chúa nếu còn quanh co che chở cho Triêm Vũ hầu; bọn tôi khi "máu đã nhập tim" (do câu tục ngữ: "Máu nhập tim, nhà lim cũng nhỏ"), thì ngay cả quốc cữu cũng không tha nữa!

Nguyên hôm trước Triêm Vũ hầu trốn vào phủ chúa, lẩn ở trên gác Kỳ Lân, vẫn dùng đôi kiếm để giữ mình. Trong lúc bọn quân lính đòi giết, Triêm Vũ hầu bụng bảo dạ: "Nếu chúng không nghe nhà chúa điều đình, mà cứ xông vào bắt ta, thì phải đứng trên thang chém lấy dăm ba cái đầu của bọn chúng, chứ ta không chịu chết một mình!".

Đến lúc này việc đã gấp quá, chúa bèn sai người đến dỗ Triêm Vũ hầu rằng: "Bây giờ xã tắc nguy nan như treo trên sợi tóc, nhà chúa không thể cố giấu tướng quân được nữa. Vậy xin tướng quân hãy vì chúa chớ tiếc cái chết, để cho nhà chúa được yên. Đó là công muôn đời của tướng quân!"

Triêm Vũ hầu bất đắc dĩ phải trèo thang xuống ra mắt chúa mà nói:

- Chết thì chết, thần xin hai tay hai kiếm tung hoành với chúng nó một trận, giết gọn lấy vài trăm đứa, cho hả bớt cơn giận của nhà chúa!

chuyen-nguyen-triem-hien-than-cho-kieu-binh-bao-ve-chua-trinh-7
Nguyễn Triêm hiến thân mình cho kiêu binh để cứu Chúa

Chúa nói:

- Như thế chỉ làm cho thái phi kinh sợ, mà quả nhân cũng chẳng được yên nào!

Triêm Vũ hầu quẳng hai thanh gươm xuống đất nói:

- Bó tay mà chịu như thế, thần đành chết uổng vậy!

Chúa khóc mà từ biệt Triêm Vũ hầu. Rồi lại hứa với Triêm Vũ hầu rằng, sau khi ông chết, sẽ cấp cho một ngàn khoảnh ruộng làm của nối đời và phong cho làm phúc thần, bắt dân mười làng thờ cúng.

Triêm Vũ hầu đáp:

- Thần chỉ vì chúa mà chết, đâu phải cầu mong tước lộc? Xin chúa hãy ra sức tăng thêm uy quyền, xoay loạn làm trị, thì thần dẫu chết, xương vẫn không mục nát!

Chúa bèn tự tay viết sáu chữ: "Trung nghĩa tráng liệt đại vương" đưa cho Triêm Vũ hầu. Triêm Vũ hầu quỳ xuống nhận mảnh giấy đó, vê tròn, nuốt vào bụng, rồi lạy tạ chúa mà đi ra. Khi qua điếm Tiểu Bút, Triêm Vũ hầu bị đám kiêu binh lôi kéo và hỏi:

- Gươm sắc của mày bây giờ như thế nào?

Triêm Vũ hầu đáp:

- Tao không thể dùng thanh gươm đó chém đầu chúng bay là theo mệnh chúa và vì xã tắc đó thôi. Nhưng mà, chẳng lâu gì đâu, tao chết rồi, sẽ có người khác đến chặt đầu lũ chúng bay. Đến lúc ấy, chúng bay sẽ biết gươm có sắc hay không!

Quân lính xúm vào toan đánh Triêm Vũ hầu, ông cản lại mà rằng:

- Đây là nơi nghiêm cấm, không được hành hung. Hãy để tao ra khỏi cửa phủ, ngồi yên đâu đấy, rồi tha hồ cho chúng bay muốn làm gì tao thì làm.

Đoạn ông bước khoan thai đến bên cạnh cầu đá, tìm chỗ, ung dung ngồi xuống và bảo bọn quân lính:

- Nào, bây giờ chúng bay làm gì tao thì làm đi!

Đám kiêu binh lấy gạch đá đập mãi vào đầu Triêm Vũ hầu khiến máu chảy đầy mặt. Nhưng ông vẫn ngồi yên không cựa, khẽ lấy tay áo lau mặt, rồi vừa cười vừa nói:

- Bây giờ tao không thi đấu võ, nhưng vẫn còn thi can đảm! Thế mới lạ chứ!

Cuối cùng một tên ưu binh Tam phủ hạ đao đâm ông. Cho đến lúc mất, Nguyễn Triêm ,xứng đáng là bậc trung thần tiết liệt, để lại tiếng thơm muôn đời.

Xem thêm: Đinh Liệt - danh tướng khai quốc duy nhất được vua Lê tặng 8 chữ vàng “tứ đại kỳ công, vĩnh thùy bất hủ"

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận