Trần Nhật Duật - danh tướng không có khuyết điểm để chê

Trần Nhật Duật được sử sách ghi danh là vị tướng độc đáo và đặc sắc nhất triều Trần. Con người ông đầy khí chất nghệ sĩ nhưng lại rất kiên cường, dũng cảm.

Đỗ Thu Nga
15:00 28/08/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Trần Nhật Duật - danh tướng không có khuyết điểm để chê

Trần Nhật Duật (1255 - 1330), được biết đến qua tước hiệu Chiêu Văn vương hay Chiêu văn đại vương. Ông là con thứ 6 của vua Trần Thái Tông. Người đời thường gọi ông là Ông hoàng Sáu hoặc Hoàng lục tử. 

Các bộ chính sử như Đại Việt Sử ký toàn thư, Việt sử tiêu án... đều không có ghi chép về mẹ của ông. Song thoại bản thần tích ở đền thôn Miễu (xã Mạt Lăng, huyện Tây Chân, nay là thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) thì có nhắc đến chi tiết thú vị về mẹ ông:

"Vào năm Kỷ Hợi (1239), một lần Trần Thái Tông đi tuần du qua phủ Thiên Trường, xa giá dừng lại nghỉ ở làng Miễu. Nghe tin vua đến, dân chúng đem lễ vật tới dâng và để tỏ lòng sùng kính, Trần Thái Tông mới hỏi chuyện nông tang, và điều ngạc nhiên là người trả lời không phải là các bô lão, chức dịch trong vùng mà là một cô gái trẻ được cử ra hầu đáp với hoàng đế. Cô gái đó tên là Vũ Thị Vượng, còn gọi là Vượng Nương, hình dung yểu điệu, nhan sắc tuyệt trần, giỏi nghề canh cửi, chăm việc ruộng đồng, nổi tiếng cả vùng vừa đẹp người lại đẹp nết. Thấy cô gái trả ứng đối thông minh mẫn tiệp, hiểu biết sâu rộng, nhất chuyện nghề nông nên nhà vua thấy rất quý mến. Ngay sau ngày hôm đó, Trần Thái Tông cho làm lễ, đón Vũ Thị Vượng về cung, lập Cung phi thứ năm, hiệu là Vũ phi".

Có không ít truyền thuyết kể về sự ra đời kỳ lại của Trần Nhật Duật. Ví dụ như truyền thuyết ghi tại thần phả làng Miễu: "... Lễ cầu tự kéo dài 21 ngày, một đêm Vũ phi nằm mộng thấy ngôi sao lớn từ trên không rơi xuống giường nằm của mình, từ đấy bà có mang, đến giờ Ngọ ngày mồng 10 tháng 4 năm Ất Mão (1255) sinh một hoàng tử, dung mạo khác thường, được đặt tên là Nhật Duật".

Sử sách có ghi chép, từ nhỏ ông đã nổi tiếng hiếu học và sớm lộ thiên tri. Ông ham thích về ngôn ngữ. Tương truyền khi mới sinh trên tây Trần Nhật Duật có 4 chữ "Chiêu Văn đồng tử". Sau Trần Thái Tông lấy đó mà đặt phong hiệu cho ông là Chiêu Văn.

danh-tuong-khong-co-khuyet-diem-de-che-tran-nhat-duat-la-ai
Tượng đài nguyên lão tứ triều Trần Nhật Duật tại cửa sông Bạch Hạc, Việt Trì, Phú Thọ

Theo vai vế nhà Trần, ông là em cùng cha khác mẹ với Trần Thánh Tông và Chiêu Minh vương Trần Quang Khải. Ông cũng là anh em cùng cha khác mẹ với Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc và Chiêu Đạo Vương Trần Quang Xưởng.

Theo báo Kinh tế đô thị, Trần Nhật Duật là người văn võ song toàn, vị tướng nổi danh ở 2 trong 3 cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên Mông, làm quan qua nhiều đời vua nhà Trần với chức cao nhất là Thái sư. Thêm nữa, ông lại là con người nghệ sĩ, thích nghiên cứu ngôn ngữ, mê đàn sáo... 

Có vẻ như với Chiêu Văn đại vương Trần Nhật Duật, các nhà sử học thời phong kiến không thể tìm ra được khiếm khuyết để chê ông dù vị tướng này không có dáng vẻ đạo mạo, mẫu mực của nhà Nho mà có cuộc sống phóng khoáng đầy chất thơ.

Họ thường ví ông như Quách Tử Nghi của nhà Đường (Trung Quốc): Công trùm trời đất mà chủ không nghi, địa vị vượt muôn người mà không ai đố kỵ. Đây là điều để nhiều đời vua Trần (Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông và Trần Minh Tông) sử dụng ông như là một trụ cột của quốc gia mà không hề mảy may lo lắng.

Năm 1330, đời Trần Hiến Tông, Chiêu Văn Đại vương Nhật Duật qua đời, hưởng thọ 75 tuổi. Tên tuổi và sự nghiệp của ông gắn liền với giai đoạn vinh quang nhất của nhà Trần. Tài năng, đức độ, sự nghiêm minh ngay thẳng của ông cũng như các tướng văn, võ trong thân tộc nhà Trần cùng thế hệ với ông (Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải...) góp phần không nhỏ vào sự tồn tại và hưng thịnh của nước Đại Việt thời nhà Trần.

4 giai thoại ít biết về Trần Nhật Duật

Uống rượu bằng mũi để thu phục quân nổi loạn

Năm 1280, ở đạo Đà Giang, miền núi Tây Bắc, Trịnh Giác Mật tụ họp dân nổi dậy chống triều đình, nhà Nguyên cũng đang chuẩn bị đại binh đánh Đại Việt, đất nước đứng trước thù trong giặc ngoài. Để tập trung tâm trí và sức lực đối phó với giặc ngoại xâm, vua Trần Nhân Tông sai Trần Nhật Duật làm An phủ sứ Đà Giang giải quyết gấp rút sự cố nghiêm trọng này. Dưới cờ hiệu "Trấn thủ Đà Giang", ông đã làm lễ ra quân đi lên Tây Bắc.

Biết quân triều đình đến, Trịnh Giác Mật định ám hại nên sai người đưa thư dụ Trần Nhật Duật rằng: "Giác Mật không dám trái lệnh triều đình. Nếu ân chủ một mình một ngựa đến gặp, Giác Mật xin ra hàng ngay".

danh-tuong-khong-co-khuyet-diem-de-che-tran-nhat-duat-la-ai-3
Trần Nhật Duật thu phục quân nổi loạn không mất một mũi tên nào

Mặc các mặt tướng can ngăn, Trần Nhật Duật khi ấy mới 27 tuổi tự mình cưỡi ngựa đến gặp Giác Mật. Khi đi ông chỉ mang theo mấy thư đồng cắp tráp đi hầu. Tới quân trại của Giác Mạc, ông thản nhiên đi giữa rừng gươm giáo và đám lính sắc phục kỳ dị cố ý phô trương sức mạnh.

Khi nói chuyện, Trần Nhật Duật dùng chính ngôn ngữ của Giác Mật và làm mọi thứ theo phong tục của người dân tộc vùng Đà Giang: "Lũ tiểu đồng của ta khi đi đường thì nóng tai trái, vào đây thì nóng tai phải, cũng bởi Trịnh thủ lĩnh đối xử với ta quá trọng đãi đây".

Giác Mật và các đầu mục đều kinh ngạc trước sự am hiểu của Trần Nhật Duật. Khi mâm rượu được bưng lên, Giác Mật đưa tay mời có ý thách thứ thì Trần Nhật Duật không ngần ngại cầm thịt ăn rồi vừa nhai vừa ngửa mặt, cầm gáo rượu bầu từ từ dốc vào mũi hết sức thành thạo như người địa phương. Trịnh Giác Mật kinh ngạc thốt lên: "Chiêu Văn Vương là anh em với ta".

Trần Nhật Duật đáp lại "chúng ta xưa nay vẫn là anh em", rồi sai tiểu đồng mở tráp lấy ra những chiếc vòng bạc trao cho từng đầu mục Đà Giang. Khi ấy, những người cầm đầu đạo Đà Giang đều hoan hỉ đón lấy vật phẩm kết nghĩa theo đúng tục lệ của họ từ tay Trần Nhật Duật. Đà Giang từ đó quy thuận triều đình.

Trần Nhật Duật rất giỏi ngoại ngữ

Như đã nói, từ nhỏ Trần Nhật Duật rất thông minh, hiếu học, sùng Đạo giáo, thâm sâu kinh điển Đạo gia, thông thạo nhiều ngoại ngữ và phong tục, tập quán các nước láng giềng. Ông không chỉ giỏi tiếng Tống, tiếng Chiêm Thành mà còn am hiểu về phong tục tập quán của họ.

Trần Nhật Duật còn hay giao du, thăm hỏi người Chiêm, người Tống trong nước. Khi mới 20 tuổi, ông đã được triều đình giao đặc trách những công việc về các dân tộc liên quan.

Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng có một lần sứ thần nước Sách Mã Tích (tên cổ của nước Singapore) sang cống, nhưng triều đình không tìm được người phiên dịch. Trần Nhật Duật biết chuyện liền đến gặp sứ thần và nói chuyện trôi chảy bằng thứ ngôn ngữ lạ trong sự thán phục của những người có mặt.

danh-tuong-khong-co-khuyet-diem-de-che-tran-nhat-duat-la-ai-5
Trần Nhật Duật am hiểu về nghệ thuật đàn ca, giỏi ngoại ngữ (Tranh minh họa)

Sau chuyện này, có người hỏi ông vì sao biết được tiếng nước Sách Ma Tích, ông trả lời: "Thời vua Thái Tông, sứ nước ấy sang, nhân có giao du với họ nên hiểu được đôi chút tiếng nước họ".

Theo thông lệ, khi sứ phương Bắc sang, triều đình phải sai phiên dịch viên làm trung gian, tể tướng không được là người trực tiếp đối thoại để đề phòng xảy ra sai sót còn có thể đổ lỗi cho người phiên dịch.

Nhưng Trần Nhật Duật khi tiếp sứ nhà Nguyên ông thường nói chuyện trực tiếp với họ, khi sứ về nơi nghỉ thì dắt tay cùng vào, ngồi uống rượu vui vẻ như bạn vẫn quen biết. Chính tiếng Hán lưu loát và sự am hiểu văn hóa Hán đã khiến sứ nhà Nguyên tưởng Trần Nhật Duật là người Hán di cư sang Đại Việt.

Vua Trần Nhân Tông cũng có lần nói với ông rằng "chú Chiêu Văn có lẽ là kiếp sau của người phiên lạc nên mới giỏi tiếng các nước đó".

"Công đánh giặc Nguyên, Nhật Duật lập được nhiều hơn cả"

Trần Nhật Duật là nhân tài quân sự, nhà ngoại giao lỗi lạc, nhà văn hóa uyên bác trong lịch sử dân tộc. Ông chính là người chỉ huy đội quân nhà Trần đánh tan quân tội Toa Đô ở cửa Hàm Tử vào cuối tháng 4/1285. Trong Đại Việt Sử ký toàn thư có viết: "Công đánh giặc Nguyên, Nhật Duật lập được nhiều hơn cả".

Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử nhận định: Trong các cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông, Đại Việt có rất nhiều dũng tướng, nhưng có “Ngũ hổ tướng quân” là Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư, Phạm Ngũ Lão và Trần Nhật Duật. Danh sách này có thể thay đổi theo quan niệm, góc nhìn của mỗi người (ví dụ có thể nhắc đến Trần Thủ Độ, Lê Phụ Trần, Nguyễn Khoái, Trần Quốc Toản...) nhưng không thể thiếu vị tướng trẻ, tài cao học rộng Trần Nhật Duật.

danh-tuong-khong-co-khuyet-diem-de-che-tran-nhat-duat-la-ai-8
Trần Nhật Duật có công lớn trong công cuộc chống quân Nguyên

Dưới thời cai trị của Trần Minh Tông, Trần Nhật Duật được phong làm Tá Thành thái sư. Đời Trần Hiến Tông, ông được phong tước hiệu Chiêu Văn đại vương. Dù nắm giữ tước vị này ông cũng luôn giữ được tiết táo thanh cao, nhã nhặn, không dựa vào quyền lực chức tước mà uy hiếp người khác.

Dốc lòng vì nước, trung thực, thẳng thắn

Trần Nhật Duật là vị thân vương tôn quý, làm giỏi, ngay thẳng. Vợ ông là Trinh Túc phu nhân có lần nhờ ông việc riêng. Ông gật đầu nhưng đến khi ra phủ, người giúp việc đem việc ấy trình ra, ông không cho. Do ông có tài chính trị, cho nên dù nhà ông ngày nào cũng tổ chức vui chơi, hát xướng, ông vẫn không bị ai coi là phóng dật. Sách Đại Việt Sử ký Toàn thư chép: "So với Quách Tử Nghi tột cùng xa xỉ mà không ai chê, ông (tức Nhật Duật) cũng gần được như thế".

danh-tuong-khong-co-khuyet-diem-de-che-tran-nhat-duat-la-ai-6
Tên của ông được đặt cho một con đường ở Hà Nội

Trong nhà Trần Nhật Duật không chứa roi vọt để đánh gia nô. Nếu buộc phải đánh thì ông cũng vạch rõ tội trạng. Một lần có kẻ kiện gia tỳ của ông với Quốc phụ thượng tể Trần Quốc Chẩn, Quốc Chẩn sai người đến bắt.

Người gia tỳ chạy vào trong phủ. Người đi bắt đuổi đến giữa nhà, bắt trói ầm ỹ. Phu nhân khóc, nói: "Ông là tể tướng mà Bình chương cũng là tể tướng, chỉ vì ân chúa nhân từ nhu nhược nên người ta mới coi khinh đến nước này".

Ông vẫn tự nhiên, chẳng nói gì, sai người bảo gia tỳ rằng: "Ngươi cứ ra, đâu đâu cũng đều có phép nước".

Xem thêm: Tài thao lược của Hưng Đạo Vương khiến đạo quân mạnh nhất thế giới đại bại

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận