Thái phó Trần Quang Diệu - danh tướng nhân đức, thà chết không thờ hai vua

Thái phó Trần Quang Diệu là võ tướng quan trọng nhất của nhà Tây Sơn. Khi vua Gia Long chiêu hàng, ông khẳng khái nói "trung thần không thờ hai vua".

Đỗ Thu Nga
07:00 28/08/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Thái phó Trần Quang Diệu là ai?

Trần Quang Diệu (hay Thái phó Trần Quang Diệu, 1760 - 1820) là 1 võ tướng của "Tây Sơn thất hổ tướng". Ông cùng với vợ là nữ tướng Bùi Thị Xuân đã cố gắng chiến đấu bảo vệ vương triều nhưng không thành công. Cuối cùng, cả hai bị vua Gia Long của nhà Nguyễn xử tội chết. 

Nói về quê quán của Trần Quang Diệu, có 3 ý kiến như sau: Một là ở xã Ân Tín, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định; Hai là ở xã Đức Lân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi; Ba là ở xã Nam Ô, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam (nay là quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng).

Bảo tàng Đà Nẵng và Hội sử học Đà Nẵng từng thông báo: "Trần Quang Diệu vốn có tên là Trần Văn Đạt, là người ở làng An Hải (trước thuộc huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam, nay là quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng), con trai của ông Trần Tấn và bà Phan Thị Hy".

cuoc-doi-va-su-nghiep-binh-quyen-cua-thai-pho-tran-quang-dieu
Tượng thờ Thái phó Trần Quang Diệu

Tương truyền, Trần Quang Diệu là người rất giỏi võ nghệ. Theo sách "Nhà Tây Sơn", lúc nhỏ ông học văn, học võ của nhiều thầy. Lớn lên ông đi săn trên núi Kim Sơn ở Hoài Ân tình cờ gặp 1 ông lão tên Diệp Đình Tòng, vì can tội giết chết một viên quan tri huyện tham ô mà gia đình ông phải trốn lên núi ở ẩn.

Trong 20 năm trốn chạy ấy do không chịu nổi lam sơn chướng khí mà vợ con ông lần lượt qua đời. Ông Tòng là người thông thạo cả 5 món binh khí gồm: kiếm, kích, thương, cung. Song Trần Quang Diệu chỉ học môn đại đao. 

Năm năm sau thầy mất, Trần Quang Diệu đến núi Vĩnh Thạnh rồi nghe tin Nguyễn Nhạc là người có chí lớn (lúc này Nguyễn Nhạc đang làm chủ sòng bạc ở Kiên Mỹ) nên đã tìm đến làm quen. Cũng từ mối giao tình này mà khi Nguyễn Nhạc cùng 2 em là Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ dựng cờ khởi nghĩa, Trần Quang Diệu đã tham gia phong trào Tây Sơn từ buổi đầu, trở thành Tây Sơn thất hổ tướng.

Mối nhân duyên với nữ tướng Bùi Thị Xuân

Nói về hôn nhân của Thái phó Trần Quang Diệu, sử sách chép: Vợ ông là nữ tướng Bùi Thị Xuân (chưa rõ năm sinh-1802) người làng Phú Xuân (xã Bình Phú, huyện Tây Sơn, Bình Định) là cháu của thái sư Bùi Đắc Tuyên. Theo sử sách, bà rất xinh đẹp, giỏi võ nghệ. Ngoài tài kiếm thuật, bà còn giỏi bắn cung, cưỡi ngựa và luyện voi.

cùng với ý chí kiên cường, lòng dũng cảm, bà đã lập được nhiều chiến công, trở thành nữ tướng kiệt xuất của nghĩa quân Tây Sơn với tư cách là người chỉ huy đội quân tượng binh - binh chủng đặc biệt và dũng mãnh khiến quân Trịnh, Nguyễn và Mãn Thanh khiếp sợ. Ngay cả Nguyễn Huệ cũng thừa nhận bà xứng với danh "Tây Sơn nữ tướng" và còn ban tặng thêm 4 chữ: "Cân quắc anh hùng" - bậc nữ lưu có khí phách.

Tương truyền, Thái phó Trần Quang Diệu và nữ tướng Bùi Thị Xuân gặp gỡ tình cờ. Trên đường đến Tây Sơn tụ nghĩa, ông Diệu đã đánh nhau với hổ lớn, rất hung dữ. Nhân đi qua, bà Xuân rút kiếm xông vào cứu và đưa ông Diệu bị trọng thương về nhà chữa trị.

cuoc-doi-va-su-nghiep-binh-quyen-cua-thai-pho-tran-quang-dieu-8
Thái phó Trần Quang Diệu và vợ là nữ tướng Bùi Thị Xuân đã lập nhiều chiến công cho nhà Tây Sơn

Sau hai người thành gia thất rồi cùng tòng quân dưới ngọn cờ Tây Sơn, nhanh chóng trở thành tướng lĩnh trụ cột, góp công lớn trong cuộc chiến chống quân Xiêm, Mãn Thanh cùng những trận chiến quyết liệt với quân của Nguyễn Ánh trong suốt 10 năm.

Khi đưa quan đánh chiếm thành Quy Nhơn, mở màn cho khởi nghĩa Tây Sơn, ông Diệu được phong làm đô đốc, vợ ông được phong Đại Tổng lý. Bà Bùi Thị Xuân  có nhiệm vụ rèn luyện voi chiến và điều hành đội nữ binh trên 2.000 người. Sau khi chiếm được thành Quy Nhơn, Trần Quang Diệu được phong Thiếu phó và Bùi Thị Xuân là Đô đốc.

Suốt những năm tháng phụng sự nhà Tây Sơn, vợ chồng ông Diệu có lúc phải xa cách, có lúc cùng nhận một trọng trách như trận Rạch Gầm - Xoài Mút cả hai đều thống lĩnh, điều khiển lực lượng bộ binh. Trong trận này, Bùi nữ tướng đã chém bay đầu tướng Xiêm là Lục Côn.

cuoc-doi-va-su-nghiep-binh-quyen-cua-thai-pho-tran-quang-dieu-9

Ở trận Ngọc Hồi - Đống Đa chống quân Thanh xâm lược (Tết Kỷ Dậu 1789), vợ chồng Thiếu phó là hai trong những vị tướng đã lập công xuất sắc. Sau chiến thắng này, Trần Quang Diệu được Nguyễn Huệ cử làm Đốc Trấn Nghệ An. Ông nhanh chóng ổn định xã hội tạo điều kiện cho nhân dân làm ăn, sinh sống bình yên. Ngoài ra ông còn chứng tỏ được biệt tài của mình khi tổ chức xây dựng thành Phượng Hoàng Trung Đô.

Danh tướng nhân đức, thà chết không thờ hai vua

Sách Đại Nam Liệt truyện chính biên của Quốc sử quán triều Nguyễn có chép: Năm 1792, Quang Trung (Nguyễn Huệ) đột ngột qua đời. Triều đại Tây Sơn bắt đầu suy yếu dần sau khi vua Cảnh Thịnh (Quang Toản) lên ngôi. Do còn nhỏ, bị họ ngoại chuyên quyền, dẫn đầu là cậu họ Thái sư Bùi Đắc Tuyên. Bên cạnh đó, các đại thần kết bè phái, nội bộ lục đục, triều chính suy yếu khiến lòng dân bất an.

Vào năm 1799, Nguyễn Ánh xua quân chiếm lại Quy Nhơn. Bùi Thị Xuân cùng chồng vừa tham gia củng cố triều chính vừa chỉ huy quân sĩ giữ lũy Trấn Ninh, chống lại quân nhà Nguyễn. Trong cuộc đối đầu quyết liệt với Nguyễn Ánh (vua Gia Long), vợ chồng tướng Trần Quang Diệu đã nhiều phen làm quân của Nguyễn Ánh thất điên bát đảo, nhất là trận Quy Nhơn năm 1801.

Cũng trong trận chiến này, sau khi chiếm được Quy Nhơn, Trần Quang Diệu đối xử rất tử tế với các tướng và binh sĩ nhà Nguyễn chỉ để giữ lời hứa với tướng địch là Võ Tánh trong giờ phút cuối cùng. Việc tha chết cho binh sĩ của đối phương, Trần Quang Diệu được các nhà sử học đánh giá là người tín nghĩa, nhân đức.

Thế nhưng do triều đình Tây Sơn không còn vững như trước, cộng với sự tấn công mạnh mẽ từ phía quân Nguyễn Ánh, các thành lũy Tây Sơn nhanh chóng bị mất. Đến năm 1802, trong 1 trận ác chiến với quân Nguyễn Ánh ở Nghệ An, vợ chồng ông Trần Quang Diệu cùng con gái bị bắt trên đường rút quân ra Bắc.

cuoc-doi-va-su-nghiep-binh-quyen-cua-thai-pho-tran-quang-dieu-6
Khi vua Gia Long chiêu hàng, Trần Quang Diệu đáp "thà chết không thờ hai vua"

Nguyễn Phúc Ánh, khi này đã lên ngôi và lấy hiệu Gia Long (1802) nhận thấy Trần Quang Diệu là vị tướng tài nên có ý chiêu hàng. Tuy nhiên, Thái phó không ngần ngại đáp: "Trung thần không thờ hai vua, nay tôi bị bắt thì chỉ có tội chết. Nếu nhà vua rộng lượng tha cho, như trước đây tôi đã tha cho các tướng ở Quy Nhơn, thì tôi sẽ về ở nơi thôn dã, cày ruộng, nộp thuế như người thường dân, chứ nhận chức quan của triều đại mới thì không phải là trượng phu". Sau đó, vợ chồng tướng Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân và cô con gái 15 tuổi đều bị xử tội chết.

Theo tư liệu của De La Bissachère - một giáo sĩ phương Tây, người chứng kiến cuộc hành hình, đã miêu tả cái chết lẫm liệt của bà như sau: "Bùi Thị Xuân không hề biến đổi sắc mặt, tiến trước đầu voi một cách bình tĩnh. Mấy tên lính thét la om sòm, bảo bà quỳ xuống nhưng bà vẫn thản nhiên tiến bước. Voi lùi lại, bọn lính phải lấy giáo nhọn thọc vào đùi con vật mới dùng vòi quặp bà tung lên trời...".

Giáo sư sử học Nguyễn Khắc Thuần thì đánh giá: "Trong khởi nghĩa Tây Sơn nói riêng và trong lịch sử quân sự Việt Nam nói chung, Bùi Thị Xuân là một hiện tượng rất đặc biệt. Cùng với chồng và hàng vạn các nghĩa sĩ Tây Sơn, bà đã đi suốt cả một cuộc trường chinh ba chục năm trời, anh dũng chống cả thù trong lẫn giặc ngoài, một lòng một dạ vì sự nghiệp cứu dân cứu nước. Từ một phụ nữ bình thường, Bùi Thị Xuân đã trở thành một danh tướng được đời đời kính trọng...".

Sự hy sinh của ông và gia đình ông thật là thảm khốc, nhưng tên tuổi và sự nghiệp của ông mãi mãi còn được lưu truyền trong trái tim của các thế hệ người Việt Nam.

Xem thêm: Nguyễn Hữu Dật - danh tướng văn võ song toàn có tài xem thiên văn như Gia Cát Lượng

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận