Thái úy Tô Hiến Thành - Danh tướng tài đức, thanh liêm, khi vua mất ăn chay để tang 6 ngày

Thái úy Tô Hiến Thành là danh nhân kiệt xuất về chính trị, quân sự, văn hóa của đất nước. Dù có quyền cao chức trọng nhưng ông rất thanh liêm, cương trực, một lòng phò vua, thậm chí hoàng hậu đút lót cũng không nổi.

Đỗ Thu Nga
07:00 23/08/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Thân thế của Thái úy Tô Hiến Thành

Đại Việt dưới thời Lý Anh Tông lâm vào cuộc khủng hoảng với nội tình không yên, giặc bên ngoài uy hiếp, thiên tai liên tiếp xảy ra... Tô Hiến Thành đã lớn lên, làm quân, thi thố tài năng trong điều kiện kinh tế, chính trị - xã hội đầy khó khăn, phức tạp. 

Tô Hiến Thành (11/2/1102 - 17/7/1179), sinh ở xóm Lẻ, hương Ô Diên, huyện Vĩnh Khang, thành Thăng Long (nay là xóm Lẻ, thôn Hạ Mỗ, xã Hạ Hồi, huyện Đan Phượng, Hà Nội). Cũng có giả thuyết cho rằng, ông có quan hệ họ hàng với Tô thị, vợ Đỗ Anh Vũ (nhân vật quyền lực nhất trong triều đình đầu thời trị vì của vua Lý Anh Tông).

Tô Hiến Thành là con của Phủ doãn Tràng An là Tô Trung và bà Nguyễn Thị Đoan. Ông đỗ Thái học sinh khoa Mậu Ngọ (1138) niên hiệu Thiệu Minh nguyên niên đời Lý Anh Tông. Ông sống và làm qua dưới 2 triều vua Lý Anh Tông và Lý Cao Tông. Ông từng chứng kiến nhiều thăng trầm của vương triều nhà Lý. 

thai-uy-to-hien-thanh-tai-nang-duc-do-ra-sao-4

Lại có thần tích đền Chính ở Cẩm Đới (Hà Trung, Thanh Hóa) có chép, cha Tô Hiến Thành là Tô Hiến Tín thi đỗ khoa Hiền lương, được bổ làm quan ở huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung, Ái Châu (tức Thanh Hóa ngày nay), vợ là Lê Thị Vi Tố. Tại đây bà đã sinh ra Tô Hiến Thành - một cậu bé có diện mạo khôi ngô, dáng điệu phong nhã, thân hình chắc khỏe giống như tiên đồng trong mộng. Vào năm Mậu Ngọ, Tô Hiến Thành đỗ Thái học sinh rồi được giao chức Thái phó, coi dự việc binh, chính thức bước vào con đường quan trường dài hơn 40 năm. 

Hiện nay có nhiều ghi chép khác nhau về thân thế của Thái úy Tô Hiến Thành. Tuy nhiên, có một sự thật không thể thay đổi đó là: Tô Hiến Thành là viên quan văn võ song toàn; nổi tiếng là công minh chính trực, được vua phong tước vương mặc dù không phải là tôn thất nhà Lý. Ông cũng chính là người giúp hai vua Anh Tông và Cao Tông còn rất non trẻ, trị vì và điều hành đất nước về tất cả các mặt chính trị, kinh tế, quân sự và văn hóa.

Danh tướng thanh liêm, vua mất ăn chay để tang 6 ngày

Vào năm 1140, lợi dụng Lý Thần Tông qua đời vua kế vị là Lý Anh tông mới 3 tuổi, triều đình do Lê Thái Hậu và ngoại thích nhấp chính, Thân Lợi tự xưng là con của Lý Nhân Tông, khởi binh, tự xưng là Bình Vương, làm loạn hòng tranh ngôi của Anh Tông. Triều đình cử Đỗ Anh Vũ đem quân đi đánh. Thân Lợi đại bại phải chạy thoát về châu Lục Lệnh. Quân triều đình truy đuổi.

Trong Đại Việt sử ký toàn thư bản Kỷ, quyển IV - ĐVSKTT) chép: “Mùa Đông, tháng 10, ngày mùng 1, lại sai Anh Vũ đi đánh châu Lục Lệnh, bắt được bọn bè đảng của Lợi hơn 2.000 người. Lợi trốn sang châu Lạng, Thái phó Tô Hiến Thành bắt được Lợi, giao cho Anh Vũ đóng củi giải về kinh sư. Sai Lý Nghĩa lâm chiêu tập vỗ yên dư đảng của Lợi. Xuống chiếu cho quan Đình úy xét tội Lợi. Án xét xong, vua ngự điện Thiên khánh xử tội Lợi và bọn đồng mưu 20 người đều xử trảm, những kẻ còn lại đều theo tội nặng nhẹ mà xử, tha cho những kẻ vì ép buộc mà phải theo. Các quan dâng biểu mừng”.

thai-uy-to-hien-thanh-tai-nang-duc-do-ra-sao-6

Đến năm Kỷ Mão (1159), Tô Hiến Thành lập công lớn, được phong làm Thái úy. Sách Lịch triều hiến chương loại chí (Chính biên, quyển V - LTHCLC) chép: “Tháng 5, mùa Hạ. Ngưu Hống và Ai Lao vào cướp. Nhà vua sai Hiến Thành đi đánh bại được quân địch”. “Hiến Thành, trước kia, làm Thái phó, tham dự việc giữ binh quyền; đến đây, vì có công được làm Thái úy”.

Năm 1161, ông được vua Lý cử làm Đô tướng đem 2 vạn quân đi tuần các nơi ven biển tây nam để giữ yên miền biên giới (giữa Đại Việt và Chiêm Thành); rồi đánh tan cướp biển ở Thanh Hóa, Nghệ An.

Đến năm 1167, Tô Hiến Thành tiễu phạt quân Chiêm thắng lợi, khiến vua Chiêm phải sai sứ thần dâng sản vật địa phương cho vua Lý cầu hòa. Đại Việt Sử ký toàn thư viết: “Mùa Thu, tháng 7, sai Thái úy Tô Hiến Thành đi đánh Chiêm Thành. Mùa Đông, tháng 10, Chiêm Thành sai sứ sang dâng trân châu và sản vật địa phương để xin hòa. Xuống chiếu cho Tô Hiến Thành đem quân về. Từ đấy nước Chiêm Thành giữ lễ phiên thần, dâng cống không thiếu. Đóng thuyền Nhật Long”.

Không chỉ có tài cầm binh dẹp giặc, Thái úy Tô Hiến Thành còn giỏi quản lý, thống lĩnh quân sĩ, giúp dân khẩn hoang ở Hải Phòng, Thái Bình, Nam Hà, Thanh Hóa. Năm 1175, ông được phong chức Nhập nội kiểm hiệu Thái phó Bình chương quân quốc trọng sự, chính là chức Tể tướng, quan đứng đầu triều vua Lý Anh Tông.

Dù quyền cao chức trọng nhưng ông thanh liêm, cương trực, một lòng phò tá vua Lý Cao Tông khi ấy còn thơ bé, xây dựng triều chính. Ông cũng nổi tiếng là danh tướng trung thành, lấy quốc gia đại sự làm đầu. 

thai-uy-to-hien-thanh-tai-nang-duc-do-ra-sao-7
Thái úy Tô Hiến Thành là vị quan thanh liêm, đến hoàng hậu cũng không đút lót nổi

Lịch triều hiến chương loại chí có viết: "Mùa Thu, tháng 7, ngày Ất Tỵ, vua băng ở điện Thụy Quang. Trước đó, khi vua ốm nặng, hoàng hậu lại xin lập Long Xưởng, vua nói: "Làm con bất hiếu còn trị dân sao được". Di chiếu cho Tô Hiến Thành giúp lập thái tử, công việc quốc gia nhất nhất tuân theo phép cũ. Bấy giờ thái hậu muốn làm việc phế lập, sợ Hiến Thành không nghe, mới đem vàng bạc đút cho vợ là Nữ Thị.

Tô Hiến Thành khi ấy nói: "Ta là đại thần nhận mệnh tiên đế dặn lại giúp lập vua bé, nay lấy của đút mà làm việc phế lập thì còn mặt mũi nào trông thấy Tiên đế ở suối vàng?". Thái hậu lại gọi Hiến Thành đến dỗ dành trăm cách. Hiến Thành trả lời: "Làm việc bất nghĩa mà được giàu sang, kẻ trung thần nghĩa sĩ đâu có vui làm, huống chi lời của Tiên đế còn ở bên tai, điện hạ lại không nghe việc của Y Doãn, Hoắc Quang hay sao? Thần không dám vâng chiếu".

thai-uy-to-hien-thanh-tai-nang-duc-do-ra-sao

Một việc khác là khi ông sắp mất, bà Thái hậu hỏi ý muốn ông chuẩn bị người thay thế, có ý muốn ông chọn tay chân của mình là Vũ Tán Đường, người ngày đêm phục dịch ông chuyện cơm nước thuốc thang nhưng ông không đồng ý. Tô Hiến Thành tiến cử người tài năng, đức độ, gánh vác việc nước là Đại phu Trần Trung Tá.

Ngày 12/6 /1179 năm Kỷ Hợi, Thái úy Tô Hiến Thành qua đời. Vua Lý Cao Tông cho làm Quốc tang, ăn chay ba ngày, nghỉ thiết triều 6 ngày để cả nước chịu tang ông. (Đền thờ Tô Hiến Thành).

thai-uy-to-hien-thanh-tai-nang-duc-do-ra-sao-8
Đền thờ Thái úy Tô Hiến Thành thuộc xã Hoằng Tiến, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa

Nhân dân ghi nhớ ân đức ông nên lập làng nên dựng đền thờ ông ở nhiều nơi như Hà Nội, Hải Phòng, Ninh Bình, Hà Tĩnh… Đền thờ Tô Hiến Thành ở Sầm Sơn là một trong 72 ngôi đền ở Thanh Hóa thờ ông; tương truyền đền đã có cách nay trên dưới 800 năm. (Đền thờ Tô Hiến Thành).

Xem thêm: Nguyễn Hữu Dật - danh tướng văn võ song toàn có tài xem thiên văn như Gia Cát Lượng

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận