Đinh Liệt - danh tướng khai quốc duy nhất được vua Lê tặng 8 chữ vàng “tứ đại kỳ công, vĩnh thùy bất hủ"

Danh tướng Đinh Liệt là 1 trong những khai quốc công thần sống lâu nhất sau khi nhà Hậu Lê thành lập. Không chỉ là một danh tướng cầm quân giỏi, ông còn là một danh thần có công lớn trong công cuộc xây dựng đất nước thái bình, thịnh trị, đặc biệt dưới triều vua Lê Thánh Tông.

Đỗ Thu Nga
07:00 22/10/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Đinh Liệt và Hội thề Lũng Nhai

Đinh Liệt hay Lê Liệt (1400 - 1471) là công thần khai quốc nhà Lê sơ trong lịch sử Việt Nam. Ông là người thôn Phúc Long, xã Minh Tiến, huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa. Theo gia phả dòng họ Đinh ở Thái Bình thì ông là hậu duệ của Nam Việt Vương Đinh Liễn (con Đinh Tiên Hoàng).

Đinh Liệt sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đất nước bị giặc Minh giày xéo, dân chúng lầm than khổ cực. Thời thơ ấu, ông được cha gọi là Hồng Mai, rất giỏi về kinh luân thao lược và sớm có tinh thần yêu nước, căm thù giặc ngoại xâm. Thời trẻ, ông là một thanh niên khôi ngô, tuấn tú, thông minh, gan dạ, sớm bộc lộ tư chất của người có chí khí lớn.

Theo sách Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn, khi Lê Lợi bắt đầu chuẩn bị dựng cờ cứu nước, cứu dân, Đinh Liệt cùng anh là Đinh Lễ và Đinh Bồ tích cực hưởng ứng chính nghĩa. Đinh Liệt là một trong số 19 người tham dự Hội thề Lũng Nhai tháng 2 năm 1416 nổi tiếng. Ông cũng là một trong số rất ít những người dự hội thề này có may mắn được chứng kiến ngày đại thắng và sau đó được chứng kiến ngày non nước thịnh trị, thái bình suốt nửa chặng đầu của thời Lê sơ.

danh-tuong-khai-quoc-nao-duoc-le-thanh-tong-ban-tang-8-chu-vang-5
Hội thề Lũng Nhai

Có thể nói: Một trong những nguyên nhân dẫn đến cuộc khởi nghĩa Lam Sơn của Lê Lợi, Nguyễn Trãi thành công là đã tập hợp, quy tụ được nhiều tướng tài, mưu lược, văn võ song toàn, gan dạ từ đó đoàn kết được toàn dân chống giặc Minh xâm lược. Và một trong những vị tướng tài đó là 3 anh em Đinh Lễ, Đinh Bồ, Đinh Liệt.

Ròng rã 10 năm theo nghĩa quân Lam Sơn kháng chiến chống quân Minh, ông đã tỏ rõ lòng trung thành tuyệt đối của mình với Bình Định vương Lê Lợi, gian nan không ngại trí, thất bại chẳng sờn lòng, càng chiến đấu, tài năng quân sự của ông càng nảy nở. Ông nổi bật lên bởi hai trận đánh lớn là trận Khả Lưu và trận Chi Lăng - Xương Giang.

Danh tướng lập nhiều chiến công trạng

Sử chép, vào năm 1424, quân Lam Sơn tiến xuống phía Nam, nhanh chóng chiến thành Trà Lân rồi tiến vào vây đánh thành Nghệ An. Thế nhưng quân Minh phản công, Đinh Lễ được lệnh dẫn quân mai phục ở bên ngoài vùng đất hiểm Khả Lưu. 

Lúc này, Đinh Liệt đưa hơn 1000 quân bí mật luồn xuống Đỗ Gia (thuộc Hương Sơn, Hà Tĩnh) rồi vòng lên đánh tập hậu vào quân Minh.

Quân Minh đến vùng Khả Lưu thì bị rơi vào ổ mai phục của Đinh Liệt, tiến thoái lưỡng nan. Đúng lúc ấy, Đinh Liệt bất ngờ từ phía sau đánh đến khiến quân Minh đại bại.

Sau chiến công này của Đinh Liệt, nghĩa quân Lam Sơn đánh chiếm Tùng Lĩnh, Linh Cảm rồi chiếm toàn bộ châu Trà Lân (thuộc Nghệ An). Đinh Liệt lại tiếp tục dẫn quân đánh Nghệ An, quân Minh thua trận đành cố thủ trong thành.

Vào năm 1427, Tổng binh Liễu Thăng thống lĩnh 10 vạn đại quân binh tiến đánh quân Lam Sơn. Đinh Liệt cùng các tướng mai phục ở Chi Lăng đánh bại quân Minh, Liễu Thăng tử trận. 

Bởi những công lao nói trên, ngay sau khi đăng cơ (năm Thuận Thiên thứ nhất, năm 1428), vua Lê Thái Tổ ban thưởng cho 93 công thần. Trong đó, Đinh Liệt và Đinh Lễ được phong chức Thứ thủ (Phó Chỉ huy) của vệ quân Thiết Đột, được xếp vào hạng cao nhất trong số các Khai quốc công thần từng có mặt từ Hội thề Lũng Nhai. Một năm sau (1429), khi khắc biển công thần, ông được phong làm Đình Thượng hầu. Năm 1442, ông được gia hàm Nhập nội Tư mã, được tham dự triều chính.

danh-tuong-khai-quoc-nao-duoc-le-thanh-tong-ban-tang-8-chu-vang-6

Tháng 5/1434, đời vua Lê Thái Tông, ở phía Nam có quân Chiêm Thành vào cướp phá, Đinh Liệt lại dẫn quân vào đánh. Nhưng chỉ mới đến Hóa Châu (vùng Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế ngày nay), vua Chiêm là Bồ Đề nghe có tướng Đinh Liệt cầm quân vào đánh, sợ quá đã vội rút quân về. Người Man trường ở đây là Đạo Thành bị người cùng tộc thù nghịch đến đánh đã cầu cứu Đinh Liệt, ông bèn dẫn quân vào giúp đánh tan quân Man.

Tháng 7/1444, sau vụ án Lệ Chi Viên (vào năm 1442) thuộc đời vua Lê Nhân Tông. Do vua còn nhỏ lại có kẻ dèm pha làm hại ông, thái hậu Nguyễn Thị Anh cầm quyền nhiếp chính sai bắt giam cả nhà Đinh Liệt (lúc này ông đang giữ chức Thái phó). 4 năm sau, nhờ có người trong hoàng tộc là Lê Khắc Phục và công chúa Ngọc Lan nài nỉ xin hộ, ông mới được tha nhưng gia quyến vẫn bị giam, đến gần 2 năm sau mới được thả.

Năm 1454, ông được phục chức, được ban hàm Thái Bảo. Năm 1460, ông cùng các tướng Lê Lăng, Nguyễn Xí giết chết Lê Nghi Dân (kẻ giết anh là vua Nhân Tông để cướp ngôi) rồi cùng nhau tôn phò hoàng tử Lê Tư Thành (tức Lê Thánh Tông) lên ngôi Hoàng đế.

Từ tháng 6/1460, ông được phong chức Khai phú Nghi đồng Tam ty, Bình Chương quốc trọng sự, Nhập nội Thái phó Á Quận hầu. Đến tháng 12-1461, Đinh liệt cùng Lê Lăng được vua giao cầm quân dẹp giặc Lư Cầm, tù trưởng Bốn Man và sau đó được phong hàm Thái sư phụ chính.

Năm 1465, Nguyễn Xí mất, Đinh Liệt trở thành lão tướng duy nhất còn lại trong triều, ông làm Tể tướng, gánh vác nhiều việc lớn cho Giang Sơn Xã Tắc.

Phụng sự xã tắc đến giây phút cuối cùng

Vào năm 1470, vua Chiêm là Trà Toàn thống lĩnh 10 vạn quân tiến đánh Đại Việt. Quân Chiêm gồm cả thủy quân, bộ binh, kỵ binh, tượng binh đánh úp Châu Hóa. Phạm Văn Hiến không thể địch lại bèn cho quân và dân vào trong thành, đồng thời cấp báo về kinh sư.

Nhận được tin báo, vua Lê Thánh tông chuẩn bị gấp tiến đánh Chiêm Thành. Đinh Liệt khi ấy đã 70 tuổi vẫn làm Chinh Lỗ tướng quân, chỉ huy quân tiên phong đánh bại quân Chiêm, tiến thẳng vào Chiêm Thành. Quân Việt thắng lớn, vua Chiêm là Trà Toàn bị bắt.

danh-tuong-khai-quoc-nao-duoc-le-thanh-tong-ban-tang-8-chu-vang
Ở tuổi 70, Đinh Liệt vẫn đại phá quân Chiêm Thành

Năm 1471, Đinh Liệt thắng trận trở về thì mắc bệnh nặng và qua đời. Ông được truy phong là Trung Mục vương. Vua Lê Thánh Tông cũng ban tặng cho ông 8 chữ vàng: “Tứ đại kỳ công, vĩnh thùy bất hủ".

Đánh giá về Đinh Liệt, sử gia Phan Huy Chú viết rằng: “Ông là người có công to khi mới mở nước, trải thờ bốn triều. Lại là công thần bậc nhất buổi Trung hưng: chức vị và đức vọng cao chót vót. Từ năm Quang Thuận trở đi làm thủ tướng gần 10 năm, quyết đoán những mối ngờ lớn, quyết định những việc bàn lớn. Vua rất tin cậy, trong triều ngoài nội đều tôn trọng".

Con cháu nối đời làm quan

Con cháu của Đinh Liệt sau này tiếp tục nối đời làm quan cho nhà Hậu Lê và thời Lê - Trịnh. Sách Danh tướng Việt Nam, liệt kê con cháu 7 đời của Đinh Liệt đều có những võ tướng cao cấp và kết luận, theo cách nói của người xưa, dòng họ Đinh Liệt đúng là “hổ phụ sinh hổ tử”.

Đinh Liệt được vua Lê Thánh Tông ban lộc điền ở huyện Nông Cống, con trưởng của ông là Đinh Công Nhiếp (cũng gọi là Đinh Công Đột) đem gia nhân khai hoang vùng đất chân núi Nưa thuộc làng Đống Cải, xã Đội Tượng, ông làm quan đến Thị Lang bộ binh, tước Văn Thắng hầu, sau từng là Thượng Thư bộ binh, dưới thời Lê Thánh Tông.

Lộc điền của họ Đinh sau nhập với làng Đống Cải đến thời Duy Tân nhà Nguyễn thì đổi tên là làng Đông Cao cho đến ngày nay.

danh-tuong-khai-quoc-nao-duoc-le-thanh-tong-ban-tang-8-chu-vang
Khu di tích Sáo Thần,Thái Bình nơi có Đền thờ Tam quốc công Đinh Liệt, Đinh Lễ, Đinh Bồ

Đinh Liệt được thờ làm thành hoàng làng Đông Cao, các nhân vật có nhiều công lao giúp nước của họ Đinh như Đinh Tôn Nhân, Đinh Lễ, Đinh Bồ, Đinh Vĩnh Thái, Đinh Công Đột đều được phối thờ ở làng Đông Cao. Bà Đinh Thị Ngọc Ban là em gái Đinh Liệt được gọi là bà chúa Ban có công giúp Lê Lợi nên đã có đền thờ riêng ngay tại làng Đông Cao.

Tên ông đã được đặt cho nhiều con đường của các tỉnh, thành phố trong cả nước như: Hà Nội, Đà Nẵng...

Sau khi ông qua đời, nhân dân vùng tổng Thủy Cối Lam Sơn, Thanh Hóa có lập đền thờ ông. Còn ở Thái Bình có lập Đền thờ Tam quốc công Trong 277 vị khai quốc công thần của nhà Hậu Lê, ba anh em Đinh Lễ, Đinh Bồ, Đinh Liệt được coi là những vị tướng kiệt xuất nhất của nghĩa quân Lam Sơn, được vua Lê phong tặng là: “Lê triều Lũng nhai Khai quốc Bảo kiến công Thần”. Đinh Lễ còn được gọi là “Thái Sư Bân Quốc Công”, Đinh Bồ là “Thái Phó Đinh Quốc Công”, Đinh Liệt là “Thái Bảo Kỳ Vũ hầu Đại đô đốc”. Cả ba ông đều danh tiếng lẫy lừng như vậy thật đúng với câu đối khắc ghi trước cửa Đền là:

“ Võ công cái thế lừng thiên hạ

Danh bất hư truyền rạng núi sông”.

Trải qua gần 550 năm với bao biến cố và thăng trầm của non sông đất nước, Đền thờ Tam Quốc Công vẫn tồn tại đến ngày nay. Hiện tại đền Thờ Tam Quốc Công và đền thờ “Quốc Mẫu Ngô Thị Ngọc Giao” nằm trong quần thể di tích Sáo Đền đã được trùng tu và tôn tạo khang trang.

Xem thêm: Kỳ tài danh tướng mài gươm dưới bóng trăng đánh đuổi giặc Minh và giai thoại hiển linh huyền ảo, lạ lùng

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận