Kỳ tài danh tướng mài gươm dưới bóng trăng đánh đuổi giặc Minh và giai thoại hiển linh huyền ảo, lạ lùng

Đặng Dung là bậc kỳ tài danh tướng có công phò tá các vua thời Hậu Trần và đánh đuổi giặc Minh. Ngoài ra, cuộc đời vị danh tướng này còn gắn với giai thoại hiển linh rất huyền ảo, lạ lùng.

Đỗ Thu Nga
09:00 09/10/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Đặng Dung - kỳ tài danh tướng vang danh sử Việt

Đặng Dung (1373 – 1414) là tướng lĩnh thời Hậu Trần. Ông vốn là người xã Mỹ Tho, huyện Thiên Lộc, trấn Nghệ An (nay là huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh). Ông là con trai cả của Quốc công Đặng Tất. Theo Đặng tộc Đại Tông phả, ông tổ 4 đời của Đặng Tất là Đặng Bá Kiển vốn cư ngụ ở vùng kinh kỳ Thăng Long, sau đó di dời vào Nghệ An châu. Đặng Bá Kiển sinh ra Đặng Bá Tĩnh đỗ Thám hoa đời nhà Trần. Đặng Bá Tĩnh sinh ra Đặng Đình Dực, Đặng Đình Dực sinh ra Đặng Tất, Đặng Tất sinh ra Đặng Dung.

Đặng Tất (cha Đặng Dung) từng phò vua Giản Định đế của nhà Hậu Trần. Sau bị Giản Định đế giết chết cùng với tướng Nguyễn Cảnh Chân. Giận vì cha mình chết oan, Đặng Dung cùng Nguyễn Cảnh Dị (con của Nguyễn Cảnh Chân) rời đi, lập Trần Quý Khoáng tức vua Trùng Quang tiếp tục khởi nghĩa.

Một thời gian sau hai lực lượng của họ Trần hợp nhất, Giản Định Đế được tôn lên làm Thái thượng hoàng cùng với Trùng Quang Đế:

Cùng nhau gánh việc gian nan,

Hạ Hồng tế ngựa, Bình Than đỗ thuyền.

Dựng cờ đại nghĩa chống ngoại xâm

Vào tháng 5/1407, cha con họ Hồ bị bắt ở cửa biển Kỳ La, Chiêm Thành nhân đó dấy quân hòng chiếm lại đất Thăng Hoa. Đặng Tất xin với Trương Phụ cho mình cai trị đất Hóa châu, Trương Phụ chấp thuận, sau đó đem quân Chiêm Thành rút về. 

danh-tuong-dang-dung-va-giai-thoai-hien-linh-huyen-ao-0
Tranh minh họa

Đến tháng 10/1407, người con thứ của Trần Nghệ Tông là Trần Ngỗi, tự lập làm vua lên ngôi ở Tràng An, xưng là Giản Định đế. Do quân mới lập, nhà vua phải chạy vào Nghệ An, Đặng Tất lúc ấy làm Đại tri châu Hóa châu nghe tin, liền giết viên quan nhà Minh đem quân từ Hóa chuâ ra Nghệ An phò giúp. Đặng Tất dâng con gái cho vua Giản Định đế, sau đó phong làm Quốc công.

Năm 1409, sau trận đại chiến ở Bô Cô (xã Hiếu Cổ, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định), vì nghe lời khuyên của hoạn quan Nguyễn Quỹ và học sinh Nguyễn Mộng Trang nói rằng: Đặng Tất chuyên quyền, vua Giản Định Đế đem lòng ngờ vực đã giết Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân. Đặng Dung tức giận bỏ Trần Ngỗi, cùng Nguyễn Cảnh Dị (con của Nguyễn Cảnh Chân) đem binh Thuận hóa về Thanh Hóa, rước Trần Quý Khoáng đến Nghệ An lập làm vua.

Trần Quý Khoáng là ocn của Mẫn vương Ngạc và là cháu của Trần Nghệ Tông. Trước kia Quý Khoáng làm quan nhập nội thị trung. Trần Quý Khoáng lên ngôi vua ở Chỉ Là, đổi niên hiệu là Trùng Quang, dùng Nguyễn Súy làm Thái phó, Cảnh Dị làm Thái bảo, Đặng Dung làm Đồng bình chương sự, Nguyễn Chương làm Tư mã.

Giản Định đế đang ở thành Ngự Thiên, chống nhau với nhà Minh. Trùng Quang đế sai Nguyễn Súy mang quân ra đánh úp, bắt được Giản Định đế. Mẹ Giản Định đế và bầy tôi là Lê Tiệt, Lê Nguyên Đỉnh bàn nhau khởi binh đánh úp lại Trùng Quang đế - Trần Quý Khoáng. 

Sau đó việc này bị tiết lộ, Trùng Quang đế bắt giết Lê Tiệt và Nguyên Đỉnh. Khi ấy Nguyễn Súy đưa Giản Định đế đến Nghệ An, Trùng Quang đế thay mặc mũ áo thường ra đón tiếp. Trùng Quang đế bèn tôn Giản Định đế làm Thượng hoàng, cùng nhau mưu tính việc khôi phục.

danh-tuong-dang-dung-va-giai-thoai-hien-linh-huyen-ao-8
Đặng Dung là danh tướng mài gươm dưới trăng đánh đuổi giặc Minh

Giản Định đế và Trùng Quang đế chia quân làm 2, Giản Định đế tiến quân đến Hạ Hồng, vua Trùng Quang tiến quân đến Bình Than, các người hùng kiệt ở các lộ đều hưởng ứng; gặp lúc Trương Phụ dẫn quân đến, Giản Định đế bỏ thuyền lên bộ, Trương Phụ chia quân đi đằng sau, bắt được giải về Kim Lăng. Cánh quân vua Trùng Quang giữ nhau với Trương Phụ ở Bình Than, chia cho Đặng Dung giữ cửa Hàm Tử, vì thiếu lương thực, quân tan vỡ, vua Trùng Quang được tin, tự liệu không chống nổi, lại về Nghệ An, Trương Phụ đuổi theo, đến đâu cũng chém giết người vô số.

Tháng 7 năm Kỷ Sửu  (1409) trong một trận đánh lớn, quân Minh bắt được Giản Định Đế đưa về phương Bắc giết hại. Vào thời điểm đó, Đặng Dung cùng các tướng càng dốc lòng, dốc sức giúp vua Trùng Quang Đế, lập nhiều công lao, nổi bật nhất là trận đánh vào tháng 9 năm Quý Tỵ (1413) ở khu vực sông Thái Già (còn gọi là Sái Già), theo Minh Sử thì trận đánh này xảy ra tại Ái Tử (nay thuộc huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị), chút nữa bắt được chủ tướng của giặc là Trương Phụ.

Đại Việt sử ký toàn thư có chép: "Đang khi đôi bên quân nam và quân bắc đang cầm cự nhau thì Đặng Dung bí mật dùng bộ binh và tượng binh mai phục, đúng nửa đêm thì bất ngờ đánh úp vào doanh trại của Phụ. Dung đã nhảy lên thuyền của Phụ và định bắt sống Phụ nhưng lại không biết mặt để có thể nhận ra hắn, vì thế Phụ liền nhảy sang thuyền nhỏ chạy thoát. Quân Minh bị tan vỡ đến quá nữa, thuyền bè, khí giới bị đốt phá gần hết”.

Sử thần Lê Ngô Sĩ Liên cũng từng có lời bình: "Trận đánh ở Sái Già, Đặng Dung, Nguyễn Súy đem tàn quân trơ trọi chống lại bọn giặc mạnh, quân tướng đều tinh nhuệ. Dung nửa đêm đánh úp doanh trại giặc làm cho tướng giặc sợ hãi chạy trốn, đốt hết thuyền bè, khí giới của chúng, không phải người thực sự có tài làm tướng, thì có làm được như thế hay không?. Thế nhưng cuối cùng vẫn bại vong, đó là do trời. Tuy thất bại, cũng vẫn vinh quang. Trong khoảng 5 năm, kiên trì chiến đấu với giặc, dẫu có bất lợi, nhưng ý chí không núng, khí thế càng hăng, đến kiệt sức mới chịu thôi. Lòng trung vì nước của người bề tôi, dẫu trăm đời sau vẫn còn tưởng thấy được!”.

Vì giặc Minh liên tục được chi viện, chúng vừa đánh vừa dùng nhiều thủ đoạn mua chuộc người nê đã có một bộ phận nhát gan phản bội đất nước, tiếp tay cho giặc đàn áp càng mạnh hơn lực lượng của Trùng Quang Đế. Sách Đại Nam quốc sử diễn ca có đoạn viết:

Quân Minh chiếm giữ Bắc Kỳ,

Vua Trần lánh ở Nam thùy một nơi.

Đặng Dung, Cảnh Dị mấy người,

Thế cùng dù có tướng tài cũng thua.

Cuối cùng vào năm Quý Tỵ (1413) bắt được Trung Quang Đế và các cận thần trong đó có Đặng Dung. Đến tháng 4 năm sau, giặc áp giải vua tôi nhà Hậu Trần sang phương Bắc, "đến giữa đường vua nhảy xuống nước chết” (Việt sử tiêu án). Trong sách Khâm Định Việt sử thông giám cương mục cũng viết tương tự: “Tháng 4, mùa hạ. Trương Phụ đưa Đế Quý Khoáng sang Yên Kinh, chưa đến nơi thì Quý Khoáng mất, bình chương Đặng Dung, thái phó Nguyễn Súy đều chết theo”.

Giai thoại danh tướng Đặng Dung hiển linh

Đặng Dung đã tuẫn tiết theo vua để giữ trọn khí tiết trung thần. Ông còn để lại một bài thơ là Thuật hoài (có sách chép là Cảm hoài) bằng chữ Hán theo thể thất ngôn bát cú để tỏ rõ lòng yêu nước và khí phách của mình, được người đời sau truyền tụng, ca ngợi:

Thế sự du du nại lão hà?

Vô cùng thiên địa nhập hàm ca.

Thời lai đồ điếu thành công dị,

Vận khứ anh hùng ẩm hận đa.

Trí chủ hữu hoài phù địa trục,

Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà.

Quốc thù vị báo đầu tiên bạch,

Kỷ độ Long Tuyền đới nguyệt ma.

Nghĩa là:

Việc đời bối rối tuổi già vay,

Trời đất vô cùng một cuộc say.

Bần tiện gặp thời lên cũng dễ,

Anh hùng lỡ bước ngẫm càng cay.

Vai khiêng trái đất mong phò chúa,

Giáp gột sông trời khó vạch mây.

Thù trả chưa xong đầu đã bạc,

Gươm mài bóng nguyệt biết bao rày.

(Bản dịch của Phan Kế Bính)

Văn thần thời Hậu Lê là Lý Tử Tấn có nhận xét về tác giả bài thơ trên như sau: “Phi hào kiệt chi sĩ bất năng” (Nghĩa là: Nếu không phải là kẻ sĩ hào kiệt thì không thể làm được bài thơ này).

danh-tuong-dang-dung-va-giai-thoai-hien-linh-huyen-ao-6
Tượng thờ Đặng Tất, Đặng Dung ở từ đường Đặng tộc Hồng lam (Tùng Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh)

Sau khi danh tướng Đặng Dung mất, nhớ đến vị dũng tướng tài ba, tiết liệt một số nơi đã lập đền thờ ông. Trong đó có làng thuộc xã Yên Trị, phủ Kim Tông (có tên khác là Kim Trung) thuộc lộ Sơn Nam; sau này thuộc tổng Ngọc Chấn, huyện Đại An, phủ Nghĩa Hưng, trấn Sơn Nam (nay là xã Yên Trị, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định).

Bấy giờ vì đất nước đang trong ách đô hộ của phương Bắc, để che mắt giặc Minh nên người dân lập đền và thờ phụng Đặng Dung trên danh thờ một vị thủy thần với duệ hiệu Tam đầu cửu vĩ Bát hải Long vương. Sau này các triều đại có sắc phong, đặt thêm duệ hiệu khác nhưng duệ hiệu ban đầu vẫn được giữ nên nhiều người lầm tưởng vị thần được thờ là thủy thần.

Ở xã Ngọc Chân (tổng Ngọc Chấn, huyện Đại An) có ngôi đền thờ Đặng Dung tương truyền rất linh ứng và cũng từ đây xuất hiện nhiều câu chuyện kỳ lạ về ông. Trong sách Nam Định tỉnh địa dư chí của Nguyễn On Ngọc có viết về chuyện “Gió thần Ngọc Chấn” như sau:

“Xã này thờ tôn thần Giác Hải Long Vương thuỷ tề. Cúng gió cầu mưa thường linh ứng. Các triều trước liệt vào ngạch quốc tế. Thần làm gió làm mưa đều nổi gió bắc lên làm hiệu. Trong đền có câu đối: "Tằng kí hà niên thần kiếm hoá/Do truyền kĩ độ bắc phong lai". Vua Lê Thánh Tông đi dẹp Chiêm Thành qua địa phận thôn Uý Uy, nằm mơ thấy thần cho một cây gươm. Hôm sau sai người đào ở trong đền, quả nhiên được cây gươm. Xa giá chỉ huy, hễ đi đến đâu là dẹp yên đến đó.

Đến bản triều [tức triều Nguyễn] ngày tháng bảy năm Canh Dần Thành Thái thứ 2 [1890], nước sông lên to. Bấy giờ có một chiếc hoả thuyền của quân Pháp đâm vào bến sông ở địa phận xã Thôi Ngôi, không ra được. Quan phủ sở tại bắt nhân dân các xã trong huyện hết sức lôi kéo, hơn một tháng trời phu dịch rất là vất vả, khó nhọc mà cũng không sao kéo ra được. Quan mới mật đảo với thần đền xã ấy, thì đến nửa đêm bỗng gió bắc nổi lên rất mạnh, hoả thuyền tự nhiên đi ra, nhân dân cả huyện mới tránh khỏi nạn lôi kéo.

Lại tục truyền rằng trước đền có một dải sông chảy ngang, hàng năm có những con cá lớn nhảy vọt trước đền, có khi hai, ba ngày mới dời đi nơi khác nhưng không làm hại gì cả”.

danh-tuong-dang-dung-va-giai-thoai-hien-linh-huyen-ao-3
Hình tượng Tam đầu cửu vĩ trong tín ngưỡng dân gian. (Hình minh họa – Nguồn: vanhienviet)

Cũng nhắc đến câu chuyện hiển linh này, trong sách Tân biên Nam Định tỉnh địa dư chí lược của Khiếu Năng Tĩnh, ở tiểu mục về “Thủy thần dị truyện” có viết rõ hơn:

“Thần vốn tên là Đặng Dung, thờ tại bờ sông Mờm thuộc xã Ngọc Chấn, tổng Ngọc Chấn, thần là tướng thời Hậu Trần, từng đóng quân chặn quân Minh và cứu thổ dân bị lụt lớn vỡ đê. Thần thác danh thủy thần, được vua Hồng Đức phong là Bát Hải Long vương bảo quốc hộ dân Đặng tướng quân thượng đẳng phúc thần, có lệ quốc tế, phàm cầu nắng cầu mưa cầu phúc giải tai đều linh ứng rõ rệt.

Thời Lê Thánh Tông năm Hồng Đức thứ nhất [1470], vua tụ tướng đánh Chiêm Thành, qua đền mơ thấy thần dâng kiếm; mùa xuân năm sau thắng giặc trở về bèn ban tiền xây to đền. Thời Tự Đức khi Bắc thành trở thóc vào Huế, ban chiếu phong cho Đông Hải đại vương và Kim Tông thủy thần bảo vệ thuyền biển, khi thuyền đến chỗ đền Tiên Thanh Hoá, thần Kim Tông nổi bão đánh chìm hết, thần Đông Hải báo mộng cho Tự Đức, Tự Đức nổi giận sai quan về cưa chân nhang án chính vị, đem kê gạch để phạt tội.

Tháng 7 năm Thành Thái thứ 2 (1890) nước to đẩy hoả thuyền của người Pháp vào bãi, quan phủ Lê Huy Phan đốc người kéo không nổi, ông vào đền cầu đảo xin thần giúp đỡ cho dân khỏi vạ, nửa đêm thần nổi gió dâng nước đẩy thuyền ra sông.

Lại nói trước đền có quãng sông ngang, năm nào cũng có cá to đến trước đền, vùng vẫy có khi một ngày, có khi hai ba ngày mới đi mà không phá hại gì cả. Việc này hay vào ngày đại lễ hoặc khánh hạ, mấy năm gần đây thì không thấy nữa. Tới quãng năm Duy Tân có đôi lần tả đạo phỉ báng, vào ngày lễ rước thần, thần cho xoay kiệu chạy xéo tan hết lạc ngô để trừng phạt, do đó tả đạo cũng có phần nào nhụt bớt càn rỡ”.Ngôi đền thờ danh tướng Đặng Dung ở Ngọc Chấn còn gọi là đền Cả, theo thần phả lưu giữ tại đền thì ông là người có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược, lại có công chỉ huy nghĩa quân đắp đê ngăn lũ giúp nhân dân Kim Tông trong tai họa vỡ đê năm Tân Mão (1411) cứu vớt tài sản, ổn định đời sống.

Theo sách Tân biên Nam Định tỉnh địa dư chí lược thì trong thời gian ở Ngọc Chấn, danh tướng Đặng Dung có làm bài thơ nhan đề là: “Kim Tông quân thứ trung cảm tác” (Trong thuyền tại nơi đóng quân cảm tác):

Tinh kỳ nghiêm lập thủy lưu trường,

Thân ỷ thuyền lan vọng cố hương.

Dân tán quốc nguy thùy nhiệm trọng,

Binh cơ lợi độn vị năng lường!

Nghĩa là:

Cờ tinh nghiêm chỉnh nước trôi dài,

Quê cũ bên thuyền ngóng chờ hoài.

Dân tán nước nguy, ai gánh vác?

Việc quân thắng bại biết chưa rồi.

(Người dịch: Dương Văn Vượng).

Hiện nay, lễ hội đền Cả ở Ngọc Chấn (xã Yên Trị, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) được tổ chức long trọng, đặc biệt là các nghi thức cầu đảo, cầu mùa màng tươi tốt, cầu cuộc sống yên bình và tiến hành rước kiệu...

Xem thêm: Lê Phụng Hiểu: Danh tướng đánh đâu thắng đó, vang danh sử sách với "nhát gươm định loạn"

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận