5 lý do khiến ta mãi mắc kẹt trên con đường sự nghiệp không thể thăng tiến
Trên con đường sự nghiệp, sẽ có lúc ta mãi mắc kẹt tại một điểm, muốn thăng tiến nhưng chẳng biết đi đâu, làm gì để có thể thoát khỏi bế tắc.
Hãy hình dung sự nghiệp của ta như một chuyến tàu lượn siêu tốc, có lúc ta sẽ lao thật nhanh về phía trước, nhưng có khi ta lại như kẹt lại ở một chỗ, muốn đi về phía trước nhưng không có cách nào. Dưới đây là 5 lý do khiến ta mãi mắc kẹt trên con đường sự nghiệp không thể thăng tiến và lời khuyên để giải thoát khỏi sự bế tắc ấy:
Công việc hiện tại trở nên nhàm chán
Khi một công việc trở nên quá quen thuộc, ta thường khó tìm lại cảm giác hào hứng ban đầu. Như một hệ quả tất yếu, khi ta thiếu động lực để làm một điều gì đó, ta không còn cảm thấy hứng thú để cạnh tranh hay nỗ lực nữa. Đó chính là lúc mà ta cần phải thay đổi bản thân.
Tự hỏi bản thân rằng lần gần nhất ta tham dự hội thảo hay khóa học để phát triển kỹ năng là khi nào? Đừng bỏ lỡ cơ hội phát triển bản thân, hãy xung phong tham gia một dự án mới hoặc đăng ký một khóa học nào đó. Mục tiêu sẽ là thử thách bản thân, tìm ra những khía cạnh mới trong công việc và phát huy kỹ năng sẵn có.
Thương hiệu cá nhân bị giảm sút
Trong môi trường công sở, chỉ cần một lần bùng nổ cảm xúc nhất thời hay một sai sót nào đó cũng có thể khiến thương hiệu cá nhân của ta bị giảm sút nghiêm trọng. Đây là lý do khiến ta cứ mặc kẹt ở một điểm mà chẳng thể thăng tiến.
Để khắc phục, đừng ngần ngại nói lời xin lỗi, và chứng minh cho công ty thấy rằng ta là mọt người xứng đáng. Hãy trở thành nhân viên gương mẫu, chăm chỉ và làm việc hiệu quả. Bên cạnh đó, đừng ngần ngại đăng ký tham gia các hoạt động tình nguyện hoặc thể thao do công ty vận động.
Không phù hợp với văn hóa công ty
Trên thực tế, không phải lúc nào ta cũng có thể hòa hợp với môi trường công sở, cấp trên và đồng nghiệp dù rất muốn. Điều này có thể do ta không thực sự phù hợp với văn hóa công ty, dù cho ta rất có năng lực.
Vì vậy, hãy xem xét lại các giá trị cốt lõi của bản thân, soi chiếu với môi trường làm việc ở doanh nghiệp hiện tại, bao gồm phong cách lãnh đạo, đồng nghiệp, giờ giấc làm việc,... Nếu cảm thấy không cùng quan điểm với công ty đang làm, có lẽ đây là lúc ta nên tìm kiếm một môi trường làm việc khác phù hợp hơn.
Có quá ít mối quan hệ
Các mối quan hệ là một yếu tố quan trọng nếu muốn phát triển sự nghiệp, ngay cả khi ta chỉ muốn thăng tiến trong công ty hoặc xa hơn là thay đổi chỗ làm, khởi nghiệp. Muốn sự nghiệp thăng tiến, ta phải tiếp xúc và thân thiết với đúng người.
Hãy tìm cách học hỏi, đúc kết kinh nghiệm từ những đồng nghiệp cấp cao trong ty, những người đã thành công ở vị trí ta đang ở hiện tại. Coi họ như một người cố vấn, giúp ta định hướng và phát triển những kỹ năng cơ bản. Bên cạnh đó, hãy tham gia nhiều sự kiện, hội thảo liên quan đến công việc ta đang làm hoặc có hứng thú để gặp gỡ, làm quen với những người đến từ nơi khác, mở rộng các mối quan hệ.
Quá im lặng, nhút nhát
Ta cần phải nhớ rằng, không ai có thể đọc được suy nghĩ của người khác hay nhìn trước ý định trong tương lai. Nếu cảm thấy mình đang thiếu sót hoặc bị cản trở, hãy chủ động lên tiếng. Ta có thể hẹn gặp cấp trên hoặc sếp trong một buổi họp riêng để thảo luận về vấn đề này.
Đừng quên thể hiện những gì ta đã làm được trước khi đề cập tới định hướng tương lai. Chỉ ra mục tiêu chung giữa mình và công ty, sau đó liệt kê những vấn đề khiến ta băn khoăn, lo ngại và hỏi ý kiến sếp/cấp trên ý kiến để có thể nhận lời tư vấn.
Trước khi thay đổi công việc hiện tại, ta cần tìm hiểu đâu là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng mắc kẹt ấy, từ đó xác định phương án giải quyết. Dù là chọn cách nào, ta cũng phải học cách chủ động, mạnh mẽ hành động thì mới thoát khỏi xiềng xích, rào cản để thăng tiến trên con đường sự nghiệp.
Tư duy để thành công của các tỷ phú đi lên từ hai bàn tay trắng: Vấp ngã ở đâu, đứng lên ở đó
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận