Mẹ là “dì ghẻ” – Câu chuyện hay ý nghĩa về gia đình
“Mẹ là dì ghẻ” là câu chuyện ngắn cảm động trước sự hy sinh của người mẹ và tấm lòng hiếu thảo của người con dù không cùng dòng máu.

Câu chuyện “Mẹ là dì ghẻ”
Thằng Tí tên là Đại, mẹ nó mất khi nó còn nhỏ xíu, khi nó lên sáu thì ba nó rước dì ghẻ về.
Dì ghẻ khó lắm, vì ba nó làm ngư dân nên thường xuyên vắng nhà, nó phải ở nhà với dì ghẻ, nó sợ lắm. Dì ghẻ cấm không cho nó chơi đá banh ngoài đường, dì bắt nó phải rửa tay sạch sẽ xong mới ăn cơm. Dì là cô giáo nên bắt nó viết chữ, dạy nó làm toán, tóc tai, móng tay, móng chân cứ phải cắt gọn gàng… Dì bắt nó gọi là mẹ, nó không thích nhưng không dám cãi, chỉ biết âm thầm lẩm bẩm “Mẹ là dì ghẻ độc ác…”. Chỉ có lúc ghe về nó mới vui, vì được gặp ba. Ba hôn nó nhưng lại luôn khen và cảm ơn dì ghẻ.
Một ngày khi nó lên tám, có người đến báo tin gì đó mà dì ghẻ chạy như điên, như dại ra ngoài biển gào khóc. Nó cũng hoảng loạn chạy theo dì, khóc bên bờ biển. Dì ôm nó nói chẳng thành câu: “Ba…không về…không về nữa rồi con ơi. Ba bỏ mẹ con mình rồi….”.

Mấy năm qua, cứ vậy nó sống với dì. Dì vẫn vậy, vẫn bắt nó học, cấm đá bóng ngoài đường, không cho chơi game nhiều đặc biệt là game bạo lực,… Hôm đó, nó lại bị dì mắng dữ dội vì cái tội tắm mưa đầu mùa. Dì nói mưa đó rất độc, sẽ bệnh cho mà xem. Mà nó không nghe. Tối đó, đầu nó nặng như chì, nó lên cơn sốt người run cầm cập. Dì cho nó uống thuốc, lau người, chườm khăn nóng mà cơn sốt vẫn không hạ, cứ một lúc tay chân nó lại co rúm lại. Dì hoảng quá, xốc nó dậy cõng qua trạm Y tế gần nhà. Trong cơn mơ hồ nó nghe dì khóc, giọng đứt quãng như cái lần người ta báo tin ba nó không về nữa: “Con ơi! Ba con mất rồi…con mà có mệnh hệ gì thì mẹ sống sao?”.
Nó bệnh hơn tuần, nó thấy dì ốm hẳn, mắt thâm quầng, hối hận dâng trào nó ôm dì và nói: “Mẹ ơi! Con xin lỗi mẹ!”. Từ đó nó thực lòng chấp nhận “mẹ là dì ghẻ” và không làm mẹ buồn thêm lần nào nữa.

Khi thằng Tí vào đại học năm 2, ba nó bất ngờ trở về, sang trọng và giàu có lắm. Ba nó muốn nhận nó, muốn rước nó vào thành phố để có một tương lai tươi sáng hơn, nhưng lại không rước mẹ vì bên ba nó lúc này đã có một người phụ nữ đẹp, giàu có. Mẹ lau dòng nước mắt, khuyên nó theo ba. Nhưng nó khăng khăng không chịu, nói: “Con vẫn học ở đây, vẫn ở với mẹ. Ba đã có mọi thứ rồi, còn mẹ chỉ có mình con thôi”. Thuyết phục nó không được ba rời đi, trước khi đi nó nghe “mẹ mới” lầu bầu một câu: “Ngu xuẩn!”.
Nó ra trường, đi làm và đưa người yêu về ra mắt mẹ, mẹ mừng lắm, cười tít cả mắt. Lâu rồi nó chưa thấy mẹ vui như vậy. Nhưng khi ra về, người yêu nó lại tỏ ý ngần ngại sợ sống chung với mẹ chồng. Thế là nó kể cho cô người yêu nghe một câu chuyện và kết luận: “Em biết không? Anh không phải là đứa con nảy mầm trong bụng mẹ, nhưng mà mầm sống yêu thương của anh lại nảy mầm trong tim mẹ”.
Người yêu nghe vậy xong, ôm nó thủ thỉ: “Em hiểu rồi, chúng ta sẽ cùng chăm sóc mẹ thật tốt anh nhé!”.
Xem thêm: Người bố tật nguyền – Câu chuyện cảm động nhân văn
Đọc thêm
Trung úy Đỗ Đức Việt giờ đã về với đất mẹ cùng hai đồng đội của mình nhưng những hình ảnh cao đẹp của anh làm vì cộng đồng vẫn được khắc ghi mãi. Cám ơn các anh, người lính cứu hỏa dũng cảm, giàu lòng nhân ái!
“Người bố tật nguyền” là câu chuyện cảm động về người bố không dám đi dự đám cưới của con gái mình, một phần vì mặc cảm, một phần vì thương con không muốn con bị người ta cười chê.
“Những người bạn cũ” là một câu chuyện ngắn ấm áp khiến người ta không khỏi xúc động trước tấm lòng của những người bạn một thời gắn bó keo sơn.
Tin liên quan
Trong bài luận gửi tới trường, cậu con nuôi Nguyễn Như Huyến viết về ước mơ lớn nhất là thay đổi tương lai, mang đến cho mẹ cuộc sống đủ đầy, hạnh phúc hơn...
“Tiếng lòng của chị Hai” là câu chuyện ngắn sâu sắc, cảm động về sự hy sinh của chị Hai, người dành cả tuổi xuân của mình để chăm lo cho các em mà không một lời oán trách.
“Buồn của cha” là một câu chuyện ngắn sâu sắc, đáng suy ngẫm khiến người đọc phải chạnh lòng, giữa dòng đời bộn bề vô thường này điều gì là đáng giá nhất...