Lao đao vì mất việc ở tuổi 40 – Câu chuyện đáng suy ngẫm
Mất việc ở tuổi 40, lương trăm triệu thành con số 0, cuộc sống của tôi trở nên chao đảo, vợ chồng cãi vã không hồi kết vì bao khoản chi tiêu cứ dồn dập kéo đến…
Tối qua vợ chồng tôi lại tranh cãi nhau gay gắt về việc học hành của con. Tôi muốn chuyển con sang trường công để giảm bớt khoản học phí, nhưng vợ tôi lại không chịu. Nhưng không chuyển trường cho con thì làm sao được, bởi khoản thu nhập của gia đình đã giảm mạnh kể từ khi tôi thất nghiệp.
Năm nay tôi 40 tuổi, vợ ít hơn tôi 5 tuổi. Chúng tôi có với nhau một cậu con trai hiện đang học lớp 5 tại một trường tư thục. Vì có một cậu con trai duy nhất nên vợ chồng tôi luôn đầu tư cho con những gì tốt nhất. Tính tiền học lẫn các chi phí khác, mỗi năm vợ chồng tôi tiêu tốn khoản vài trăm triệu cho con trai, một con số không nhỏ. Không phải chúng tôi thích chạy đua theo những gia đình giàu có mà bởi thời điểm con bắt đầu đi học, thu nhập của vợ chồng tôi khá cao.
Nếu mọi chuyện cứ như cũ thì tốt, nào ngờ 2 năm nay kinh tế suy thoái, công ty thường xuyên thua lỗ. Tới cuối năm vừa rồi, công ty thực sự khó khăn, không còn khả năng thanh khoản. Lương lậu của nhân viên đã mấy tháng không được trả. Đến đầu năm nay, không thể gồng gánh thêm nữa, giám đốc công ty đành phải tuyên bố phá sản.
Khi mọi việc còn tốt, thu nhập hàng tháng của tôi cũng cỡ trăm triệu, lương vợ cũng được 30-40 triệu/tháng nên tiền sinh hoạt gia đình, tiền học hành đầu tư cho con không phải lo nghĩ nhiều. Từ khi công ty làm ăn kém đi, thu nhập của tôi giảm mạnh, có lúc chỉ còn dưới 10 triệu, mua cái gì cũng phải tính toán kỹ càng.

Trước đây tôi cũng nghĩ mình có tài, không thiếu chỗ cần, nhưng nào ngờ tuổi tác lại là một trở ngại lớn. Ngay từ giữa năm ngoái tôi đã bí mật rải đơn tìm việc nhưng mãi vẫn chưa tìm được chỗ ưng ý, biết tôi ở tuổi 40 nhiều chỗ còn từ chối ngay.
Vợ bảo tôi có thể tự ra làm riêng. Nhưng bao năm đi làm thuê, quen với việc được người khác trả lương, bây giờ bảo tôi ra ngoài bươn chải kiếm tiền thực sự rất khó. Nhưng nếu không còn lựa chọn nào khác chắc tôi cũng đành phải làm như vậy.
Thu nhập giảm nên tôi buộc phải tính toán lại chi tiêu trong nhà sao cho hợp lý. Khoản gì có thể tiết kiệm liền tiết kiệm. Phần lớn vợ tôi đều ủng hộ, chỉ riêng việc học của con là cô ấy không đồng ý. Vợ tôi bảo con học ở trường cũ đã quen với môi trường, bạn bè và được chăm sóc cẩn thận. Vì lúc mới sinh, con trai tôi bị dị tật nên trí não chậm phát triển hơn so với các bạn cùng trang lứa. ban đầu tôi cũng muốn thế vì nghĩ mình sẽ nhanh chóng tìm được công việc mới. Nhưng mỗi lần đi phỏng về tôi lại hụt chí, hoài nghi chính mình.
Đã thế, đợt nghỉ Tết vừa rồi về quê anh cả còn bảo sức khỏe của bố mẹ dạo này kém hơn, đi khám ra nhiều bệnh nên cần các em đóng góp tiền hàng tháng để chạy chữa. Vợ chồng tôi trước đó đã gửi anh vài chục triệu, nhưng mấy ngày trước anh lại gọi ra giục tôi mau gửi thêm.
Tuy là con trai út trong gia đình nhưng trong số 4 anh em, tôi là người duy nhất lập nghiệp trên thành phố và có mức thu nhập khá, nên mỗi khi nhà có việc, tôi luôn phải đóng góp nhiều nhất. Nếu bình thường thì không sao, nhưng vào đúng lúc này thì quả thực đuối sức với tôi.
Tối qua, tôi lại mang chuyện chuyển trường cho con ra nói với vợ. Vợ tôi vẫn cương quyết muốn con học trường cũ, còn chuyện bố mẹ tôi thì cô ấy nói tôi nên nói rõ về tình trạng kinh tế gia đình cho các anh biết, để mọi người san sẻ với nhau. Tôi biết hoàn cảnh của các anh trai mình nên không đồng ý lắm với ý kiến của vợ. Không ngờ cô ấy nổi đóa lên nói tôi chỉ biết lo cho bố mẹ và các anh trai, còn bỏ mặc vợ con. Cô ấy bảo tôi cứ suy nghĩ cho kỹ, nếu vẫn quyết tâm chuyển trường thì ly hôn, một mình cô ấy cũng lo được cho con, không cần tôi phải bận tâm.
Tôi giờ chẳng biết làm sao, nếu cưỡng ép quá thì gia đình khéo tan đàn xẻ nghé thật. Nhưng nhìn hóa đơn tiền học của con vừa được nhà trường gửi tới, tôi lại thấy đau đầu.
Tin liên quan
Cẩu vĩ tục điêu và Kê khuyển thăng thiên đều là hai câu thành ngữ nổi tiếng, ý nghĩa ẩn dụ của chúng bắt nguồn từ câu chuyện xa xưa.
Đây là lần đầu tiên cha đi máy bay, hẳn là vé hạng thương gia nhưng lại là chuyến bay đầy nước mắt để về gặp con gái lần cuối.
Với người không biết nắm bắt cơ hội, thì dù bạn cho họ cá, cần câu, và dạy cả kỹ năng câu cá nữa vẫn là chưa đủ.