Vết sẹo – Câu chuyện nhân văn đáng suy ngẫm
Vị bác sĩ ấy không xóa vết sẹo trên mặt tôi, thay vào đó ông đã xoá đi vết sẹo mặc cảm tự ti trong tâm hồn một cô gái.
Bàn tay ông sờ nhẹ vào vết sẹo lồi trên má tôi, vừa ôn tồn hỏi: “Cô có phải là người mẫu không?”.
Người mẫu ư? Tôi nhìn thẳng vào vị bác sĩ đang đứng trước mặt, cố tìm ra nét giễu cợt trên gương mặt ông. Làm gì có ai lại nhầm lẫn tôi với một người mẫu. Tôi là một cô gái xấu xí, thô kệch với vết sẹo dài bên má. Ngay cả mẹ tôi cũng cho rằng chị tôi mới là cô con gái xinh đẹp của bà.
Một tai nạn bất ngờ xảy ra vào năm tôi học lớp 4, khối bê tông trong khi được cẩu lên để xây nhà hàng xóm đã va mạnh vào mặt tôi và để lại một vết sẹo dài trên má. Khi ấy, ba luôn ôm tôi, vỗ về nói: “Con luôn là cô con gái xinh đẹp của ba cho dù người khác không nghĩ thế”.
Từ ngày đeo lên mặt chiếc sẹo dài, tai tôi đã như điếc trước những lời nhạo bán của lũ bạn cùng lớp, mắt tôi cũng như mù khi giả vờ không nhận ra mình khác các bạn như thế nào. Tôi buộc mình không được soi gương. Trong cái thế giới mà cái đẹp ngự trị thì ai mà thèm để ý đến một đứa con gái xấu xí như tôi. Vết sẹo trên mặt dìm tôi vào nỗi đau khôn cùng. Mỗi lần cả nhà ngồi xem những chương trình về sắc đẹp là tôi lại trốn vào phòng mặc cho nước mắt tủi hờn lăn dài trên má. Dần dà, tôi tập làm quen và chấp nhận sự thật, tôi là một cô gái xấu xí.
Tôi nghĩ, nếu bản thân không có diễm phúc làm một người đẹp, thì ít nhất tôi cũng phải ăn mặc chỉnh tề, thơm tho, sạch sẽ. Tôi uốn mái tóc đen dày của mình thành mái tóc xoăn hiện đại, thay chiếc kính cận dày cộm thành cặp kính áp tròng. Tôi cũng chịu khó quan sát các cô gái khác để ăn mặc, trang điểm cho phù hợp. Giờ đây, trong giây phút tôi sắp kết hôn thì vết sẹo tôi cố lãng quên ấy lại một lần nữa hiện ra, xát muối lên trái tim tôi.
“Dĩ nhiên thưa ông, tôi không phải là một người mẫu”, tôi trả lời với giọng phẫn nộ.
Vị bác sĩ thẩm mỹ khoanh tay trước ngực, nở nụ cười trìu mến nhìn tôi: “Thế thì tại sao cô lại lo lắng về vết sẹo đến thế? Nếu không có lý do nghề nghiệp buộc cô phải tẩy sẹo thì điều gì khiến cô phải đến đây?”.
Bất giác, tôi cảm thấy vị bác sĩ như đại diện cho tất cả những người đàn ông tôi từng gặp, những người đã từng chế nhạo, giễu cợt và ruồng bỏ tôi. Theo thói quen, tôi sờ tay lên vết sẹo. Nó như nhắc tôi rằng “ngươi là một cô gái xấu xí”, bỗng mắt tôi đỏ hoe.
Người bác sĩ thấy vậy, kéo ghế đến bên tôi, ôn tồn bảo: “Để tôi nói cho cô biết tôi nhìn thấy gì ở cô nhé. Một cô gái xinh xắn. Không phải một cô gái hoàn hảo mà là một cô gái xinh xắn. Cô biết Lauren Hutton chứ? Bà ấy có một khe hở trên hàm răng cửa và Elizabeth Taylor cũng có một vết sẹo nhỏ trên trán”.
Nói xong, ông xoay người lại và đưa cho tôi một cái gương, tiếp lời: “Tôi từng tự hỏi, tại sao những người phụ nữ nổi tiếng lại tự tin về những vết sẹo, khiếm khuyết trên cơ thể họ như vậy và tôi đã có câu trả lời. Chính sự không hoàn hảo đó đã khiến họ nổi bật hơn mà không hề lẫn lộn với người khác. Và cũng khiến chúng ta nhớ đến họ như một con người bằng xương bằng thịt vì "nhân bất thập toàn mà”! Đừng để ý đến những kẻ xuẩn ngốc chê cười vết sẹo của cô. Cô dễ thương, xinh xắn vì cô là chính cô. Vẻ đẹp thật sự chính là từ bên trong con người cô. Hãy tin lời tôi!”.
Tôi nhìn vào gương. Những lời nói của vị bác sĩ cứ vang mãi bên tai.
Nhiều năm sau đó, tôi đã trở thành một phụ nữ nổi tiếng được nhiều người ngưỡng mộ, tôi tự tin diễn thuyết và hùng biện trước hàng trăm người trên sân khấu. Tôi biết mình là ai. Bây giờ tôi đã hiểu, khi tôi thay đổi cách nhìn nhận tích cực với chính mình, những người khác cũng buộc phải thay đổi cách nhìn nhận về tôi. Vị bác sĩ ấy không xóa vết sẹo trên mặt tôi, thay vào đó ông đã xoá đi vết sẹo mặc cảm tự ti trong tâm hồn một cô gái.
Sưu tầm
Xem thêm: Chiếc áo yêu thương – Câu chuyện nhân văn cảm động
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận