Chuyện về sinh nhật Bác Hồ: “Ngày sinh của Bác cũng phải là một ngày phục vụ được lợi ích của cách mạng”
Mọi người đều bất ngờ khi biết bác định tổ chức sinh nhật cho mình, nhưng đến khi biết nguyên nhân phía sau, ai nấy đều không khỏi cảm thán về sự tận đối với đất nước của Bác, suốt đời làm việc cho Đảng, không tính toán cá nhân, đòi hỏi địa vị.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nổi tiếng là người sống giản dị, khiêm tốn, không thích phô trương và càng đặc biệt hơn là không thích thích người khác tặng quà cáp nịnh bợ mình.
Tuy là vị Chủ tịch vĩ đại được nhân dân cả nước hết mực yêu mến, tôn sùng, nhưng phải đến tận tháng 5/1946, lần đầu tiên toàn dân Việt Nam mới được biết đến sinh nhật Bác.
Trong Hồi ký “Tháng Tám cờ bay” của cụ Vũ Đình Huỳnh – nguyên Thư ký riêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Đại tướng Võ Nguyên Giáp – nhân chứng lịch sử chứng kiến buổi lễ kỷ niệm ngày sinh nhật lần đầu tiên của Bác đăng trên báo Văn nghệ tháng 10/1993, có ghi lại như sau:
Sáng ngày 18 tháng 6, Bác bước vào phòng tôi, bảo:
- “Này, chú thông báo cho các đơn vị trong Chính phủ biết ngày mai sinh là sinh nhật tôi. Đừng quên gọi các cháu thiếu nhi đến chơi với tôi nhé!”.
Tôi sửng sốt nhìn Bác. Con người rất mực khiêm tốn, thế mà đùng một cái chỉ thị cho tôi tổ chức sinh nhật cho chính mình? Tôi toan hỏi Bác, nhưng Bác đã quay lưng bước ra ngoài. Dừng lại ở cửa, Bác còn dặn thêm:
- “À, nhớ báo cho các anh ở Trung ương và các đoàn thể biết luôn mai tổ chức sinh nhật tôi”.
Bác vừa rời đi, tôi liền gọi dây nói đi các nơi bàn về việc tổ chức sinh nhật Bác. Những nơi cần báo mà không có dây nói thì phải cử người đi đến tận nơi để thông báo. Mọi người cằn nhằn tôi về chuyện nước đến chân mới nhảy. Anh Trường Chinh còn cho rằng tôi được biết về sinh nhật Bác mà không nói trước. Mọi chuyện gấp quá nhưng rồi người nọ báo thêm cho người kia, nên hầu hết mọi người đều biết ngày mai sẽ tổ chức sinh nhật cho Bác.
Hôm sau, cả Hà Nội sáng lên màu cờ, biểu ngữ nói lên ý chí giành độc lập và chúc mừng sinh nhật Bác. Nhìn ra ngoài đường, tôi thấy anh em thợ điện tíu tít bắc thang chăng đèn kết hoa, rực rỡ cả một khoảng trời. Lễ mừng sinh nhật Bác được tổ chức vào tối hôm đó, tại Bắc Bộ phủ. Không khí ngày hội len lỏi khắp phố phường, tới tận hang cùng ngõ hẻm. Từng đoàn người biểu tình, nô nức kéo nhau tuần hành trên các đường trung tâm hô vang khẩu hiệu chúc thọ Bác và các khẩu hiệu cách mạng khác. Các cháu thiếu nhi ăn mặc quần áo đẹp, gõ trống ếch ca hát quanh Bắc Bộ phủ.
Cũng trong ngày hôm đó, vào buổi tối, tôi có nhiệm vụ phải tổ chức đón tiếp Cao uỷ Đác-giăng-li-ơ và ông Xanh-tơ-ni, cũng tại Bắc Bộ phủ. Đác-giăng-li-ơ từ Hải Phòng lên, Xanh-tơ-ni ở sẵn Hà Nội, hai người sẽ tới chào xã giao Hồ Chủ tịch. Lúc này tôi mới ngộ ra, thì ra Bác đã tính toán trước tất cả. Nếu họ tới mà không có sự đón tiếp nồng nhiệt thì sẽ có hại cho mối quan hệ vốn dĩ đã căng thẳng. Nhưng nếu phải đón tiếp họ tưng bừng thì mình lép vế quá lại không hay. Thế là ngày sinh nhật Bác được thông báo, vẹn cả đôi đường.
Đác-giăng-li-ơ và Xanh-tơ-ni tới Bắc Bộ phủ với gương mặt rạng rỡ. Chắc hẳn ông đô đốc nghĩ rằng không khí hội hè ở Hà Nội mà ông ấy đang nhìn thấy là dành cho ông. Ở Bắc Bộ phủ, họ gặp nhiều quan chức cao cấp của Chính phủ Việt Nam hơn là trong một cuộc đón tiếp bình thường, thậm chí còn có cả các cháu thiếu nhi đánh trống, vẫy cờ hoa. Cuộc thăm viếng xã giao vô hình chung biến thành cuộc ghé thăm chúc mừng nhân ngày sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Khi ấy, điều mà tôi tin là đối với Bác, ngày sinh của mình cũng phải là một ngày phục vụ được lợi ích của cách mạng…”.
Sưu tầm
Xem thêm: Kỷ niệm sinh nhật cuối cùng của Bác Hồ: Đó là ngày làm việc bình thường như bao ngày khác
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận