Một gia đình hạnh phúc – Câu chuyện nhân văn sâu sắc

Một gia đình hạnh phúc đâu cần gì nhiều, chỉ cần con cái kề bên, dâu hiền rể thảo là được rồi. Thế nhưng, ở đời mấy ai được vậy!

Diệu Nguyễn
10:00 16/05/2024 Diệu Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Tôi mới quen biết và chơi với gia đình anh được 3-4 năm nay. Gia đình anh là một gia đình kiểu mẫu bình thường, giống như bao gia đình khác trong xã hội này. Cha mẹ anh là giáo viên, vợ chồng anh cũng vậy cũng làm nghề “lái đò”. Năm nay anh 60 tuổi, con cháu đuề huề, nội ngoại đầy đủ. Các cháu nhà anh đều lập gia đình và dọn ra ở riêng cả, hiện giờ trong căn nhà nhỏ chỉ có vợ chồng anh sống cùng mẹ già năm nay 93 tuổi. Cha anh sinh năm 1927, vừa khuất núi được 5 năm. Mẹ anh sinh năm 1931, nhưng vẫn còn rất minh mẫn, khỏe mạnh.

Vì thường xuyên qua nhà chơi nên tôi chứng kiến rất nhiều câu chuyện thú vị của nhà anh…những câu chuyện ấy khiến tôi phải thốt lên “gia đình hạnh phúc là đây chứ đâu!”.

Một buổi chiều nọ khoảng 17 giờ, tôi cùng mấy anh bạn tới nhà anh nhậu. Vợ anh làm con gà nấu trong bếp. Mẹ anh ngồi uống nước vối ở bàn bên. Tụi tui lăng xăng mỗi người một tay vào phụ anh dọn bàn nhậu.

Trong lúc làm, tôi thấy vợ anh đến bên mẹ, nhẹ giọng nói: “Mẹ ơi, con nấu cháo gà, con múc mẹ ăn thử một miếng xem có ngon không nha mẹ. Nếu mẹ thấy ngon thì ăn thêm”.

“Không, mẹ đã bảo không ăn rồi mà, sao cứ bắt mẹ ăn là sao?”, cụ lắc đầu nói.

“Dạ không, con có bảo mẹ ăn dâu. Ý là con mời mẹ ăn thử một ít xem con nấu có ngon không, nêm nếm vừa chưa để con đem cho các anh ấy nhậu mà. Mẹ thử giùm cho tí nha, một ít thôi cũng được”, chị vợ nhỏ giọng năn nỉ.

Rồi chị bưng chén cháo chị để nguội vừa ăn tới, nói: “Mẹ, mẹ thử giùm con nhé!”.

Thế là mẹ tươi cười, ăn hết chén cháo chị đưa. Miệng cứ tấm tắc khen ngon.

Tôi lặng người đứng im hồi nào không hay. Tự dưng nước mắt tôi chảy xuống, tôi vội kéo tay áo lên lau. Chị ấy là dâu, vậy còn anh ấy, con trai của mẹ thì sao?

Mot-gia-dinh-hanh-phuc-cau-chuyen-nhan-van-sau-sac

Anh ấy năm nay đã 60 tuổi, nhưng chưa bao giờ bước chân ra khỏi nhà mà không xin phép mẹ. Bây giờ đã nghỉ hưu, nhưng mỗi lần muốn đi chơi là phải ngồi xin phép mẹ hẳn hoi. Mẹ cho mới được đi, còn không phải gọi xin lỗi, hẹn gặp bạn hôm khác. Mà mỗi lần anh đi mẹ đều đưa ra tận cổng, dặn dò đi đứng cẩn thận, nhớ về nhà đúng giờ. Tuy mẹ lớn tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn lắm, mỗi lần đi chơi, đi ăn nhậu với bạn là anh phải xin, còn nếu bận việc đi làm thì anh đi thoải mái, mẹ chẳng rầy la nửa lời.

Có lần, tôi ghé nhà rủ anh đi nhậu xa. Anh bảo được, nhưng để anh nói xin phép mẹ đã. Mẹ đồng ý nhưng dặn: “Con đi phải về trước 9 giờ nhé, đừng để mẹ ở nhà trông”.

Anh cười cười ôm mẹ: “Dạ, con biết rồi mẹ”.

Nhưng hôm đấy vui quá, chúng tôi nhậu quên giờ. Đến khi anh về nhà thì đã 10 giờ hơn, đưa anh tới cổng tôi thấy mẹ không đi ngủ mà bắc ghế ra sân ngồi chờ, bên cạnh còn có một cây roi mây nhỏ. Sẵn men say trong người, tôi tò mò không biết mẹ có đánh anh không thế là không về, đứng ở cổng rình xem.

Thấy anh, mẹ gọi: “Con lại đây mẹ bảo”.

“Dạ!”, anh đứng khoanh tay trước mặt mẹ.

“Trước khi đi mẹ bảo thế nào? Còn nhớ không?”

“Dạ, mẹ dặn 9 giờ về nhà”

“Biết thế sao giờ mới về?”

“Dạ, vì vui bạn nên con ngồi thêm một chút”

“Vui bạn mà quên lời mẹ. Tưởng lý do gì chính đáng thì mẹ tha, chứ vui bạn mà quên lời mẹ thì phải đánh cho con chừa. Quay người lại! Lần này mẹ đánh một roi chứ lần sau mà còn thế nữa là ba roi nghe chưa”.

“Dạ con xin lỗi mẹ  không có lần sau đâu ạ”.

Nhìn một roi mẹ đánh, tôi biết nó không hề đau trên da thịt.

Hôm sau gặp anh tôi thỏ thẻ: “Hồi tối hôm em đứng ngoài xem anh ăn đòn”.

Anh cười đáp: “Ừ, anh biết mà, em có nổ máy đâu”.

Tôi tò mò, nên hỏi anh tiếp: “Nhưng sao anh không nói lý do gì khác cho mẹ khỏi đánh?”

Anh đáp: “Thứ nhất, mẹ đánh có đau đâu. Thứ hai, không nên nói dối mẹ, mẹ già rồi còn sống được bao lâu nữa đâu. Thứ ba, mẹ lớn tuổi rồi nên thường cảm thấy cô đơn, thế nên rất thích cảm giác được làm mẹ dạy dỗ con cái. Làm con, mình chiều mẹ một chút kẻo sau này hối hận không kịp. Nói thật với em, anh làm tất cả chỉ để mẹ vui sống. Một khi đã chết là hết, khi ấy có muốn ăn đòn cũng không ai đánh nữa đâu”.

Sưu tầm

Xem thêm: Chiếc đồng hồ “lương tâm” – Câu chuyện nhân văn sâu sắc

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận