Con sợ mất danh dự vì cha mẹ già ly hôn – Câu chuyện đáng suy ngẫm
Ở tuổi 60, ông bà dắt nhau ra tòa ly hôn sau 20 năm sống ly thân. Hai con của ông bà kịch liệt phản đối, nhất trí không cho cha mẹ ly hôn vì sợ mất danh dự với mọi người.
Phiên tòa phúc thẩm dân sự ly hôn diễn ra vào một chiều mùa đông lạnh buốt. Trong phòng xét xử chỉ có 4 người là ông Khánh và Thanh cùng hai người con trai, một người 30 tuổi và một người 25 tuổi. Từng là vợ chồng hạnh phúc, từng sống chung một nhà nhưng giờ chẳng ai nói chuyện với ai, bởi giữa họ đã có những khoảng cách vô hình ngăn cản.
Ông Khánh với bà Thanh kết hôn được 30 năm. Thời gian đầu sau cưới, hai vợ chồng sống cùng bố mẹ trong căn nhà chỉ rộng 20m2. Cuộc sống của vợ chồng son tuy có nhiều vất vả nhưng đầm ấm, hạnh phúc vô cùng. Ông Khánh mở xưởng cơ khí gần nhà, còn bà Thanh chạy chợ lo cơm nước, chi tiêu sinh hoạt trong gia đình và chăm sóc bố mẹ chồng. Mâu thuẫn của ông bà bắt đầu khi đứa con trai thứ 2 chào đời. Chưa đầy 10 năm chung sống, bà chuyển về ở với bố mẹ đẻ, còn ông vẫn sống cùng 2 cậu con trai trong căn nhà cũ. Từ đó đến nay, ông bà sống ly thân, ít khi qua lại với nhau.
Sau khi cưới vợ cho cậu con trai thứ 2 xong, ông Khánh quyết định làm đơn xin ly hôn. Cuộc sống vợ chồng tranh danh nghĩa khiến ông cảm thấy mệt mỏi, chán nản vì thế khi các con yên bề gia thất, có chỗ ăn ở ổn định, ông muốn giải thoát để tuổi già được thanh thản.
Tòa án cấp sơ thẩm xét thấy tình cảm vợ chồng ông Khánh bà Thanh không còn nên đồng ý cho ông bà ly hôn. Tuy nhiên, các con của ông bà ra sức phản đối, nghỉ bố mẹ ở tuổi này mà còn đòi ly hôn làm mất danh dự của gia đình, con cái. Bà Thanh vì thương con, sợ con buồn nên nghe lời làm đơn kháng cáo.
Tại tòa, bà Thanh cho biết, mình chuyển về nhà mẹ đẻ chỉ vì muốn giữ lại đất cho bố mẹ. Theo bà Thanh, bố mẹ bà chỉ xin hai con gái, em gái đi lấy chồng xa, chuyển khẩu về nhà chồng. Bà lấy chồng gần đó nên khi bố mẹ mất, bà về nhà ở để giữ nhà và lo hương khói cho bố mẹ.
Đáp lại, ông Khánh một mực cho rằng, bà Thanh nợ cờ bạc nên phải bỏ nhà đi trốn nợ. Sau khi mọi chuyện êm xuôi mới dám về nhà bố mẹ để ở. Theo lời ông Khánh, từ ngày bà chuyển đi, hai vợ chồng coi như không qua lại với nhau, trừ khi có chỗ chạm hoặc lễ tết, cần lo hương khói cho bố mẹ hai bên. “Tình cảm vợ chồng tôi đã rạn nứt từ 20 năm trước, giờ muốn giữ cũng chẳng còn lại gì”, ông Khánh thở dài nói.
Có mặt tại tòa, hai con trai ngồi phía dưới nhìn bố mẹ tranh cãi. Khi tòa hỏi cậu con trai cả về mâu thuẫn của bố mẹ, anh thở dài nói bản thân chứng kiến mâu thuẫn của bố mẹ từ khi còn bé. Suốt thời gian ly thân, bố mẹ anh không qua lại nhiều, thi thoảng bố mới xuống thắp hương cho ông bà ngoại, hay mẹ lên giỗ ông bà nội. “Cái mà tôi và em trai cần là gia đình hạnh phúc, quan tâm đến nhau thì không còn nữa. Nhưng tôi mong muốn bố mẹ nghĩ lại, giữ chút danh dự cuối cùng cho gia đình, cho các con”, anh nói.
Theo lời anh, mặc dù không chung sống cùng nhau nữa, nhưng trong các cuộc gặp gỡ với gia đình thông gia, mọi người vẫn thấy anh có một gia đình đủ bố mẹ. Anh không muốn bố mẹ ly hôn vì như vậy sẽ ảnh hưởng đến cách nhìn nhận, đánh giá của mọi người dành cho mình, nhất là bên thông gia nhà vợ.
Con trai thứ hai cũng cho biết, từ bé, anh đã thấy mình tủi thân và thiệt thòi hơn so với các bạn vì bố mẹ thường xuyên mâu thuẫn với nhau. “Vợ chồng tôi đang sống chung với bố mẹ vợ. Bố mẹ vợ là những người có quyền lực. Tôi không muốn bố mẹ ly hôn, vì danh dự của tôi trong mắt gia đình vợ” - anh nói.
Nghe các con nói thế, ông Khánh buồn rầu ngồi cúi mặt. Ông bảo trầm ngâm bảo, vợ chồng già ly hôn làm ảnh hưởng đến con cái là điều ông không hề mong muốn, nhưng ông đã quá mệt mỏi rồi. Giờ ông chỉ muốn được giải thoát, bao nhiêu xấu hổ ông đều nhận hết.
Tòa cấp phúc thẩm xét thấy tình cảm vợ chồng ông Khánh không còn nên tuyên giữ bản án sơ thẩm, đồng ý cho ông bà ly hôn. Rời tòa, hai con trai của ông thở dài, oán trách nhìn bố mẹ: “Còn chút danh dự cuối cùng mà bố mẹ cũng không cố gắng mà giữ nốt cho con…”.
Xem thêm: Mất nhà vì vợ - Câu chuyện đáng suy ngẫm
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận