Bố cho con những gì? – Câu chuyện sâu sắc nhân văn
“Bố cho con những gì” là câu chuyện nhăn văn giúp bạn nhận ra rằng, trên đời của cải quý giá nhất bố mẹ cho con là lòng tự trọng và tinh thần tự lực.
Câu chuyện “Bố cho con những gì?”
“Con không đi cái xe đấy đâu, xấu hổ lắm, bạn bè con toàn đi xe ga, mẹ mua xe ga mới cho con đi!”.
Câu chuyện của hai mẹ con cự nự nhau sau lưng trong quán cafe trưa nay làm tôi bất giác có một chút buồn. Nhưng chợt cảm thấy ấm lên một niềm vui khi nghĩ về câu chuyện tương tự của bố con tôi hơn 10 năm về trước.
“Bố cho con cái gì?” – Nhớ một thời trẻ trâu tôi đã có đủ “dũng cảm” hỏi cha mình câu đó, lần đầu tiên cũng là lần duy nhất. Đó là một ngày không lâu sau khi tôi nhận tin mình đỗ đại học. Một cuộc trò chuyện nghiêm túc và thẳng thắng giữa hai người đàn ông đã diễn ra.
Trước câu hỏi của tôi, bố trả lời một cách không thể bình thản hơn: “Bố mẹ bố cho bố cái gì, bố cho con lại cái đó: Là một lý lịch trong sạch để con không bao giờ phải xấu hổ về bố và một sự giáo dục tốt nhất nằm trong khả năng của mình. Con có khả năng học đến đâu, bố sẽ hỗ trợ đến đó. Hết!”.
Tôi hơi sốc, nhưng vẫn nghĩ đó chỉ là câu nói “lên dây cót” cho chàng sinh viên mới. Và tôi rất tiếc là bố tôi chẳng đùa, bố hành động rất thật theo đúng những tuyên bố đấy. Bố tính toán rất kỹ và cho tôi một khoản tiền trợ cấp 300 nghìn/tháng trong suốt những năm học đại học. Tiền học phí học kỳ đầu tiên được cho, từ học kỳ thứ 2 tôi đã tự kiếm được nên tự động không xin nữa. Bất kể những năm sau, khi tôi kiếm được nhiều tiền hơn gấp nhiều lần thì khoản trợ cấp đấy vẫn được duy trì cho đến khi tốt nghiệp. Lúc tôi nhận được bằng cũng là lúc bố tôi cắt tiền trợ cấp.
6 năm tôi đi học ở nước ngoài, bố không phải lo cho tôi một đồng nào. Với tôi, bố luôn là Napoleon còn tôi chỉ là một anh binh nhì. Nhưng ít nhất tôi luôn coi đó như một chiến công nho nhỏ của mình.
Bố tôi rất hay, luôn phân định rõ ràng: “Đây là nhà của bố nhé, đây là xe của bố nhé. Và con đang ở nhà và đi nhờ. Không hài lòng hả? Quyền đi bộ luôn thuộc về con mà!”.
Nếu nhờ tôi giúp việc gì không nằm trong trách nhệm của con cái, thay vì thuê người ngoài bố sẽ thuê tôi làm và trả tiền rất sòng phẳng. Và hiển nhiên bố không quên thể hiện mình là một khách hàng khó tính. Không tự ái, không phiền lòng, tôi biết rõ mình chỉ có một con đường nếu muốn có ngôi nhà riêng của mình. Cũng có người nghe thấy và thắc mắc cái kiểu nói ấy: “Nhà của bác thì sau này không của nó thì của ai, sao bác lại nói thế?”. Và bố tôi sẽ chỉnh ngay: “Của tôi chứ, nếu nó không cố gắng, tôi sẽ cho từ thiện”.
Bố tôi chẳng giàu như Bill Gates, nhưng dám làm như Bill Gates thì tôi tin là làm thật.
Trong bữa ăn nhà tôi luôn có những câu chuyện về các loài vật, những câu chuyện được lặp đi lặp lại, được kể lúc này lúc khác. Bố hay nói chuyện: Con gà con đến tuổi tự kiếm ăn, gà mẹ sẽ đuổi chạy chí chết nếu gà con cố đến gần hoặc đi theo. Hay câu chuyện về đại bàng như: Đại bàng con sẽ được bố mẹ nuôi mớm trong tổ đến khi đủ lông đủ cánh thì sẽ cắp con lên đỉnh núi thật cao rồi thả xuống. Con nào chịu đạp cánh vào không trung và bay đi thì sống, còn con nào không tự bay được thì sẽ rới xuống vực thẳm. Quy luật tự nhiên là vậy và con người là một phần của tự nhiên, nên cũng không ngoại lệ. Mùi răn đe trong những câu chuyện thơm nức len lỏi suốt năm tháng tuổi thơ của tôi.
Những điều tôi kể trên đây với nhiều người, nhiều ông bố bà mẹ có lẽ là những điều ngược đời. Tuy nhiên, bước một bước ra thế giới bên ngoài, tôi mới thấy hóa ra bản thân không ngoại lệ. Phần đông các gia đình phương Tây đều như vậy, trái ngược hoàn toàn với những gì chúng ta thấy ở phương Đông. Sự phân định rất rõ ràng giữa trách nhiệm, tình thương và sự nuông chiều làm cho con người ta không thể tìm thấy nổi một khoảnh khắc của sự ỷ lại hay trông chờ vô lý ngay từ khi bước vào đời.
Bạn không có tiền học đại học? Được thôi, hãy vay đi rồi sau này tự trả. Các bạn nước ngoài của tôi rất nhiều người chọn giải pháp như vậy, mặc dù rất nhiều bạn có bố mẹ giàu có và luôn sẵn sàng hỗ trợ. Sự hào phóng không đúng chỗ của rất đông các ông bố bà mẹ Việt giống như bà mẹ trong câu chuyện lúc đầu tôi kể đã để lại cho đất nước những thế hệ yếu ớt, không có khả năng độc lập và tự trọng với chính người thân của mình. Họ nghiễm nhiên cho mình cái quyền được xin xỏ, được vòi vĩnh, được lạm dụng vô hạn tình yêu thương của cha mẹ. Và các vị phụ huynh thì vẫn cứ tin tưởng trong sai lầm rằng để cho con kém bạn kém bè ngay cả khi chúng đã trưởng thành là không làm tròn trách nhiệm.
Tôi tự hỏi ở nước mình cái vòng luẩn quẩn ấy khi nào mới thôi? Cố gắng có của cải để cho con đã khó, nhưng cố gắng có của cải mà không cho con thì còn khó hơn gấp vạn lần. Nghe có vẻ trái với quy luật tình cảm của con người, nhưng đó là một sự ngược chiều cần thiết. Điều đó có lẽ thuộc về bản lĩnh của nghề làm cha mẹ.
Rất nhiều lúc tôi đã tự hỏi mình: “Vậy sau cùng, bố cho mình cái gì nhỉ?”
Và mười năm sau cuộc nói chuyện sòng phẳng ấy, vào lúc tôi tự mua được căn nhà và chiếc xe hơi đầu tiên của riêng mình mà chẳng phải xin xỏ gì bố tôi mới thấu hiểu hết tình thương vô bờ bến và gia tài vô giá mà bố đã dành riêng cho mình. Bố cho tôi lòng tự trọng và tinh thần tự lực, như vậy đã là cho tất cả rồi!
Xem thêm: Giáo dục con thành người tử tế - Câu chuyện nhân văn đáng suy ngẫm
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận