Bản di chúc bất đắc dĩ – Câu chuyện đáng suy ngẫm
Dù không muốn, nhưng người cha già vẫn phải lập bản di chúc theo yêu cầu của người con trai cả. Để rồi, bi phẫn cất tiếng: “Giờ thì các con hài lòng rồi chứ?”.
Cả nhà vừa ăn tối xong thì có tiếng chuông cửa. Thấy vậy, con dâu cả của ông lên tiếng: “Hôm nay tranh thủ có vợ chồng chú Dũng về thăm bố, con có mời chú Lê luật sư tới để bố làm bản di chúc luôn”.
Ông không tin được vào tai mình, đứng trơ ra đó nhìn đứa con dâu tai quái. Nó có cần phải làm tới mức ấy không? Cả nửa năm nay hai vợ chồng nó liên tục thúc ép ông lập bản di chúc vì cái nhà trong ngõ của ông theo quy hoạch mới sẽ trở thành nhà mặt phố. Chính luật sư Lê, người có họ hàng xa với ông cũng khuyên nhủ: “Anh phải công bằng với các con nhé. Cái nhà là tài sản của vợ chồng anh, phải chia đều cho hai đứa con đấy!”.
Thế nhưng, vợ chồng thằng quý là anh, nhưng lúc nào cũng luôn mồm nhắc nhở ông là chúng nó đã ở với ông hơn 20 năm nay, cái nhà này ngày xưa cũ nát, vợ chồng nó phải bỏ tiền ra sửa sang lại mới khang trang được như bây giờ. Chúng nó không thèm nhớ đến việc một tay ông phụ chúng nó chăm sóc 3 đứa cháu nội. Mà ông cũng có lương hưu, tận 8 triệu tháng chứ có ăn của chúng nó đồng nào đâu. Con vợ suốt ngày lải nhải, thằng chồng cũng được đà hùa theo ép ông ra công chứng chuyển tên nhà sang cho chúng nó. Ông thì vài năm nay sức khỏe ngày một kém, ông sợ chẳng may mắc bệnh hiểm nghèo thì không biết phải nhờ vậy ai, nên đành phải làm theo ý chúng nó.
Giờ đây ông cúi gằm mặt xuống nghe luật sư Lê đọc: “Căn nhà ở địa chỉ số… tôi để lại cho con trai tôi là Nguyễn Văn Quý làm nhà thờ cúng sau khi tôi qua đời”.
Một thoáng im lặng, rồi thằng Dũng cất giọng nói: “Thế cũng được. Anh chị về sau nhớ thờ cúng bố mẹ cho tươm tất nhé. Vợ chồng em nghe tin bố bệnh nặng nên sắp xếp công chuyện bay về thăm. Giờ thấy bố tỉnh táo, khỏe mạnh lại rồi nên chúng em xin phép ra khách sạn để ngủ, mai còn bay sớm về lại Sài Gòn”.
Không cãi nhau, không tranh giành lấy một câu. Thằng Dũng cứ vậy đứng lên dắt vợ nó đi về.
Vợ ông sinh khó, qua đời ngay sau khi sinh nó. Trước khi nhắm mắt, bà nhìn ông đăm đăm, nước mắt tuôn như suối. Ông nắm chặt tay bà thì thầm: “Em cứ yên tâm, anh sẽ chăm sóc các con chu đáo”.
Thằng Quý là anh, nó học giỏi nên lúc đi bộ đội, thằng Dũng xung phong đi thay anh. Thằng Quý học xong ra trường lấy vợ là con quan nên đường công danh, sự nghiệp cứ thế thăng tiến. Còn thằng Dũng vốn sức khỏe đã kém, đi bộ đội về lại càng yếu hơn. Sau khi đi về nó lại theo bạn bè vào nam lập nghiệp rồi lấy vợ trong đó. Vợ chồng nói sống cũng chật vật lắm, nhưng hễ có người quen về là nó lại gửi quà biếu ông.
Giờ thấy chúng nó quay lưng bước đi mà ông như bị ai khoét vào tim. Ông chậm rãi tiến đến bàn thờ vợ, rút nén hương rồi khấn, giọng ông nhỏ thôi nhưng cả nhà đều nghe thấy : “Bà ơi! Tôi xin lỗi bà nhiều lắm. Từ ngày bà ra đi đến giờ tôi vất vả lo cái ăn, cái mặc cho các con mà không dạy dỗ chúng nên người, để bây giờ chúng vì tiền bạc, của cải mà dẫm đạp lên tình anh em ruột thịt, máu mủ”.
Nói xong, ông quay sang đứa con dâu và thằng con trai gần đấy, bi phẫn hỏi: “Giờ thì các con hài lòng rồi chứ?”.
Sưu tầm
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận