Mẹ bỉm chia sẻ 7 nguyên tắc cho con, 8 luật dành cho bố mẹ giúp mỗi bữa ăn của bé không còn là ác mộng

Áp dụng các quy tắc này, các bé đều rất thích ăn uống, thậm chí còn hào hứng mỗi khi được ngồi vào bàn ăn. Bữa ăn của bé sẽ không còn là cơn ác mộng với phụ huynh và chính bọn trẻ nữa.

Minh Hằng
21:31 08/06/2022 Minh Hằng
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Nhiều phụ huynh tâm sự rằng việc cho con ăn không khác gì một cuộc chiến. Đặc biệt là với các bé lười ăn, chán ăn thì tình hình càng tệ. Tuy nhiên, để trẻ ngon miệng và hứng thú với các món ăn không phải là chuyện dễ. Việc này đòi hỏi các phụ huynh phải tìm hiểu và quan sát con mình.

Dưới đây là chia sẻ của chị Mick Schiessl, một mẹ Việt về kỉ luật bàn ăn. Đây là các phương pháp được bà mẹ trẻ áp dụng để các con của mình ăn uống ngon hơn, các mẹ cùng tham khảo nhé!

Con mình có tiền đề ăn uống rất tốt, ăn vô cùng ngon miệng, mặt sáng bừng lên khi được ăn. Đến mức ai thấy con ăn cũng bảo cho bé đi đóng quảng cáo ăn uống chắc đạt lắm, ăn mà làm người khác thèm theo. Thế nhưng con không phải vốn sinh ra đã ăn uống tốt, mà đó là quá trình bọn mình đặt kỉ luật về chuyện ăn uống cho con, giúp bé có nề nếp sinh hoạt lành mạnh.

Vì vậy mình muốn ghi lại, chủ yếu là để nhớ về 1 thời đã qua, các bước mình làm để đạt được thành quả, và hy vọng có thể giúp ai đó đang gặp rắc rối với chuyện ăn uống của con.

me-bim-chia-se-ki-luat-ban-an-de-giup-con-an-ngon-hon-1

7 nguyên tắc cho con

1. Ăn có giờ giấc, bắt đầu kể cả khi con mới được vài tháng tuổi. Trước bữa ăn tuyệt nhiên không ăn đồ ngọt, không uống nước ngọt, nước trái cây. Thậm chí ăn món khác như bánh gạo cũng không được vì sẽ no trước giờ cơm. Con được uống nước thoải mái.

2. Trái cây chỉ ăn trong buổi xế, hoặc buổi sáng khi trộn với ngũ cốc và sữa.

3. Dưới 1 tuổi: Tùy vào nhu cầu của con, và sự tin tưởng quan sát của cha mẹ về con mà lịch sinh hoạt và giờ giấc ăn/ uống sữa có thể khác nhau. Nhưng tốt nhất là vẫn nên có quy trình giờ giấc. Con mình 6 tháng tuổi được cho nếm thử rau củ xay hấp nhuyễn, mỗi ngày 1-2 muỗng bé tí trong 1 tuần, đủ các loại rau củ nhẹ nhàng khác nhau, mỗi lần chỉ duy nhất 1 loại rau củ, mình không trộn loại khác nhau, không nêm gia vị. Các tuần sau bắt đầu tăng lên, thỉnh thoảng cho con nếm các loại rau củ lạ khác nữa. Khoảng 8 tháng thì bắt đầu cho nhai rau củ hấp, phô mai que chứ không xay nữa.

4. Dưới 3 tuổi: không kẹo ngọt, không bánh ngọt. Tóm lại không tất cả các món có sử dụng đường hóa học. Lý do: Các món đó đều có lượng đường rất cao, kích thích vị giác rất mạnh. Một khi con ăn thường xuyên thì vị giác của con sẽ chai theo, và khi ăn trái cây rau củ sẽ không thể cảm nhận được vị ngon ngọt nữa. Đương nhiên trong những trường hợp đặc biệt như sinh nhật các bạn trong lớp và ba mẹ các bạn làm bánh đem vào tặng thì con được quyền ăn, nhưng đó là dịp hiếm, là những cơ hội con xứng đáng được trải nghiệm ở lứa tuổi này. Ở tuổi này, không ai được tặng đồ ngọt cho con cả.

5. Từ 3 tuổi trở lên: Hàng tuần con bắt đầu được tặng kẹo dẻo. Đây là phần thưởng con đạt được sau khi tính điểm các hoạt động trong tuần. Phần kẹo dẻo trên ba mẹ sẽ cất trong 1 hộp trên tủ, để ở nơi cao, nhưng là nơi con biết là an toàn, là nơi con biết không ai ăn của con cả, chỉ cần hỏi thì ba mẹ sẽ đưa cho con. Mỗi lần con chỉ được ăn 1-2 viên kẹo dẻo, và chỉ ăn kẹo khi ăn cơm xong. Ăn kẹo là bước cuối cùng, sau đó sẽ không ăn thêm bất cứ gì nữa. Mỗi lần lấy kẹo đều được cha mẹ nhắc nhở là tuần này con chỉ đạt được bao nhiêu viên đấy thôi, nếu con ăn hết thì các ngày còn lại con sẽ không có để ăn nữa (nhờ mỗi tuần đếm điểm thưởng, đếm kẹo, tính toán số kẹo có được và còn lại nên mới gần 4 tuổi thì con mình đã có khái niệm cộng trừ và tính được những con số nhỏ rồi). Ở tuổi này thì con bắt đầu được nhận kẹo của người khác cho hơn, nhưng lại cất vào hộp và chỉ được ăn theo giờ giấc.

6. Tất cả các món ăn trên bàn đều phải nếm. Không có chuyện con không thích món này nên không ăn, món kia thấy lạ nên con không nếm. Ăn nhiều hay ít là tùy khẩu vị của con, nhưng khi thức ăn chính thức được đưa lên bàn có nghĩa mọi người đều phải ăn phải nếm qua hết. Tất nhiên các món ăn đều phải là món con không bị dị ứng.

7. Đương nhiên mình không thể ghi sau 4 tuổi được nữa, vì con mình mới gần 4 tuổi thôi, nhưng các nguyên tắc trên sẽ được giữ vững cho các năm sau. Có khác là từng năm sau bọn mình sẽ nới lỏng hơn, vì con xứng đáng và vì con đã vào nề nếp, bọn mình tin tưởng các thói quen con có được.

Chính vì có giờ giấc, luật lệ rõ ràng trong việc ăn uống nên con mình rất trân trọng từng bữa ăn, trải nghiệm tất cả các món ăn, không hề kén ăn. Mọi bữa ăn đều vui vẻ cho cả nhà, không chèn ép, không năn nỉ, không stress.

8 luật ăn uống của cha mẹ

me-bim-chia-se-ki-luat-ban-an-de-giup-con-an-ngon-hon-2

Nhưng nói qua thì cũng phải nói lại, con có luật ăn uống thì cha mẹ cũng phải có luật ăn uống.

1. Ăn có giờ giấc. Tránh chuyện con ăn đúng giờ nhưng người khác trong gia đình thì vô tổ chức. Con phải chờ đến giờ ăn nhưng người lớn thì cứ buồn miệng là mở tủ lấy đồ nhâm nhi, thậm chí ăn trước mặt đứa trẻ.

2. Món gì cũng phải ăn, người lớn muốn trẻ không kén ăn thì cũng không được kén ăn.

3. Mỗi bữa ăn chỉ kéo dài tối đa 30 phút, ăn xong thì ngồi trên bàn nói chuyện thêm cũng được, nhưng nhai và nuốt thì không được nữa. Hết giờ ăn thì dọn bàn, con chưa ăn xong nhưng có cố gắng ăn tiếp đàng hoàng thì cha mẹ có thể du di thêm 5 phút, nhưng chỉ thế thôi. Các lần sau phải cố gắng lên, sau này sẽ không có tình trạng du di nữa. Con ăn chưa xong và có thái độ không muốn ăn đàng hoàng thì bố mẹ có thể dọn dẹp bàn luôn. Cha mẹ có thể để 1 cái đồng hồ trên bàn để con tự xem thời gian.

4. Ăn là chỉ ăn, không xem tivi, không check điện thoại.

5. Giữa các giờ ăn, khi con vòi vĩnh, con khóc, con đòi ăn thì kiểu gì cũng không được. Con sẽ không ''teo'' chỉ vì không được ăn trong vài tiếng đâu. Bạn nới lỏng kỉ luật sẽ chỉ cho con thấy là cha mẹ rất dễ bị thay đổi, lần sau chỉ cần vòi vĩnh, thậm chí vòi mạnh tay hơn thì kiểu gì cũng được. Ngoài ra con có thể học được về hậu quả của hành động của mình, bắt đầu từ chuyện ăn uống nhỏ nhặt này.

6. Luôn đảm bảo đủ nước cho con (khi con trên 1 tuổi, dưới 1 tuổi mình sẽ không đề cập đến vì trẻ đa phần vẫn uống sữa và mỗi đứa trẻ có nhu cầu riêng). Bình nước luôn phải đầy và nằm trong tầm tay với của trẻ.

7. Không sợ con sụt ký, nhất là khoảng 1 tuần đầu khi con chưa vào nề nếp. Cha mẹ sợ, cha mẹ du di và nới lỏng kỉ luật thì đã dạy con rằng luật là để phá, không việc gì phải tôn trọng cả. Con vào nề nếp sẽ biết khi nào được ăn, ăn trong bao lâu nên khi ăn sẽ tập trung hơn. Bởi vì không thì sẽ đói. Sinh tồn mà, con sẽ không để cho mình đói lâu đâu.

8. Luật là luật, không ai được phá. Một khi luật đã được ban hành, được thông báo rõ ràng cho con, con đã hiểu về luật (mặc dù con có thể không đồng ý, không quan tâm, không thèm nhớ) cũng là lúc luật sẽ được thi hành, và mọi người phải tuân theo.

Kỉ luật bàn ăn ở trường mẫu giáo

Mình sẽ kể thêm về kỉ luật bàn ăn ở trong trường mẫu giáo của con mình nhé. Có vài điểm rất đáng để chúng ta có thể học hỏi.

1. Ăn có giờ giấc. Tới giờ ăn thì tất cả ngồi vào bàn, không ai được ăn đứng, không ai vừa chạy nhảy vừa ăn. Bạn trẻ có thể chọn không ăn nếu không thích. Và nếu không ăn thì bạn cũng sẽ không có món gì thay thế, cho đến giờ ăn xế (cách đó khoảng 3 tiếng), và đương nhiên tới giờ ăn xế bạn cũng có thể chọn không ăn. Nhưng thường các bạn trẻ sẽ không nhịn nổi đâu.

2. 5 phút đầu khi ăn thì không ai được nói gì cả. Miệng chỉ để ăn và nói, không nói mà trước mặt có tô cơm thì đa phần chỉ để ăn thôi. Ăn chỉ trong 20 phút. Hết giờ thì bắt đầu dọn bàn, các bạn ăn chậm thì có thể du di thêm vài phút, nhưng chỉ khi các bạn tập trung vào ăn. Bạn nào ăn xong chậm thì tự xách tô chén vào bếp để sau, mọi người không chờ mà sẽ làm việc vui chơi khác. Ai cũng phải dọn chén, cất ghế của mình sau khi ăn xong.

3. Khi ăn phải nhai ngậm miệng. Cái này con mình nhắc mình như thế khi thấy mình vô tình nhai mà há miệng ra. 3 tuổi đi mẫu giáo, nhưng những tiêu chuẩn lịch sự nhỏ nhặt kia con cũng được học rồi.

Sơ sơ là như vậy, còn nói đến ép con ''1 chút'' trong việc ăn uống thì phải kể đến công lao của ''ông thần dẹp loạn'' - chồng mình. Đây là điều hơi khó nói vì nó đòi hỏi sự cứng tay của cha mẹ. Ép 1 chút, ép đúng thời điểm và ép đúng độ sẽ cho ra 1 sản phẩm hoàn hảo. Nhưng nếu người ép kém tay, không khéo, không tinh ý sẽ sản sinh ra 1 sản phẩm dặt dẹo. Mình sẽ phải suy nghĩ trước khi viết để tránh gây hiểu lầm, vì nó không chỉ liên quan đến vấn đề ăn uống mà tất cả các chuyện khác của con, hơn hết nữa nó có liên quan đến luật nhân quả. Ép để con thành phiên bản tốt nhất của con, hay ép để con thành bản ''đúp'' dặt dẹo của cha mẹ? Đó mới chính là câu hỏi mà mình nhắm đến.

Đọc thêm: Để trở thành người cha hoàn hảo, điều đầu tiên cần phải làm biết trân trọng mẹ của con mình

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận