Tại sao mẹ phải đi làm: Cha mẹ thông thái sẽ biết trả lời con đúng cách
Khi con đưa ra những câu hỏi đại loại như: "Mẹ ơi, tại sao mẹ phải đi làm?" thì cha mẹ đừng la mắng hay trách móc con. Thay vào đó, hãy lắng nghe, an ủi và tâm sự để con hiểu.
Mới đây, một câu chuyện trên trang QQ đã thu hút sự chú ý của đông đảo các bậc phụ huynh. Theo đó, Tiểu Quân là một cô bé 4 tuổi. Mỗi ngày trước khi mẹ đi làm, cô bé đều khóc lóc và hỏi: “Mẹ ơi, tại sao mẹ phải đi làm thế?”
Ngày nào cũng thế, mỗi khi cô bé ôm mẹ khóc lóc, thủ thỉ, bà mẹ đều cho rằng con gái mình đang làm nũng. Do đó, bà trả lời bằng giọng nói đầy bực bội, cáu gắt: “Đừng có nhõng nhẽo, mẹ không đi làm thì con lấy gì mà ăn?”
Những ngày sau đó, để tránh nhìn thấy con gái khóc lóc, bà mẹ thường lẻn đi làm việc từ sáng sớm, khi Tiểu Quân còn chưa thức dậy. Tuy nhiên, bà mẹ này không thể ngờ, những hành động của mình lại ảnh hưởng đến tâm lý của cô con gái nhỏ.
Cô giáo Tiểu Quân cho biết, trong một giờ ăn trưa, cô bé bất ngờ chỉ vào chỗ trái cây trên bàn ăn và hỏi: “Cô ơi, loại quả này có đắt không? Con có được ăn chúng không? Nếu con không ăn, mẹ có cần phải đi làm việc chăm chỉ mỗi ngày hay không?” Có lần, Tiểu Quân từng vừa khóc vừa tâm sự với cô: “Cô ơi, mẹ con bị kẻ trộm lấy đi rồi”.
Ngay lập tức, cô giáo đã phải liên lạc với gia đình Tiểu Quân để trao đổi về phương pháp giáo dục tiền bạc cho đứa trẻ. Nếu cha mẹ thường xuyên nói chuyện tiêu cực về vấn đề tiền bạc với con, lén lút bỏ đi vào sáng sớm khiến con cảm thấy thiếu an toàn. Chưa kể, đứa trẻ sẽ nảy sinh cảm giác tội lỗi, cho rằng mình đã tiêu quá nhiều tiền khiến bố mẹ khổ cực, hoặc lo sợ mình sẽ bị… bỏ rơi.
Dần dần, con sẽ cảm thấy khó khăn, luôn mang tâm trạng nặng nề, tội lỗi. Với trường hợp của cô bé Tiểu Quân, trẻ cho rằng công việc của mẹ chỉ là một công cụ kiếm tiền chứ mẹ không hề yêu thích công việc này. Thái độ làm việc của cha mẹ cũng sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của con, khiến con có thái độ sống và làm việc tiêu cực.
Vậy trong trường hợp này, cha mẹ nên giải thích với con như thế nào?
An ủi con: Khi con cảm thấy buồn bã vì phải xa vòng tay mẹ, điều đầu tiên mà người lớn cần làm là xoa dịu tâm trạng cho con. Ví dụ như, cha mẹ có thể nói với con một cách nhẹ nhàng rằng: “Mẹ biết con rất buồn, mẹ cũng không muốn xa con một chút nào. Cuối tuần chúng ta sẽ cùng nhau đi chơi nhé?”. Điều quan trọng là phải tôn trọng cảm xúc của trẻ. Tuyệt đối không nên tức giận, cáu gắt hay đổ lỗi cho con, điều này sẽ càng khiến mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn.
Chia sẻ tích cực về công việc: Nhiều gia đình cho rằng con còn nhỏ, chưa hiểu được công việc của người lớn. Thực tế thì khác, có rất nhiều đứa trẻ hiểu chuyện, thậm chí nhạy cảm hơn nếu biết cha mẹ đang phải làm việc vất vả. Do đó, cha mẹ nên hạn chế than phiền trước mặt trẻ. Đồng thời, người lớn có thể giải thích công việc của mình cho con hiểu, con sẽ biết được ý nghĩa nghề nghiệp, bớt than khóc mỗi khi cha mẹ phải đi làm.
Xem thêm: Chuyên gia nổi tiếng: Trẻ bạo lực, hỗn hào đều do 3 thói quen của cha mẹ
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận