Sống ở đời đừng quá tốt, cũng đừng quá rộng rãi bởi không phải ai cũng đáng để bạn "cho đi"
Khi bạn quá quan tâm đến người khác, họ sẽ càng làm khó bạn gấp vạn lần. Còn nếu bạn quá nhường nhịn người khác, họ sẽ được nước tiến lên làm tổn thương bạn.
Có lẽ trong cuộc đời này, lòng tốt là thứ tình cảm tự nhiên nhất, xuất phát từ chính mỗi con người. Trong mối quan hệ với bạn bè, bạn luôn hết lòng giúp đỡ, sống chân thành và cởi mở. Sự nhiệt tình của bạn còn thể hiện, mỗi khi bạn bè cần giúp đỡ, nếu trong khả năng giúp được thì bạn sẽ không bao giờ từ chối.
Bạn bè gặp chuyện không vui, bạn sẵn sàng có mặt an ủi họ. Khi bạn thiếu tiền hỏi vay, chỉ cần có điều kiện giúp được thì bạn sẽ giúp. Trong mắt bạn bè, bạn như thể người hùng, siêu nhân, một người bạn thật tử tế. Mỗi khi họ cần, bạn luôn bên cạnh, dành cho họ những gì tốt đẹp nhất.
Nhưng cuộc sống mà, mỗi người đều có những khó khăn phải đối mặt, có nhiều chuyện phải giải quyết. Hoặc, chí ít ra, bạn cũng phải làm việc để kiếm tiền lo cho cuộc sống của mình. Vì một lý do nào đó, bạn không thể dành nhiều thời gian cho bạn bè như trước đây được nữa. Họ quay sang trách bạn không tốt. Họ thậm chí chẳng bận tâm xem cuộc sống của bạn ra sao, bạn có gặp khó khăn gì không, có vấn đề nào đang vướng mắc? Đó là kiểu bạn bè chỉ muốn nhận lại nhưng không biết cho đi.
Trong công việc, bạn là mẫu nhân viên hoàn thành tốt trách nhiệm, luôn chăm chỉ, không ngại ôm nhiều việc, thậm chí là làm thêm giờ. Chỉ cần công việc tốt hơn, công ty phát triển, chứ bạn không hề tính toán thiệt hơn.
Có thể bạn không phải người giỏi nhất nhưng sẽ là người chăm chỉ nhất. Bạn không phải là người nhanh nhẹn nhất nhưng sẽ là nhân viên cần mẫn nhất.
Sức lực và sự cố gắng của một người chỉ có hạn, đến một ngày bạn cảm thấy mình đuối sức, cần về nhà sớm để nghỉ ngơi, cần người để chia sẻ bớt công việc.
Chuyện gì sẽ xảy ra? Sếp thấy sự bất thường trong thái độ của bạn, vội đánh giá thấp kỹ năng của bạn, phủ nhận toàn bộ sự cố gắng của bạn trong thời gian vừa qua. Thậm chí, những khuyết điểm của bạn bị phóng đại lên. Dù bạn miệt mài làm việc chẳng tính toán thiệt hơn nhưng sếp bạn cho rằng đó là trách nhiệm của bạn, là bổn phận của một nhân viên.
Những đòi hỏi, những trách nhiệm cứ dành phần bạn và ngày một tăng lên. Giờ đây, khi bạn muốn thay đổi thì đồng nghiệp cho rằng bạn đang lười biếng. Họ đổ lỗi, tại bạn đùn đẩy trách nhiệm nên họ mới phải làm những công việc trước đây họ không phải động tay.
Dù bạn cố gắng đến đâu cũng đều được coi là nghĩa vụ phải thế. Bạn ôm đồm công việc cũng được cho là đương nhiên. Đến khi, bạn chỉ làm đủ những việc cần làm thì mọi người cho rằng bạn chưa hoàn thành đủ trách nhiệm của mình.
Trong gia đình, ngày nào bạn cũng chu đáo 3 bữa cơm, chồng bạn coi đó là đương nhiên, là trách nhiệm của 1 người vợ. Dù cả ngày bạn cũng đã mệt mỏi với công việc và lo toan, nhưng đến giờ tan làm bạn, trong khi bạn hối hả đi chợ, nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa, còn chồng bạn thì thong thả về ngồi nghỉ, đến bữa thì ăn. Cho đến một ngày, bạn vì bận công việc, hoặc bạn đau ốm nên không thể nấu ăn, anh ta phản ứng, trách bạn không hoàn thành nghĩa vụ của người vợ trong gia đình. Cho dù bạn có nấu bao nhiêu bữa ăn đi chăng nữa, anh ta cũng không hề trân trọng, mà chỉ nhớ 1 hôm bạn không nấu mà thôi.
Bởi vậy, sống ở đời đừng nên quá tốt, cũng đừng quá rộng rãi. Thời gian trôi qua, những người bên cạnh bạn họ cảm thấy, tất cả việc tốt bạn làm là đương nhiên. Đến khi bạn mệt mỏi, không chịu đựng nổi nữa, sẽ chẳng ai thương xót và thông cảm với bạn. Cũng bởi vì, chính bạn đã từ nguyện làm thế chứ họ đâu có yêu cầu bạn.
Khi bạn quá quan tâm đến người khác, họ sẽ càng làm khó bạn gấp vạn lần. Còn nếu bạn quá nhường nhịn người khác, họ sẽ được nước tiến lên làm tổn thương bạn.
Trong tâm cũng đừng quá tốt, không nên việc gì cũng nghĩ thay cho người khác. Bởi vì sẽ có người không bao giờ cảm nhận được những suy nghĩ của bạn. Họ cũng không biết sự khó khăn, sự gian khổ của bạn.
Thậm chí đến một câu nói quan tâm ấm áp thôi, cũng không có nữa. Bởi họ đã quen với ý nghĩ: tất cả những gì bạn làm tốt, đó là điều đương nhiên.
Hãy là một người tốt thông minh. Triết lý viên kẹo có nghĩa là khi bạn cho ai khác một thứ gì, nhiều khi họ sẽ không nghĩ ấy là món quà. Họ nghĩ đơn giản đó là bổn phận, là trách nhiệm của bạn.
Khi bạn không cho thứ mà họ muốn nữa, họ sẽ lập tức trở mặt với bạn. Nếu ở trong hoàn cảnh đó liệu bạn có thể tiếp tục “cho đi” nữa hay không? Với nhiều người, cho dù bạn có cho họ kẹo mỗi ngày, thì họ cũng chỉ nhớ mỗi một ngày mà bạn đã không cho mà thôi.
Bài học này thật sự quan trọng trong cuộc sống chúng ta. Những điều chân thành từ tấm lòng của bạn không phải ai cũng xứng đáng để nhận. Hãy biết chọn lựa để bản thân không phải hối tiếc những gì bạn đã “cho đi”. Có thể bạn cần cân nhắc lại về việc “cho đi” đối với những người thật sự xứng đáng hơn.
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận