Vì sao người xưa nói "người biết ở một mình mới trở thành xuất chúng"?

Chấp nhận và tận hưởng sự cô đơn cũng là một loại cảnh giới trí tuệ của sự tu dưỡng. Người khôn ngoan hiểu rằng, khi hòa hợp với mình, ta mới có thể hòa hợp với người khác.

Loan Nguyễn
08:30 18/09/2021 Loan Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Ngay từ khi còn nhỏ, chúng ta đã học những đạo lý về cách đối nhân xử thế, cách chung sống với người khác, trở nên hòa nhập với xã hội, thành người xuất sắc trong cộng đồng. Thế nhưng, chúng ta lại quên mất một điều quan trọng, kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình.

Trang Tử nói: "Độc hữu chi nhân, thị vị chi quý", nghĩa là: "Người biết ở một mình mới trở thành người xuất chúng, được coi là tôn quý".

"Độc hữu" ở đây chính là sự tự do tự tại, sự hài hòa tự thân, hoàn thiện bản thân, cũng chính là biết cách chung sống với chính mình.

Một người nếu có thể chiến thắng bản thân, học cách chung sống với bản thân thì người đó có thể chiến thắng tất cả.

Ở đời không tránh được sự cô đơn

Trang Tử và Huệ Tử thường xuyên đối đáp biện ngẫu với nhau. Nhiều lần Huệ Tử bị Trang Tử nói mà chẳng thể phản bác được điều gì. Chẳng hạn câu chuyện "Ông không phải cá sao biết niềm vui của cá?".

Sau khi Huệ Tử qua đời, Trang Tử mất đi người bạn tinh thần, ông đã kể lại một câu chuyện ngụ ngôn miêu tả về sự cô độc như sau:

Có người đàn ông bị nổi chấm đen như nốt ruồi trên mũi nên tìm người thợ làm đá cắt đi cho mình. Người thợ đá tiện tay vung rìu lên, thong dong vạt chấm đen đó đi mà không mảy may xước xát cánh mũi của đối phương.

Khi Tống Nguyên Quân biết chuyện đã gọi người thợ làm đá đến mà yêu cầu ông làm thử cho mình xem. Tuy nhiên người thợ đá lại từ chối. Khi được hỏi lý do vì sao, ông ta đáp rằng: "Trước kia tôi còn có thể bình tĩnh để làm vậy, nhưng hiện tại thì không, vì người bạn đồng hành cùng tôi sớm đã qua đời rồi".

Đỗ Phủ và Lý Bạch từng hâm mộ tài hoa và thiên phú của nhau. Họ kết đôi cùng du ngoạn giang hồ và cho rằng sẽ đồng hành cả đời bên nhau. Tuy nhiên, khi chí hướng khác biệt, họ vẫn phải tạm biệt, đường ai nấy đi.

co-nhan-noi-nguoi-biet-o-mot-minh-moi-tro-thanh-nguoi-xuat-chung-1

Sự thật là, chẳng ai có thể ở bên ta trọn đời. Cô đơn mới chính là trạng thái vĩnh hằng của kiếp người, khi hai thời điểm quan trọng nhất là ra đời và chết đi, chúng ta đều chỉ có thể đi một mình.

Chính vì thế, mỗi chúng ta cần học cách đối mặt với sự cô đơn, chung sống với bản thân tốt hơn mỗi ngày.

Giá trị của sự cô đơn

Đời người nếu có thể tìm được người đồng hành thì quả là điều may mắn. Thế nhưng, chỉ có bản thân mới có thể tự hoàn thành được lịch trình của mình. Bạn phải làm chủ sinh mệnh của chính mình trước, sau đó mới có thể sống tốt được.

Einstein nói: "Những người xuất chúng, sở hữu khối óc vĩ đại luôn phải đối mặt với những chỉ trích kịch liệt từ những kẻ mang đầu óc tầm thường".

Đa số con người đang bận tâm đến những lo lắng nhỏ nhặt, tranh giành và giẫm đạp lên nhau vì lợi ích. Trong khi đó, người xuất chúng lại thấy rõ đạo lý ở đời đó là, khác biệt đồng nghĩa với cô đơn, nhưng cũng chính là sự tự do. Ở đó, tài năng sẽ đem tới sự thịnh vượng thích đáng.

Người có trí tuệ lớn sẽ không bị ảnh hưởng bởi lời nói trong thiên hạ. Họ sẽ không lãng phí thời gian để giải thích với người khác mà chỉ tập trung vào sáng kiến và tạo ra nhiều ý tưởng đột phá. Đơn giản là vì, họ đã quen với tư duy độc hữu, dù cô đơn nhưng đầy giá trị. Sự thành công đến từ chính năng lực của họ, chứ không đến từ miệng lưỡi hay cái nhìn của thế gian.

co-nhan-noi-nguoi-biet-o-mot-minh-moi-tro-thanh-nguoi-xuat-chung-2

Tận hưởng sự cô đơn là một loại trí tuệ

Theo nhận định mà Trang Tử đúc kết được, nhiệm vụ đời người chính là tìm thấy chính mình và thấy con đường của mình.

Trên hành trình cuộc đời, có lẽ ai cũng có lúc cảm thấy cô đơn, nhưng chấp nhận sự cô đơn chính là bắt đầu của một cuộc sống viên mãn. Nếu bản thân mình cũng không thể hòa hợp được, bạn sẽ vĩnh viễn không thể hòa hợp được với người khác.

Nhà triết học người Đức Arthur Schopenhauer đã nói: "Chỉ khi một người cô đơn, anh ta mới có thể trở thành chính mình. Nếu ai đó không yêu cô đơn, thì anh ta không yêu tự do, bởi vì chỉ khi một người cô đơn, anh ta mới được tự do".

Chúng ta có thể đồng hành đi khắp thế gian, nhưng lại chỉ có thể tự mình đi tới chân trời và góc bể.

Sự cô đơn cũng chính là một niềm vui nhẹ nhàng và dễ chịu, không liên quan đến vật chất hay sở thích, cũng không bị tham vọng hay nhu cầu ảnh hưởng. Nó đến từ nội tâm con người với trái tim rộng mở, có sự bình tĩnh và đầy tự chủ.

Tận hưởng sự cô đơn cũng là một tâm thái khi chúng ta tiến bước giữa đời, nhanh thì có thể hưởng thụ tốc độ, chậm thì có thể ngắm nhìn cảnh sắc xung quanh, không để hư danh che mắt, không bị dối trá giấu lòng. Đó là bản lĩnh của người khiêm nhường, ôn nhã nhưng trí tuệ và khôn ngoan.

Xem thêm: Ở đời khôn quá đôi khi là tai họa, hồ đồ đúng lúc mới là thông minh

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận