12 lời dạy của cổ nhân là "bảo bối" giúp ta sống ung dung tự tại giữa đời

Con người vì mưu cầu nhiều thứ ngoài tầm với nên vô tình lấy đi sự bình yên trong tâm hồn mình. Để có được một cuộc sống ung dung, tự tại và nhìn thấu được lòng người giữa cuộc đời bon chen, xô bồ này, hãy khắc ghi những lời dạy của cổ nhân dưới đây.

Loan Nguyễn
08:00 02/07/2021 Loan Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

1. Cuộc sống giàu có thì có phiền phức của sự giàu có, tình cảnh bần hàn có sự vui vẻ của bần hàn

Có câu: Người giàu cũng khóc. Nghĩa là: Người giàu cũng có sự phiền muộn của họ, không phải cứ lắm tiền nhiều của là không buồn phiền. Khi con người quá giàu có lại luôn lo lắng bất an, nghĩ làm sao để giữ được, bởi vậy sẽ hao tâm tổn sức vì tiền tài. 

Người không đủ đầy về vật chất thì cũng có niềm vui riêng. Nghèo khó không ai mong muốn nhưng đôi khi lại tránh được rất nhiều chuyện phiền lòng. Con người giàu có hay nghèo khó, quan trọng nhất là bản thân cảm thấy biết đủ.

Sự giàu và nghèo hàm chứa cả mặt vật chất và tinh thần. Có người có thể “giàu có” về vật chất nhưng lại “nghèo khó” về tinh thần, vậy nên trong cuộc sống hằng ngày vẫn tránh không nỗi phiền muộn. Lại có những người có thể “nghèo khổ” về vật chất nhưng lại rất “giàu có” về tinh thần, làm được việc mình yêu thích và tìm thấy “sự vui vẻ” trong chính cảnh nghèo của mình.

2. Không màng chuyện hơn thua bon chen với đời, rảnh rỗi trước đình ngắm hoa tàn hoa nở; đi hay ở đều vô tình, mọi chuyện đều để thuận tự nhiên

Sống ở đời nếu có thể rèn luyện cho bản thân không màng tới chuyện hơn thua, đi hay ở đều coi là vô hình, tất cả những vinh hiển hay khuất nhục đều thản nhiên đón nhận, thì chính là đã đạt đến đỉnh cao trong cảnh giới nhân sinh.

Cổ nhân dạy, con người quan trọng nhất là tu dưỡng tâm tính của bản thân. Tâm tĩnh tất cả đều tĩnh, tâm ổn định thì tất cả đều ổn định. Người có thể coi danh lợi tựa phù vân, không oán hận, không say đắm; coi sự nuông chiều như cỏ rác, không bận lòng nghi ngờ, không đắm chìm trong khoái lạc, thì ắt sẽ sống ung dung, tự tại.

co-nhan-day-12-dieu-giup-con-nguoi-song-ung-dung-tu-tai-giua-doi-1

3. Hoa nở hoa tàn xuân không quản, chuyện không vừa ý đừng bình phẩm chê bai; nước nóng hay lạnh cá tự biết, hiểu ý hay không tự mình tận hưởng

Mỗi người có quan điểm và cảm nhận khác nhau, không thể dùng suy nghĩ của bản thân áp đặt lên người khác. Cũng đừng vì chuyện người khác không làm vừa ý mình mà vội buông lời chê bai, phán xét. Sống bao dung, vị tha, biết chấp nhận sự khác biệt, thì tự khắc tâm thái an nhiên.

Chuyện quá khứ đã xảy ra nên buông bỏ, giống như ký ức đọng lại khi khi ngắm hoa tàn hoa nở, xuân đến xuân đi đều chỉ là con số không. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, những vui buồn đắng cay ngọt bùi trong cuộc sống chỉ bản thân mới tự thấu hiểu.

4. Có thể chịu khổ mới đáng là bậc tráng sĩ, có thể chịu thiệt không phải kẻ ngu si

Cuộc đời không phải lúc nào cũng chỉ toàn chuyện thuận theo ý muốn, những khó khăn, nghịch cảnh là không thể tránh được. Chỉ khi biết chấp nhận sự tồn tại của thử thách, chịu được khổ mới đắc được trí tuệ, nhãn quan, mới có thể mở rộng nhìn rõ chân lý của sinh mệnh và ý nghĩa của cuộc đời.

Đời nhà Thanh, Trịnh Bản Kiều từng lưu lại 2 câu danh ngôn bốn chữ nổi tiếng đáng để học hỏi: “Nan đắc hồ đồ” và “Chịu thiệt là phúc”. Ông cũng từng chú thích rằng: “Thông minh khó, hồ đồ khó, từ thông minh chuyển sang hồ đồ càng khó, buông tay ra, lùi một bước, lòng yên ổn, sau này không mong sự đền đáp".

5. Tú tài có đói tới chết không bán sách, tráng sĩ đến bước đường cùng không bán kiếm

Người quân tử, có khí phách sẽ “không vì năm đấu gạo mà khom lưng”. Họ không vì lợi ích nhỏ trước mắt mà bỏ qua những mục tiêu cao cả. Kiểu người này tự làm tự ăn, không muốn đi cầu xin người khác một cách đê hèn, càng không thể dùng bất kỳ thủ đoạn nào để có được công danh và tài lộc. 

Họ sẽ luôn kiên định, tin tưởng vào bản thân, sống thanh bần vui với đời, tận hưởng những thú vui tao nhã bình sinh. Khi con người không mưu cầu danh lợi thì cuộc sống mới thong dong, tự tại.

co-nhan-day-12-dieu-giup-con-nguoi-song-ung-dung-tu-tai-giua-doi-2

6. Người ở trong hạnh phúc không biết là hạnh phúc, thuyền đi trong nước không biết nước chảy

Hạnh phúc của đời người chính là biết đủ. Chúng ta có thể tìm thấy niềm hạnh phúc trong nhiều trạng thái khác nhau, chẳng hạn: khi đói, ăn là hạnh phúc; khi khát, uống là hạnh phúc; khi mệt, ngủ là phúc; khi nguy hiểm, an toàn là phúc. 

Thế nhưng, nếu ăn để đối phó thì không ăn là hạnh phúc, uống quá no thì không uống là hạnh phúc, ngủ quá nhiều thì tìm được việc để làm là hạnh phúc.

Con người ta khi đang ở trong hạnh phúc thì thường không cảm nhận được, cứ mải mê tìm kiếm những thứ hư vô ở bên ngoài kia. Để rồi, đến một ngày gặp phải khổ nạn mới đi so sánh hồi tưởng với những ngọt ngào trước kia. Bởi vậy, người hiểu trong ngọt ngào luôn có cay đắng, trong phúc có họa và ngược lại, chính là người có thể cảm nhận hạnh phúc rõ nhất.

Người biết cảm ơn mới có thể trân trọng hạnh phúc. Chúng ta luôn coi thường những thứ đã đạt được và đang có mà thiếu đi tấm lòng biết ơn, đó chính là “Trong phúc mà không biết mình hạnh phúc”.

7. Tinh thần đạt tới cảnh giới đầy đủ thì văn chương mới có thể thấu đáo; học vấn tích lũy càng sâu thì ý chí mới theo đó càng trở nên ôn hòa

Xưa kia, có vị tú tài tự cho mình là người có tài năng nên chửi mắng vị quan chấm thi, cho rằng văn chương của mình viết rất tốt, bài làm cũng rất hay vậy mà sao lại không được chọn. 

Vừa lúc đó có một vị đạo sĩ đi tới và nói chắc chắn văn chương của vị tú tài này không hay. Vị tú tài cảm thấy không phục liền cáu giận mà nói: “Ông chưa từng đọc văn của tôi sao lại nói văn tôi không hay?”. 

Vị đạo sĩ bèn nói: “Tôi thấy tâm thái cậu nóng nảy bất ổn định như vậy, sao có thể viết ra được nổi bài văn hay?”. 

Người thực sự trí tuệ chính là người có thể giữ được cho mình tâm thái bình tĩnh trước mọi chuyện. Họ có tính cách ôn hòa, luôn thấu hiểu và đặt bản thân vào vị trí người khác trước khi suy xét mọi chuyện. Nhờ rèn luyện được tâm tính ôn hòa mới có thể không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ điều gì trong cuộc sống, nhờ thế tránh được những sai lầm không đáng có, giữ được tâm hồn thanh thản, bình yên.

co-nhan-day-12-dieu-giup-con-nguoi-song-ung-dung-tu-tai-giua-doi-3

8. Rượu ngon cần có tri kỷ mới uống, thơ phú cần có người đối mới ngâm

Cổ nhân có câu: “Tửu phùng tri kỷ ẩm, thi hướng hội nhân ngâm”. Cuộc sống của bạn sẽ có rất nhiều người xuất hiện. Có những người bạn không thích, cũng có những người không thích bạn. Hãy coi đó là chuyện rất bình thường.

Đời người ngắn ngủi, hãy sống trọn vẹn cho hiện tại, sống là chính mình, vì những người hiểu bạn và yêu quý bạn. Đừng để mất niềm vui ở những người không yêu mến mình, sau đó lại quên đi sự vui vẻ của bản thân ở những người yêu mến bạn.

9. Tình thế không thể làm tới tận cùng, phúc không thể hưởng tận, tiện nghi không thể chiếm hết, thông minh không thể dùng hết

Trước đây, Tăng Quốc Phiên đặt tên cho nơi mình cư trú là “Cầu Khuyết trai”. Cái tên này hàm ý là giữ được giới cấm, sống yên ổn nghĩ đến ngày gian nguy. 

Trên thế gian này, không có việc gì là thập toàn thập mỹ. Khổ cực mong muốn đắc được sự viên mãn về tinh thần, trước tiên cần có đôi chút thiếu hụt về vật chất.

Con người đừng vội mong chờ cảm giác đủ đầy, tận hưởng mọi thứ. Đôi khi sự thiếu thốn, khó khăn lại là cơ hội giúp ta rèn luyện bản lĩnh, mạnh mẽ, ý chí sinh tồn và không ngừng theo đuổi ước mơ.

co-nhan-day-12-dieu-giup-con-nguoi-song-ung-dung-tu-tai-giua-doi-4

10. Trước tiên cần dưỡng thần sau đó mới dưỡng hình

Cổ nhân cho rằng: “Dưỡng hình không bằng dưỡng thần, điều thân không bằng điều tâm”. 

Tâm thái có vai trò vô cùng quan trọng đối với sức khỏe. Con người khi rèn luyện được tâm thái, có tâm tính tốt chính là nền tảng để có sức khỏe. 

Tâm trạng tốt nhất của con người chính là tĩnh lặng, một trái tim bình thản còn tốt hơn hết thảy linh đan thần dược. Không chỉ giúp duy trì sức khỏe tốt, tâm thái tĩnh lặng còn giúp con người có thể thấu hiểu nội tâm của mình, không bị ảnh hưởng bởi những ồn ào ngoài kia, nhờ đó ta sống tự tại giữa cảnh giới nhân sinh.

11. Thời trẻ không cố gắng về già mới tổn thương

Ngay khi còn nhỏ, cha mẹ luôn nhắc nhở, khuyên răn con cái nên học hành chăm chỉ, biết tận dụng thời gian làm việc có ích. Thế nhưng, nghe nhiều đôi khi thấy khó chịu, dễ bỏ ngoài tai, không hiểu được hết vai trò của việc cố gắng học tập.

Khi trưởng thành, trải qua nhiều thất bại, bỏ lỡ những cơ hội, mới cảm thấy lời dạy của cha mẹ vô cùng đúng đắn. Vì không ham học hỏi đã tự đánh mất cơ hội công việc tốt, cũng không tích lũy được kinh nghiệm cho bản thân, để rồi sự nghiệp cứ đì đẹt bao năm. Lúc đó, chúng ta mới hối hận vì sao trước đây không nghe lời người lớn.

12. Trong mắt có bụi thiên hạ sẽ trở nên chật hẹp, trong não vô sự tất cả sẽ thênh thang

Người có tâm lượng hẹp hòi thì dù chỉ là hạt bụi bay vào mắt cũng khiến họ khó chịu. Với kiểu người này, cho dù có đem cho họ cả thế giới thì họ vẫn cảm thấy thế giới này quá nhỏ và có nhiều điều không vừa lòng.

Người có tâm lượng rộng lớn, không cố chấp bất kể việc gì, cho dù cuộc sống có đơn sơ, trong nhà chỉ có một cái giường thì vẫn cảm thấy trời đất bao la rộng mở, trong lòng vẫn tràn đầy sự biết ơn. Nhờ thế, họ luôn tận hưởng cuộc sống với tâm thế thư thái nhất.

Xem thêm: Nhân sinh như quán trọ, ta chỉ là khách qua đường: Chớ tiếc nuối quá khứ, sống trọn vẹn ở hiện tại, chẳng lo lắng tương lai

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận