Cha mẹ Việt hãy để "đời cua cua máy, đời cáy cáy đào", đừng cả đời chạy theo con cái

Do nhiều nguyên nhân như văn hóa, thói quen, điều kiện y tế, tài chính mà cha mẹ Việt có xu hướng phụ thuộc, hy sinh vì con cái lúc tuổi già.

Loan Nguyễn
11:07 11/10/2021 Loan Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Khi chúng ta chứng kiến một đứa trẻ Tây tự mang áo, mang giày, tự xoay sở với đĩa thức ăn, tự đứng lên sau khi ngã, tự mang một phần đồ đạc bên mình khi đi du lịch, chúng ta không khỏi trầm trồ, thậm chí tỏ vẻ ngạc nhiên.

Còn trẻ em nước ta thì sao? Những điều tưởng chừng đơn giản đó, trẻ em nước mình còn lâu mới làm được. Bởi các bậc cha mẹ có thói quen "ôm ấm", bao bọc thái quá đối với con cái ngay cả khi chúng đã trưởng thành.

Sự "ôm ấp" về tài chính

Cha mẹ nuôi con khôn lớn, cho con học hành đàng hoàng. Khi con cái đi làm, cha mẹ vẫn nuôi ăn. Con muốn mua xe, cha mẹ sắm. Sợ con vất vả, cha mẹ vội hỗ trợ vô điều kiện, thay vì chỉ giúp con với những cam kết nào đó.

Có một bé sinh viên mà tôi quen biết. Cô bé thích mua một chiếc xe Lead, em đã tự đi làm thêm. Khi đã để dành được một khoản tiền, em mới mở lời với mẹ: "Con mượn mẹ một ít nữa mới đủ mua xe, và hàng tháng, con sẽ làm thêm để trả mẹ tới lúc hết". Chuyện có vẻ đơn giản, nhưng tôi tin, thế hệ trẻ bây giờ rất nhiều em không làm được.

Chị tôi khi nhận tháng lương đầu tiên đã đóng tiền ăn cho mẹ, không chờ mẹ hỏi. Trong trường hợp chị quên đóng, mẹ tôi sẽ nhắc nhở ngay lập tức. Tôi thích cách mẹ hành xử với con cái về mặt tài chính.

Mẹ đã dạy chúng tôi, có thể không giàu nhưng biết làm chủ với tài chính, không ỷ lại, không phụ thuộc, ra đời, biết tùy nơi mà rộng hẹp, biết mồ hôi đã đổ xuống để kiếm được đồng tiền và trân trọng.

Có câu: "Của cho không bằng cách cho". Cách cho không quan trọng bằng cách dùng, khi bạn cho không đúng cách, đừng mong con cái của bạn sẽ dùng đúng. Khi chúng có mọi thứ quá dễ dàng, cái gì dễ đến thì cũng dễ đi. Hậu quả, con cái không có khả năng tự chủ và kiểm soát tài chính.

cha-me-viet-dung-ca-doi-chay-theo-con-cai-hay-de-con-tu-lap-1

Hy sinh sức khỏe để chăm con, chăm cháu

Cha mẹ Việt có bao nhiêu sức lực không dành cho mình và bạn đời nữa mà chuyển sang dành hết cho con, đặc biệt cho cháu.

Con cái nếu biết nghĩ còn đỡ tủi, nếu đứa vô tâm thì nó xem đó là điều hiển nhiên nó được hưởng, không may may suy nghĩ.

Tôi gặp một bà đi đón cháu ở trường mầm non, bà bắt chuyện và vào đề rất nhanh: "Thấy bụng đứa con dâu to ra, tôi nghi rồi, hỏi ra, nó xác nhận có bầu đứa thứ ba. Tôi nghe mà rụng rời, nuôi hai đứa cháu rồi, vợ chồng hắn không nuôi con, giao hết cho vợ chồng tôi".

Nhiều người con cho rằng, cua mẹ phải đào cho cáy, cả con cáy và vợ cáy. Nhưng cha mẹ hãy nhớ, "đời cua, cua máy; đời cáy cáy đào". Con cái đã trưởng thành và tự lập, hãy để chúng tự lo liệu cuộc sống của bản thân.

Hy sinh cả miếng ngon vì con cháu

Tôi có bà cô, ngoài 80, đang sống ở quê. Mỗi lần mẹ tôi về quê đều ghé thăm cô. Ngoài việc cho cô vài trăm, mẹ tôi thường mua thêm thuốc và ít thức ngon. Cô không ăn, cô để cho cháu. Mẹ tôi phải căn dặn: "Ăn đi nhé, con cháu có cha mẹ nó lo, tụi nó còn cả đời để ăn, mình ăn miếng cho khỏe người".

Vẫn biết rằng "nước mắt chảy xuôi", tình yêu thương của người bà dành cho con cháu vô cùng lớn lao nhưng sao tôi vẫn thấy cám cảnh. Không phải ngẫu nhiên mà có từ hiếu thảo, hiếu ai cũng biết rồi nhưng thảo, có lẽ một phần nội hàm của nó có liên quan đến việc quan tâm cha mẹ từ miếng ăn thức uống.

cha-me-viet-dung-ca-doi-chay-theo-con-cai-hay-de-con-tu-lap-2

Bán nhà bán vườn để theo con vào thành phố

Nhiều người trẻ lập nghiệp tại thành phố, muốn cha mẹ bán nhà bán đất rồi chung sống với con. Cứ nhân danh vì cha mẹ, nói rằng khuyến khích nhưng chẳng khác nào cưỡng chế di dời, đưa cha mẹ vào thế không đi không được. Chúng chỉ biết đến bản thân, quên mất rằng cha mẹ cũng cần có sự tự do. Bao nhiêu năm gắn bó với làng quê, họ yêu đất, yêu vườn, yêu những người láng giềng quen thuộc. Đâu phải dễ dàng từ bỏ nơi đã sinh sống mấy chục năm để đến thành phố xa lạ.

Để lý giải tình trạng này theo tôi có hai loại lỗi hệ thống. Một là lỗi từ "cua". Một số mẹ cua cứ cố để rồi than, cứ hy sinh vô điều kiện rồi rên rỉ. Chính sự hy sinh của họ tạo ra một thế hệ con cháu ỷ lại và lòng biết ơn cha mẹ chỉ nằm lòng trên cửa miệng: "Ông bà thương cháu lắm, không rời cháu được nửa bước". Cứ lấy can đảm mà nói thẳng như bà mẹ nào đó: "Mẹ già rồi, mẹ nuôi các con đã vất vả một đời, giờ để cho mẹ chút sức nghỉ ngơi, mẹ có chút nào dành dụm, mẹ có thể giúp con thuê người, chứ đừng đặt trách nhiệm nuôi cháu lên vai mẹ".

Cha mẹ khi yêu chiều con cái quá sẽ dẫn đến tình trạng dồn áp lực lên chúng, quan tâm thái quá tới đời sống của con, đứa tự chủ sẽ cảm thấy mình là đứa trẻ chưa lớn, và dễ sinh ra những mâu thuẫn không đáng có; đối với đứa lệ thuộc thì nó lại mãi mãi là đứa trẻ có gương mặt phụ huynh.

Hai là lỗi từ "cáy". Con cái cũng phải nghĩ, mình nuôi con vất vả thế nào thì cha mẹ cực thế ấy, mà còn cực hơn vì họ già rồi. Đùn đẩy trách nhiệm của mình cho cha mẹ dù bất cứ lý do gì đều là kẻ lười biếng, vô trách nhiệm và vô cảm.

Hy vọng các bậc phụ huynh có tuổi trân trọng bản thân để vui sống cùng con cháu. Là con cháu, chớ vội phán xét ai đó không trông cháu, không chờ cơm con vì suy nghĩ hiện sinh và sự văn minh của họ, thay vào đó hãy động viên cha mẹ hưởng thụ tuổi già. Nếu ở phố, hãy tận hưởng tuổi già trong công viên, ngoài bãi biển, chụp hình, lên Facebook, trông giúp cháu 30 phút không hơn khi cha mẹ nó bận việc, có điều kiện hãy đi du lịch, thăm nom bà con, bạn bè đây đó.

Nếu ở quê, hãy vun xới một mảnh vườn có rau, hoa và quả, thưởng trà, cờ tướng với hội bạn già, lui lui tới tới xóm làng, lâu lâu ghé trường mầm non đón cháu giúp con khi nó về muộn.

Tôi tin rằng, khi chúng ta thay đổi suy nghĩ theo hướng tích cực, văn minh, ta sẽ tạo ra văn hóa. Không thể có văn hóa gia đình khi ai đó cứ phải hy sinh và ai đó mãi không chịu trưởng thành.

Xem thêm: "Ba nỗi sợ" khi về già mà cha mẹ luôn cất giấu, phận con cái nhất định phải lưu tâm

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận