Sóng trước đổ đâu, sóng sau sẽ đổ đấy: Câu chuyện đáng suy ngẫm

Một người cư xử với cha mẹ không ra gì, con cái anh ta sau này sẽ cư xử với anh giống như thế, có khi còn tệ hơn. Câu chuyện là bài học đáng suy ngẫm cho tất cả chúng ta.

Loan Nguyễn
08:52 02/11/2021 Loan Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Tại hành lang của một bệnh viện, cô con dâu nhăn mặt nói với chồng:

- Ở nhà em còn đủ thứ việc phải lo, làm sao mà vào đây hầu ba được? Anh nói cô Năm hay cô Bảy ở, không thì chia nhau vào mà chăm sóc ba.

Người chồng chưa kịp trả lời thì có lẽ cô Năm hay cô Bảy gì đó đã lên giọng phản đối:

- Tôi cũng có đủ thứ chuyện phải lo, đâu có rảnh.

Một người con trai khác nhíu mày nói:

- Nói chung là ai cũng bận hết, với lại ba mắc bệnh lây nhiễm, vào hầu ba rồi lỡ bị lây thì làm sao?

Sau một hồi bàn tính, cuối cùng, cô con dâu trưởng phán một câu:

- Thôi khỏi bàn tán gì hết, thuê người nuôi là xong chuyện.

cau-chuyen-ve-long-hieu-thao-cua-con-cai-doi-voi-cha-me-1

Sau đó, mọi việc diễn ra theo đúng kế hoạch của họ. Một người phụ nữ khỏe mạnh, có dáng vẻ của người nông dân, đang nuôi một người bệnh nằm giường bên cạnh ông cụ đã chủ động đề nghị được chăm sóc cho ông cụ luôn.

Việc chăm sóc ông cụ mỗi ngày đòi hỏi sự tỉ mỉ, chu đáo, từ việc cho uống sữa, uống thuốc đến thay quần áo, lau người. Chị làm mọi việc với sự chu đáo, không tỏ vẻ gì là ghê tởm. Thậm chí, dáng vẻ hiền hậu, dịu dàng của chị dành cho ông cụ y như của con đối với cha mẹ.

Khoảng thời gian sau đó, vì yên tâm rằng cha đã có người chăm sóc, đám con trai, con gái, dâu, rể của ông cụ, hơn chục người họ thỉnh thoảng mới đến thoáng qua như một luồng gió nhẹ.

Thật đáng tiếc khi sự chăm chút của người phụ nữ này không kéo dài bao lâu. Bởi chỉ hơn một tuần sau đó là ông cụ đã qua đời.

Con cái, cháu chắt ông lúc này kéo vào đông đúc. Họ khóc lóc khá ồn ào nhưng vẫn bình tĩnh chỉ huy việc khâm liệm ông cụ. Ở hành lang lại xảy ra một cuộc cãi vã xem người nào phải chi nhiều nhất cho đám tang?.

Người con trai trưởng tay cầm một xấp tiền đến trả cho người phụ nữ đã chăm sóc cho cha mình. Hai mắt đỏ hoe, chị trả lời:

- Tôi nuôi cụ ấy vì thấy xót xa cho cụ có lắm con nhiều cháu mà chẳng ai đoái hoài, chứ tôi có làm cái nghề này đâu mà lấy tiền?

Đám người đang khóc mếu, cãi nhau… đột nhiên im bặt. Rồi từng người một lẻn ra ngoài…

cau-chuyen-ve-long-hieu-thao-cua-con-cai-doi-voi-cha-me-2

Lời bàn:

Có câu: "Sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đấy" ẩn chứa một đạo lý ở đời đó là, những hành vi mà ai đó đã quen làm thì nó sẽ được lặp lại y hệt ở chính con cái họ. Tuy rằng sẽ có hành vi tốt và hành vi xấu, nhưng câu này nghiêng về sự cảnh báo những hành vi xấu, không hay của người đời sẽ được vận ngay vào thế hệ con cái họ.

Con cái rất dễ nhiễm và bắt chước mọi thói quen, sở thích, hành vi của cha mẹ. Một người nào đó, ứng xử với cha mẹ không ra gì. Không những anh ta không cung phụng, cho cha mẹ ăn uống tử tế mà còn buông ra những lời cay nghiệt, nhiếc móc, hỗn hào. Rồi đến lượt con cái anh, chúng sẽ ứng xử với anh giống như thế, có khi còn tệ hơn.

Hậu quả không hay này đã được minh chứng bằng nhiều câu chuyện mà khi đọc, ta thấy thấm thía câu "Cha mẹ hiền lành để đức cho con".

Quy luật ở đời là "gieo gió gặt bão", "ai làm nấy chịu". Kẻ nào đối nhân xử thế với bố mẹ, anh em, mọi người xung quanh không ra gì thì kẻ đó sẽ nhận về mình hậu quả nhãn tiền đó. Không gì buồn hơn là chính con cái của mình lặp lại những hành động xấu xa do mình đã làm trong cuộc sống.

Xem thêm: Tại sao nói những phước lành của con cái đều liên quan đến cha mẹ?

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận