"Bất kể cuộc sống thế nào phải sống thật thà, đó mới là khôn ngoan"
Ông nội tôi là người hiền hậu, hay cười, tiếng cười của ông nghe khà khà rất dễ mến. Ông sống một mình trong ngôi nhà thờ họ to lớn ở quê để vừa dưỡng già, vừa chăm sóc hương hỏa các cụ. Ông tự làm lấy mọi việc vì bà nội chúng tôi mất sớm…
Ông tôi là người rất dễ tính, mặc gì cũng được, ăn món gì cũng xong và chẳng bao giờ nhận xét món ngon hay dở hoặc quần áo có đẹp hay không, miễn sạch sẽ là được.
Mỗi khi các cháu đến chơi, ông sẽ vào bếp tự tay nấu, và chỉ một loáng sau cơm canh thơm nức ngon lành đã bày lên bàn. Nếu chúng tôi ăn ngon miệng và khoái chí muốn được học hỏi thêm về cách nấu nướng hay chỗ tinh tế của ẩm thực thì lúc ấy ông có thể nói chuyện với chúng tôi cả ngày.
Xuất phát từ chủ đề ẩm thực, chúng tôi có thể hỏi ông đủ thứ chuyện trên trời dưới bể, và ông có thể giải đáp được hầu hết.
Được ăn với ông ở ngoài sân rộng quả là điều tuyệt vời. Ngoài vườn có mấy cây hoa lan, hoa bưởi thơm ngát.
Trong khi kể chuyện cho chúng tôi nghe, đôi mắt bình thản của ông thi thoảng lại lóe lên một ánh nhìn vừa tinh anh, vừa hóm hỉnh, và ngay lập tức lại trở về bình thản như cũ.
Tôi, đứa cháu nội yêu quý của ông, chắc mẩm sẽ được nghe những tình tiết hay ho và sâu sắc. Nhưng nếu chúng tôi không hỏi, thì ông lại khà khà cười, tay ve vẩy cây quạt nan để quạt cho các cháu và trìu mến nhìn các cháu ăn cơm.
Có lần tôi hỏi ông:
- Ông ơi, các cụ ngày xưa ăn nói chừng mực thế ông nhỉ? Sao không thấy các cụ "chém gió" giống như bọn cháu bây giờ?.
- Ý cháu là nói khoác phải không? Vì thời các cụ, các ông còn nhỏ luôn được dạy về lòng trung thực. Chẳng phải ca dao mình cũng có câu: "Đừng bảo rằng trời không tai, nói đơm nói đặt cậy tài mà chi", hay là: "Khôn ngoan chẳng lọ thật thà" là gì?.
- Nhưng sao cháu thấy trong văn chương hay ca dao tục ngữ các cụ vẫn nói vống lên ạ? Ví dụ: "Lỗ mũi mười tám gánh lông, chồng yêu chồng bảo tơ hồng trời cho"?
- À, cái đó gọi là phép thậm xưng cháu ơi. Đó là một thủ pháp để nhấn mạnh và tạo hình tượng, hay chính là thủ pháp nói quá, chủ yếu để tạo hài hước. Nhưng ai cũng hiểu đó là thủ pháp văn chương. Nếu ngoài đời có ai đó nói những câu tương tự, thì người ta đều hiểu là nói đùa, nói vui. Còn nếu nói chuyện nghiêm túc mà không thật thì là nói dối rồi, đúng không?.
- Cháu thấy bình thường thì để tạo ấn tượng hay để lấy niềm tin cứ nói vống lên cũng có sao đâu ông? Ai chẳng thế ạ.
- Cái lợi trước mắt cho cá nhân chưa chắc đã đạt được, nhưng cái hại cho xã hội, tức là về lâu dài mọi người đều thiệt hại, thì không phải ai cũng thấy được đâu.
Ông dừng lại một lát, cười hiền lành. Miệng ông cười, mắt ông cũng nheo cười, nhưng hình như có một ánh chớp vừa thoáng vụt qua.
- Ngôn ngữ cũng nên có liều lượng, giống như dùng thuốc vậy. Nếu cháu thi thoảng mới dùng thuốc đặc trị, thì thuốc ấy mới có tác dụng. Nếu cháu dùng thường xuyên, thuốc sẽ nhờn. Và cháu sẽ ngày càng phải tăng liều lên.
Chẳng hạn, cháu có một quán cơm, diện tích nhỏ, món ăn đơn giản, thì cháu gọi là "quán cơm bình dân" có phải không? Cứ tạm gọi thế, tên vậy là tương xứng, không hơn không kém. Hoặc cháu gọi quán bằng một tên riêng của cháu cũng được. Nhưng cháu thấy gọi vậy thường quá, cháu sửa sang cơi nới chút ít rồi đặt tên mới là "Trung Hoa đại tửu lâu" để thu hút khách.
Quán cơm bên cạnh thấy vậy cũng sốt ruột, cũng sửa sang chút ít rồi đổi tên lại thành "Thế giới ẩm thực". Nhưng cả "Trung Hoa đại tửu lâu" và "Thế giới ẩm thực" cũng chỉ đi mấy bước chân là hết, món ăn nghèo nàn, dịch vụ sơ sài, giống như bàn chân nhỏ xỏ vào một chiếc giày quá rộng.
Khách hàng mới đầu tò mò nên vào đông hơn một chút. Nhưng cũng chỉ dăm bữa nửa tháng là họ lảng dần. Hãy tưởng tượng nếu cháu đi đâu cũng thấy người ta nói vống lên như vậy thì không phải chuyện đùa phải không? Vậy nếu đi theo con đường ấy thì tên quán tiếp theo sẽ phải là gì? Ai sẽ tin đây? Đó là quá trình 'tăng liều' và nhờn ngôn ngữ đấy.
Ông lại cười khà khà, nhướn mình gắp miếng nem, chấm vào nước chấm rồi thả vào bát của tôi, rồi với tay lấy quạt nan quạt phe phẩy cho tôi ngồi ăn được mát mẻ.
- Ông nghe nói có những quán còn tạo ấn tượng bằng cách đặt tên cho món ăn thức uống của mình thật kêu. Nhưng chẳng qua là thùng rỗng kêu to mà thôi, người tinh ý chỉ cần thử một lần là biết.
Tôi lại hỏi:
- Người doanh nhân bây giờ muốn có khách hàng thì còn có cách nào nữa hả ông? Cứ tái cơ cấu lại công ty, cửa hàng là phải tìm cách làm mình nổi bật, và đặt tên, quảng cáo "chém gió" là một cách mà.
- Trước hết, trong từ đã có "nhân" thì không có "người", vì "nhân" là "người". Đó là từ Hán Việt. Cháu chỉ gọi "doanh nhân" thôi là đủ. Cũng như không ai nói "nhà khoa học gia" vì "gia" cũng là "nhà". Thứ hai là đã có "tái" thì không có "lại", vì nghĩa của chúng giống nhau. Cháu chỉ nói "tái cơ cấu" hoặc "cơ cấu lại". Dùng thừa từ vì không hiểu nghĩa cũng là làm nhờn ngôn ngữ đấy cháu. Cứ nói khoác thì mất niềm tin. Nếu ai cũng nói vống lên thì con người trong xã hội không còn tin tưởng lẫn nhau, vậy thì còn mưu sinh thế nào? Mà mục đích kiếm lợi riêng cũng chẳng thực hiện được.
- Vậy có cách nào hả ông?
- Học theo các cụ ngày xưa cháu ơi. "Khôn ngoan chẳng lọ thật thà", ông chẳng nói với cháu rồi mà. Khi cả xã hội dạy nhau khôn ngoan thì cháu phải thật thà. Đó là khôn ngoan ở mức độ cao hơn. Nhưng đó vẫn là một dạng cơ mưu, giống như ông Warren Buffet nói: "Khi thiên hạ tham lam thì nên sợ hãi, khi thiên hạ sợ hãi thì nên tham lam". Ông vẫn không hoàn toàn đồng ý. Các cụ ta xưa đạt được cái tâm thanh thản hạnh phúc cũng vì không tham lam, cũng chẳng sợ hãi. Vì khôn ngoan cũng chẳng lại với giời. Và bất kể xã hội thế nào thì mình vẫn phải thật thà, đó mới là khôn ngoan thực sự.
Mỗi khi có dịp ra phố dùng bữa, ông sẽ chọn quán ăn nào có cái tên khiêm tốn nhưng sạch sẽ, chủ quán hiền lành, thật thà, chịu khó, đối xử lễ phép với khách. Cháu gắng quan sát vài lần sẽ tìm được quán như thế. Những người ấy họ thực sự có tâm với nghề, với khách hàng và tâm họ ít bị ngoại cảnh tác động. Họ sẽ không lấy việc kiếm lợi làm đầu. Và vì thế mà họ sống khỏe. Ông chỉ lấy quán ăn làm ví dụ, với các việc khác đều như thế, cháu tự mở rộng vấn đề ra nhé.
Tôi cứ há hốc mồm nghe ông nói.
- Ông ơi, hay quá. Vậy là hôm nay cháu lại có chuyện để kể với cả nhà rồi. Cháu sẽ áp dụng lời ông dặn. Cháu cám ơn ông ạ.
Ông tôi nhìn dáo dác xung quanh.
- Ông tìm gì đấy ạ?
- Ông tìm nồi cám mới trộn cho lợn. Cháu vừa nói biết ơn cám mà. Ông nháy mắt.
- Ha ha, ông dí dỏm quá ạ. Cảm ơn phải không ông? Nghĩa là cảm động, tỏ lòng biết ơn khi người khác làm điều tốt cho mình phải không ông? Sao ông cái gì cũng biết vậy ạ?.
- Thôi ăn nốt đi, cơm nguội quá rồi. Ông chỉ là "ông từ giữ đền" của các cụ thôi. Ông chỉ là một ông già quê mùa, không hợp thời thôi.
Có thể ông nói thế vì khiêm tốn, nhưng lòng tôi đang lâng lâng vì những câu chuyện giản dị ấy và cũng vì hoa lan, hoa bưởi ngoài vườn kia đang tỏa hương thơm ngát trong nắng trưa dịu dàng.
Xem thêm: Người khôn ngoan sống trên đời theo quy tắc: 3 không quản, 4 không nói, 5 không giúp
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận