Con cái không phải là "tấm thẻ bảo hiểm" lúc ta già nua - Câu chuyện nhân văn
"Chẳng ai muốn tuổi xế chiều đơn độc..." - cái chép miệng cùng tiếng thở dài buông lơi làm không gian thinh lặng hẳn.

Mắt ươn ướt và lòng nghèn nghẹn, chúng tôi nhìn dì cố nuốt từng muỗng cháo một cách khó nhọc mà thương đứt ruột.
Dì ốm sốt li bì suốt mấy hôm. Đám cháu thay phiên nhau tạt qua nhà đun ấm nước, bắc nồi cháo, quét cái sân rồi phơi áo quần cho kịp nắng. Cháo chín, phải thúc miết dì mới ăn. Người ốm nhạt miệng chả thấy ngon lành gì đâu, nhưng buộc phải gắng mấy muỗng cho ấm bụng mà uống thuốc. Càng những lúc ốm đau càng cần con cháu.
Lủi thủi một thân. Thinh lặng một mình.
Chuyện nhân tình thế thái quả là lắm nẻo muôn lối. Ai chẳng muốn lúc về già ấm êm bên lòng hiếu thuận cùng tiếng nói cười khúc khích của con cháu. Nhưng mấy ai được như ý toại nguyện đâu...
Và chúng ta, những bạn trẻ mải mướt với công việc, loay hoay vì con cái, lận đận tìm ước mơ, bôn ba lập thân lập nghiệp có khi nào chậm lại chút xíu để nhìn về vô số người ngấp nghé bên kia con dốc cuộc đời ở quanh mình?
Họ đã từng dành trọn tháng ngày thanh xuân để nuôi nấng, chăm bẵm, vỗ về những đứa con thơ. Họ đã từng gửi trao trọn vẹn giấc mơ lớn cuộc đời mình qua ánh mắt trong trẻo của con trẻ.
Và khi đủ lông đủ cánh, bao đứa con dần rời xa vòng tay cha mẹ, cuống quýt với những mối bận tâm riêng. Ngoảnh lại, con trách mẹ cha sao hay hờn giận. Ngó lại, con chất vấn mẹ cha sao cứ cố chấp bắt bẻ từng li từng tí, tự ái ngút ngàn mỗi khi gần con cạnh cháu.
Tỉ lệ người Việt nhận lương hưu không nhiều tiền - đó là một thực tế nghiệt ngã khiến bao người chẳng thể an yên cùng sự độc lập về kinh tế, sự thoải mái về tâm hồn.

Nên quan niệm của người Á Đông chúng ta xưa nay vẫn vần xoay nếp cũ: tuổi trẻ xoay xở mọi cách, chắt chiu mọi nẻo, dành dụm tất tần tật "bỏ ống heo" vào con và ôm giấc mộng đẹp - về già cậy con.
Nhưng cuộc đời không phải lúc nào cũng là một giấc mơ hồng. Cảnh cha mẹ già hoang mang ngóng cửa đợi con xuôi muôn nẻo hay bị hắt hủi, bị la ó, bị dằn hắt trong từng bữa ăn giấc ngủ không phải là chuyện hiếm gặp. Từ đây, những ẩn ức vì con vô tâm, những oán hận vì con vô cảm cứ chất chồng khiến tuổi già càng thêm héo rũ xác xơ.
Làm thế nào để bi kịch tuổi xế chiều hiu hắt không lặp lại ở bạt ngàn cuộc đời nối dài nỗi đau? Hãy sẵn sàng chấp nhận sự già nua của tuổi tác và xây dựng cuộc sống bên kia sườn dốc một cách tự chủ, tự lực ngay từ bây giờ.
Sự chuẩn bị cho tương lai và tính chủ động ứng biến với mọi hoàn cảnh là điều then chốt cho mỗi chúng ta lên kế hoạch cho quãng đời bên kia sườn dốc. Làm lụng nuôi con và tích cóp, tính cho mình. Đừng bao giờ đẩy mình vào thế bí phụ thuộc hoàn toàn vào người khác rồi điêu đứng khi biến cố bất thình lình xuất hiện!
Đã đến lúc chúng ta phải thay đổi định kiến xưa cũ: con cái không phải là "tấm thẻ bảo hiểm" lúc ta già nua!
(Theo Tuổi trẻ)
Đọc thêm
Nhiều khi hai mẹ con tôi tự hỏi liệu có phải chồng coi con trai là “con ghẻ” hay không.
Mọi tội ác đều do tâm tạo tác. Nếu tâm thiện thì mọi hành động đều thiện, tâm ác thì ngay từ lời nói cũng ác.
Nếu hôm nay bạn thấy cuộc sống của mình tội tệ thì mong bạn hãy nhớ rằng, cuộc sống còn những cảnh đời bất hạnh hơn chúng ta nhiều...
Bài mới

Người xưa nói: “Không mắc kẹt trong sự oán giận là đã đạt được một nửa hạnh phúc” không phải một lời sáo rỗng khuyên người ta “buông bỏ cho nhẹ lòng”, mà là một minh triết sâu sắc về bản chất của hạnh phúc: Hạnh phúc không chỉ đến từ những gì ta có, mà còn đến từ những gì ta không để tâm mình bị trói buộc.

Cổ nhân răn dạy: “Người nuôi dưỡng cây, cây giúp người thịnh vượng” không chỉ là lời nhắc về mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên, mà còn là chân lý về sự bền vững, sự trao đi và nhận lại trong cuộc đời.

Tôi từng nghĩ về hưu sẽ là khoảng thời gian để tôi sống chậm, để bù đắp cho những tháng ngày thanh xuân đã hi sinh vì công việc. Nhưng hóa ra, về hưu lại là lúc tôi phải nghe lời con cái giảng dạy đạo lý làm cha, là lúc tôi bị ép giam trong 4 bức tường nhà để làm “ông nội tốt”, “người cha biết nghĩ”, “người già không ích kỷ”.