Cặp vợ chồng ở TP.HCM lên đường chống dịch, gần 2 tháng chưa được gặp con
Trước diễn biến dịch phức tạp, cặp vợ chồng anh Ngô Võ Thiện Nhân (TP.HCM) cùng lên đường chống dịch, chấp nhận xa gia đình.
Gần hai tháng không thấy mặt con
Anh Ngô Võ Thiện Nhân (công tác ở Trung tâm Y tế TP. Thủ Đức) cho biết, lần cuối anh được gặp mặt và âu yếm con là 2 tháng trước. Khi ấy, TP.HCM còn chưa thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15.
Anh Nhân kể, hiện anh đang tham gia chống dịch ở Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 1, phụ trách điều phối xe cứu thương và công tác hậu cần. Công việc quá bận rộn, đến lúc rảnh tay thì đã khuya, anh cũng chỉ thỉnh thoảng mới gọi điện gặp con cho đỡ nhớ. Anh tâm sự: "Tôi nhớ cu cậu, rồi lại thương vợ, hơn 1 tháng nay không dám gọi về cho con, chỉ hỏi thăm qua ông bà nội và tôi. Thằng bé bám mẹ nhất nên vợ tôi sợ con sẽ nhớ mà không ngủ được".
Được biết, vợ anh là chị Nguyễn Thị Hảo, hiện đang là điều dưỡng tại Trung tâm tiêm chủng trẻ em và người lớn TP. Thủ Đức. Đầu tháng 7 vừa qua, chị Hảo gửi con cho ông bà nội ở Biên Hòa, Đồng Nai rồi gia nhập đội ngũ tuyến đầu chống dịch. Công việc của chị là xét nghiệm trong cộng đồng, tiêm vaccine cho người dân. Công việc của vợ chồng chị đều có nguy cơ phơi nhiễm do thường xuyên tiếp xúc F0, nên hai vợ chồng quyết định ở lại bao giờ hết dịch mới về.
Quyết tâm là thế, nhưng đôi lúc chị Hảo vẫn nhớ nhà da diết. Tuy cùng thành phố nhưng chị và chồng mỗi người công tác một nơi, con thì gửi ở nhà ông bà. Chị ngậm ngùi: "Con ở nhà không ngủ được, tôi ở đây cũng mất ngủ, nhưng cũng may ông bà hiểu cho vợ chồng tôi nên hay nhắn tin động viên. Cũng khổ cho ông bà tuổi đã cao mà bị thằng nhỏ bắt tội".
Chống dịch là sứ mệnh, nhất định không trốn tránh
Anh Nhân tâm sự, ban đầu mới nghe vợ thông báo đăng ký chống dịch, anh cũng hơi lưỡng lự. Nhưng nghĩ thành phố đang cần, tình hình dịch lại phức tạp, anh lại động viên vợ và dặn dò chị cẩn thận. Anh nói: "Là một nhân viên y tế thì không được trốn tránh".
Là điều phối xe cứu thương và hậu cần, mỗi ngày anh Nhân nghe điện thoại đến cả trăm cuộc. Khi là những chuyến xe đón bệnh nhân nhập viện nửa dêm, khi là chuẩn bị thêm đồ ăn cho bệnh nhân lỡ bữa, hay giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Công việc vất vả, khả năng phơi nhiễm cao, nhưng anh Nhân và các đồng nghiệp vẫn hết lòng làm việc.
Anh nhớ lại: "Hôm ấy đã 12 giờ khuya, thấy một người bạn chia sẻ thông tin gia đình có 6 người thì có 4 người là F0 đã đi cách ly, chỉ còn 2 bà cháu được xét nghiệm dương tính sau. Thật không may người bà trở nặng nhanh, phải chuyển qua Bệnh viện Hồi sức Covid-19, chỉ còn em bé 7 tuổi ngơ ngác. Tôi tìm hiểu, biết gia đình đang điều trị ở đây nên đã hỗ trợ liên hệ để đưa bé được vào với gia đình. Hôm ấy, dù phải thức trắng đêm nhưng vẫn cảm thấy phấn chấn".
Công việc của chị Hảo không tất bật như chồng, nhưng không thể nói là không khó khăn. Mỗi ngày, chị khoác lên mình bộ đồ bảo hộ, ngày nắng thì ướt sũng mồ hôi, ngày mưa thì ẩm ướt, khó chịu. Mỗi khi kết thúc công việc, tháo găng tay y tế, đôi tay chị trắng bệch, nhăn nheo, có khi đầu ngón tay bị xước đến rướm máu.
Quá trình lấy mẫu xét nghiệm thường mất từ 6-8 tiếng, trong suốt thời gian ấy, dù đói hay khát, chị cũng không dám ăn uống gì. Mỗi lần lấy mẫu xét nghiệm cho các em bé, chị lại bất giác nhớ đến con trai ở nhà. Nữ điều dưỡng thầm mong dịch bệnh chóng qua, để các bé không phải chịu những đau đớn, khó chịu, và gia đình chị cũng được đoàn tụ.
Chị Hảo tâm sự: "Chúng tôi mang trong mình sứ mệnh của đội ngũ y tế. Các đồng đội đều đang hết mình phục vụ cộng đồng. Ai cũng vất vả, mệt mỏi, vì vậy, tôi muốn hoàn thành trọng trách của mình, góp một phần sức lực cho xã hội".
9x Thái Bình thích "lo chuyện bao đồng", lái xe tình nguyện đưa bệnh nhân nghèo về quê
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận