Nể phục khát khao đi học của nam sinh Khmer nghèo: Băng ruộng lầy lội đến trường, đốt đèn dầu học bài

Dù đường đi học vất vả, phải băng qua hơn 4 km đường ruộng lầy lội, nam sinh Khmer Nguyễn Thanh Bình vẫn quyết tâm cố gắng.

Chi Nguyễn
08:00 05/10/2022 Chi Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Nam sinh Khmer nghèo hiếu học

Với thầy trò trường THCS Trung Nhứt, P.Trung Nhứt, Q.Thốt Nốt, TP.Cần Thơ, cảnh Nguyễn Thanh Bình (13 tuổi) lem luốc đạp xe đến trường đã quá quen thuộc. Ai nấy biết về gia cảnh nghèo khó của nam sinh Khmer đều không khỏi chạnh lòng, lại thêm nể phục sự hiếu học của em.

Dù nhà cách xa trường 7km, đi lại khó khăn, Bình vẫn quyết tâm đạp xe đến trường. Gia đình nam sinh thuộc hộ nghèo, sống chen chúc trong căn nhà nhỏ chơ vơ giữa cánh đồng ruộng mênh mông. Muốn tới trường, nam sinh phải vượt qua 4km đường ruộng quanh co, chỉ rộng khoảng hai bàn chân. Con đường đất lúc nào cũng lầy lội, cỏ dại chen chúc, một bên là ruộng đồng, bên kia là cây cối um tùm.

ne-phuc-khat-khao-di-hoc-cua-nam-sinh-khmer-ngheo-o-can-tho
Nguyễn Thanh Bình (13 tuổi) lem luốc đạp xe băng ruộng đến trường bất kể nắng mưa

Con đường này thách thức mọi tay lái nên dù đi lại quen thuộc Bình vẫn bị té ngã nhiều lần. Nam sinh tâm sự, vào mùa mưa, việc đi học vô cùng cực nhọc. Em phải thức sớm chuẩn bị, 5 giờ là xuất phát để kịp giờ học. Bình nhớ lại: "Có đoạn đạp xe được, có đoạn phải dắt bộ. Mùa mưa, em phải dừng lại mấy lần để lấy bùn đất dính vào bánh xe, đồng phục hay bị bẩn phải rửa nên mất nhiều thời gian. Cũng có lần em ngã đau lắm nhưng rồi tự đứng dậy đi tiếp thôi chứ ở đó không có ai giúp đỡ cả".

Được biết, trước kia, cũng có vài bạn ở cùng khu em đi học, nhưng họ đều nghỉ hết. Chỉ có nam sinh vẫn luôn kiên trì, hi vọng có thể học lên đại học.

Tuy khó khăn nhưng chưa bao giờ than thở

Nhà ở xa, lại cách biệt, nên thiếu thốn cả điện đóm. Suốt 8 năm qua, nam sinh Khmer miệt mài học bài dưới ngọn đèn dầu hiu hắt. Vậy mà chừng ấy năm, Nguyễn Thanh Bình luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi, giấy khen dán đầy một góc nhà. 

ne-phuc-khat-khao-di-hoc-cua-nam-sinh-khmer-ngheo-o-can-tho
Suốt 8 năm qua, nam sinh Khmer miệt mài học bài dưới ngọn đèn dầu hiu hắt, ấy vậy mà lúc nào cũng gặt hái thành tích tốt

Dẫu thiếu thốn đủ đường, cha mẹ Bình vẫn cố gắng làm bệ đỡ cho con thực hiện ước mơ. Ông Nguyễn Văn Cẩn (52 tuổi, cha của Bình) từng khuân vác lúa gạo trong nhà máy, đột ngột phát bệnh hiểm nghèo phải cắt nửa chân trái. Từ đó, kinh tế gia đình đè nặng lên vai bà Lâm Thị Chuyên (41 tuổi, mẹ của Bình). Nhiều năm qua, người phụ nữ này làm đủ thứ nghề như bẻ ớt, dặm lúa, làm cỏ, hái rau để kiếm tiền.

Trước đó, gia đình đã nỗ lực vay mượn để cho chị gái của Bình đi học ở ĐH Cần Thơ. Họ còn thiếu tiền vay sinh viên 22 triệu, lại thêm tiền vay hộ nghèo 15 triệu. Muốn chia sẻ với vợ, ông Cẩn cũng cố gắng mang chân giả đi làm phụ, nhưng khổ nỗi chân cứ yếu dần. Gần đây, vợ chồng họ được người anh cho mượn khoảng đất trồng rau màu. Vốn liếng đổ vào đó nhiều nhưng rồi mưa bão ập đến, ông bà nhìn khu vườn nước ngập trắng xóa mà xót xa.

ne-phuc-khat-khao-di-hoc-cua-nam-sinh-khmer-ngheo-o-can-tho
Dù khó khăn, vợ chồng ông Cẩn vẫn quyết tâm cho Bình đi học

Để bố mẹ an lòng, nam sinh Cần Thơ luôn cố gắng học hành, sau giờ học lại phụ giúp việc nhà. Ông Cẩn thường hay ngồi đón con đi học về ở hiên nhà, thỉnh thoảng lại được con trai tặng "quà". Để bố bất ngờ, Bình thường lấy từ ba lô ra tấm giấy khen cùng chồng tập viết mới được thưởng. Kỷ niệm đó làm ông Cẩn vui và xúc động đến khó quên.

Ông Cẩn tâm sự: "Điều kiện học hành vậy chứ con trai không than thở, kể lể gì. Vậy làm sao nỡ kêu con nghỉ học. Cho con tiếp tục đến trường, dẫu biết là khổ hơn nhưng làm cha mẹ có ai muốn con cái sau này lại vướng vào cảnh khổ như mình đâu. Nghĩ vậy nên vợ chồng tôi cố gắng để lo cho tương lai của con".

ne-phuc-khat-khao-di-hoc-cua-nam-sinh-khmer-ngheo-o-can-tho
Ông Cẩn rất tự hào về thành tích học tập của con

Theo cô Nguyễn Thị Thọ, giáo viên, Tổng phụ trách Đội Trường THCS Trung Nhứt, Bình là học sinh ngoan ngoãn, lễ phép. Dẫu khó khăn, em vẫn rất tích cực tham gia các hoạt động phong trào và tình nguyện của trường. Ngoài "bảng vàng" học tập, Bình còn đạt được nhiều thành tích nổi bật ở các cuộc thi như: Mỗi tuần một quyển sách hay, Phát thanh măng non, Tuyên truyền viên giỏi…

"Mới đây, Bình là 1 trong 3 học sinh đại diện cho TP.Cần Thơ tham dự liên hoan thiếu nhi tiêu biểu các dân tộc toàn quốc năm 2022. Nỗ lực đến trường và thành tích học tập của Bình khiến thầy cô và các bạn học sinh cảm thấy rất vinh dự, tự hào", cô Thọ chia sẻ.

Theo Thanh Duy/báo Thanh Niên

Xem thêm: Cô giáo dù khuyết chân vẫn miệt mài bám nghề, ngày ngày gieo chữ ở vùng cao

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận