Cô giáo dù khuyết chân vẫn miệt mài bám nghề, ngày ngày gieo chữ ở vùng cao

Dù không may bị khuyết đi chân phải sau một vụ tai nạn, cô giáo Vì Thị Nhân vẫn quyết định gắn bó với nghề, gieo chữ cho trẻ vùng cao Sơn La.

Chi Nguyễn
08:00 04/10/2022 Chi Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Cách đây 3 năm, cô giáo Vì Thị Nhân không may gặp tai nạn giao thông nghiêm trọng, phải bỏ đi chân phải. Những tưởng như cô phải mãi mãi chia tay nghề giáo, nhưng với nỗ lực hết mình, cô vẫn tiếp tục bám trụ với nghề.

Cô tâm sự, hồi năm 2008, sau khi tốt nghiệp ĐH Sư phạm, cô được điều động về công tác ở xã Lóng Luông, huyện Mộc Châu (nay là huyện Vân Hồ). Bà con của bản Phiêng Hạ ai cũng vui mừng, phấn khởi bởi đã lâu lắm rồi mới có một người con ưu tú đến như vậy, lại còn trở thành giáo viên. Cô Nhân nhớ lại: "Chính các thầy cô dưới xuôi lên bản dạy chữ đã khơi gợi mơ ước làm giáo viên trong tôi".

am-long-co-giao-khuyet-chan-no-luc-bam-nghe-gieo-chu-o-vung-cao
Những tưởng phải mãi mãi chia tay nghề giáo sau vụ tai nạn, nhưng với nỗ lực hết mình, cô Vì Thị Nhân vẫn tiếp tục bám trụ với nghề. Ảnh: CAND

Thời gian đầu, việc dạy học của cô giáo trẻ gặp không ít khó khăn. Lớp có 16 em, đều là người dân tộc Dao, độ tuổi từ 3-5 tuổi. Chưa kể, đường đi đến điểm trường vô cùng xa xôi hiểm trở, lắt léo,khiến cánh đàn ông cũng "khiếp vía". Lớp học chỉ là một căn nhà gỗ ọp ẹp dựng tạm, mưa lớn là ngập ngang bắp chân, gió thổi mạnh là rung lắc dữ dội.

Cô hay khoe với đồng nghiệp được công tác tại điểm trường "4 không": không điện, không nước, không sóng điện thoại và không nhà vệ sinh. Tuy nhiên, đó lại chính là nguồn động lực thôi thúc cô  cố gắng nhiều hơn nữa vì các em.

4 năm sau, cô giáo Nhân được điều chuyển về điểm trường Lũng Xá - Tà Dê (vẫn thuộc Trường Mầm non Lóng Luông). Thời điểm đó, Lũng Xá - Tà Dê là địa phương phức tạp về địa lý, mất an ninh trật tự. Ma túy "phủ trắng" nóc nhà người Mông, chuyện vào tù ra tội đã trở thành chuyện cơm bữa.

am-long-co-giao-khuyet-chan-no-luc-bam-nghe-gieo-chu-o-vung-cao
Tiết học của cô và trò điểm trường Mầm non Săm Cài lúc nào cũng rộn vang tiếng cười. Ảnh: CAND

Vận động trẻ đi học đã khó, làm hồ sơ xin trợ cấp xã hội cho các em cũng không phải là chuyện dễ dàng. Nguyên do là nhiều gia đình trong bản đi theo tiếng gọi của ma túy, không nghiện ngập cũng buôn bán. Họ nghĩ rằngcác cô giáo sẽ giúp sức công an đến điều tra, bắt bỏ tù nên lúc nào cũng phải thật cảnh giác.

Không ít lần giáo viên nơi ấy bị từ chối, thậm chí đuổi thẳng thừng. Lúc ấy, họ tủi thân đến phát khóc, nhưng nghĩ tới các học  trò mà hết lòng cố gắng. Cuối cùng, cô giáo cũng giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn trong lớp học của mình có thêm kinh phí hỗ trợ, giúp các em và gia đình yên tâm hơn những ngày tới lớp.

Tháng 11/2018, vụ tai nạn với xe tải trên đường đi làm về khiến cô giáo Vì Thị Nhân mất đi chân phải. Biết tin vợ mình gặp tai nạn nặng, chồng cô - anh Cầm Trung Thông bàng hoàng, tưởng chừng chân đi không vững. Thế nhưng, người đàn ông ấy vẫn xốc lại tinh thần, nuốt nước mắt đưa vợ xuống Hà Nội chữa trị.

Có điều, dù các bác sĩ đã hết lòng chữa trị, cô Nhân vẫn phải cắt bỏ chân qua đầu gối. Tỉnh dậy sau ca mổ, nhìn chân khuyết của mình, cô giáo không khỏi đau đớn. Cô nhớ lại: "Lúc này trong đầu tôi chỉ có một suy nghĩ duy nhất đó là mình sẽ là kẻ tàn phế, làm khổ gia đình, không biết có được đến lớp nữa hay không". Sợ vợ buồn tủi, anh Thông liên tục động viên vợ : "Hãy coi anh là chiếc chân phải của em!".

am-long-co-giao-khuyet-chan-no-luc-bam-nghe-gieo-chu-o-vung-cao
Gia đình là nguồn động lực to lớn để cô giáo vùng cao cố gắng trong cuộc sống. Ảnh: CAND

Nỗi buồn cũng dần nguôi ngoại, cô bắt đầu làm quen với cuộc sống mới. Sau 2 tháng, vì quá thương nhớ học trò, cô xin được đi làm lại. Ban Giám hiệu Trường Mầm non Lóng Luông, huyện Vân Hồ (Sơn La) ngay lập tức đồng ý. Vốn dĩ, cô Nhân là một người có năng lực sư phạm tốt, nhiều năm kinh nghiệm công tác ở điểm bản cũng như nuôi dạy trẻ vùng cao.

Sợ chồng và bố mẹ lo lắng, cô giáo Nhân quyết tâm tập luyện đi lại bằng chiếc nạng và bằng chiếc chân giả. Có nạng và chiếc chân ấy, cô giáo Nhân dường như đã có phần chắc chắn hơn trong mỗi bước tập đi của mình. Chỉ còn một chân, ngày ngày cô giáo Nhân vẫn ôm chiếc nạng dài 1,5m, nhờ người chị họ gần nhà chở hơn 20 km đến trường. Dù nắng hay mưa, dù là những ngày đông giá rét hay ngày hè nóng bỏng, cô giáo Nhân vẫn chưa bỏ bất cứ buổi nào tới lớp.

am-long-co-giao-khuyet-chan-no-luc-bam-nghe-gieo-chu-o-vung-cao
Cô Nhân khẳng định: Trừ phi nghề bỏ tôi, chứ bản thân nhất quyết không bỏ nghề. Ảnh: Lao động

3 năm sau vụ tai nạn, phần vết thương vẫn đau nhức khi thời tiết thay đổi. Thế nhưng, cô giáo Nhân vẫn thấy vui vì đã trở lại với công việc và cuộc sống cũ.  Cô tâm sự: "Mất một chân đâu phải mất tất cả, tôi vẫn muốn góp sức mình để những đứa trẻ vùng cao biết đọc, biết viết. Trừ phi nghề bỏ tôi, chứ bản thân nhất quyết không bỏ nghề".

Theo CAND, Lao động

Xem thêm: Đinh Thị Lý: Cao chưa tới 1m, 8x Hải Dương vẫn khiến người đời nể phục khi giành học bổng du học Úc

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận