Mẹ nuôi nhân hậu hết lòng giúp cậu bé Nùng liệt hai chân tái sinh cuộc đời
Nhờ tấm lòng nhân hậu của người mẹ nuôi Trần Mai Vy và nhóm thiện nguyện, cậu bé Nùng Lù Văn Chiến liệt chân đã được "tái sinh" lần hai.
Lù Văn Chiến, SN 2012, người dân tộc Nùng, sinh ra ở vùng núi Nậm Khòa, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang. Tuổi thơ của cậu bé không có mấy ngày hạnh phúc, sinh ra đã liệt hai chân, mẹ bỏ đi, còn bố cũng ngồi tù. Cậu sống với bà nội và chú thím, ăn ngô sắn sống qua ngày. Đến tuổi đi học, bà nội Chiến ngày ngày lặn lội đường xa, cõng cháu đi học.
Tháng 9/2019, một Việt kiều Na Uy đi tình nguyện ở Hà Giang, tình cờ bắt gặp Chiến. Thoáng thấy cậu bé lê lết dưới bùn đất, bò theo các bạn tới trường trong một ngày mưa, vị này đã chụp lại ảnh. Sau đó, người ấy đăng lên trang cá nhân, viết rằng: "Có ai biết bác sĩ có thể giúp đỡ bé này không?".
Bức ảnh được lan tỏa với tốc độ chóng mặt, đến tai một nhóm thiện nguyện gồm những gia đình có con khuyết tật ở TP.HCM. Sau khi biết chuyện, họ kết nối với giáo sư, bác sĩ Trần Anh Tôn - chuyên gia phẫu thuật chỉnh hình đang sống và làm việc ở thành phố Melbourne, Australia.
Ông nhận lời chữa cho Chiến nhưng với điều kiện phải thăm khám qua video. Người sẵn sàng giúp đã có, nhưng lúc ấy, cầu nối ngôn ngữ giữa hai bên bị khuyết, khiến ai nấy đều bối rối.
Cùng lúc đó, cách Hà Giang 1.500 km, một nữ giáo viên tiếng Anh ở Kon Tum tình cờ biết chuyện. Chị Trần Mai Vy có con trai đầu bị bại não, trước kia từng "lao tâm khổ tứ" đưa con đi điều trị. Thấm thía cảnh chăm trẻ khuyết tật, ngay khi thấy hình ảnh của Chiến, chị đã có quyết định táo bạo. Lập tức, cô giáo nhấc máy gọi cho chồng, nói: "Mấy ngày tới em ra Bắc công tác. Anh sắp xếp công việc lo hai đứa ở nhà giúp em". Cùng với một người bạn, vài ngày sau cả đoàn xuất phát đi Hà Giang.
Nghe tin có đoàn thiện nguyện từ Nam sắp tới giúp cậu học trò nghèo, thầy Nông Xuân Dũng - nguyên hiệu trưởng trường PTDTBT TH Nậm Khòa, lập tức thông báo tới gia đình. Thầy nói: "Ở đây mới có sóng 3G để nói chuyện với bác sỹ bên Tây, chữa chân cho thằng bé". Ngay sau đó, chú và bà của Chiến lật đật chuẩn bị, cố gắng đưa cháu đến trường đúng giờ.
Trong cuộc thăm khám, bác sĩ Tôn khẳng định có thể chữa được nếu có người đưa Chiến sang Australia nhưng cả nhóm thiện nguyện không ai kịp thu xếp công việc để đồng hành. Lúc ấy, cánh cửa tương lai của cậu bé Nùng tưởng chừng như khép lại.
"Đứa bé nếu cứ sống như vậy, sẽ chẳng có tương lai", câu nói của người bạn khiến Vy suy nghĩ nhiều. Từ Hà Giang trở về, hình ảnh cậu bé da bọc xương lấm lem bùn đất mãi ám ảnh chị. Sau vài ngày, Vy nêu nguyện vọng với chồng muốn đưa Chiến sang Australia chữa trị. "Em muốn cậu bé trở thành người bình thường và sống một cuộc đời bình thường", chị nói với chồng.
Và thế là, tháng 11/2019, chuyến bay hy vọng của Lù Văn Chiến cất cánh. Trong chuyến đi lần ấy, chị Vy đưa cậu con trai đầu bị bại não đi cùng. Tại Bệnh viện St John of God Berwick ở Melbourne, ca phẫu thuật hai bàn chân và khớp háng bên phải của Chiến kéo dài 9 tiếng do giáo sư Trần Anh Tôn và ê-kíp thực hiện thành công.
Sau ca mổ, chị Vy gửi con trai cho người quen, rồi hỗ trợ y tá chăm sóc và vật lý trị liệu cho Chiến. 3 ngày sau, cậu bé Nùng tập tễnh đi những bước đầu tiên. Nhiều lúc tập luyện vất vả, vết thương ứa máu, nhưng Chiến cắn răng chịu đau, tiếp tục tập luyện.
Người mẹ nuôi hồi tưởng: "Sức chịu đựng của con quá lớn nên tôi cũng tự dặn mình phải cố gắng tới cùng". Một lần ra ngoài về, Vy thấy cậu bé hí hoáy viết trên đôi chân bó bột. Bên này Chiến viết "Con yêu mẹ", chân còn lại viết "Mẹ Vy", bên cạnh vẽ thêm hình trái tim. Lúc này, chị bỗng nhận ra, đứa con của người dưng đã coi chị là mẹ, và yêu thương chị đến mức nào.
Phép màu thấm đượm tình người đến với Lù Văn Chiến sau đó được nhiều báo ở Australia đưa tin. Họ gọi em với cái tên "Lucky boy" - cậu bé may mắn. Một tờ viết: "Đó là sự may mắn đến từ những nỗ lực tuyệt vời của nhiều người tốt, trong đó có mẹ Vy".
Đầu năm 2020, 3 mẹ con về nước, khi đó Chiến đã đi lại được, có điều chân vẫn phải đeo nẹp định vị. Họ ở lại trung tâm nhóm thiện nguyện ở TP.HCM, sau đó về Kon Tum ăn Tết. Dự định quay trở lại Sài Gòn sau đó, nhưng vì công việc bận rộn, kế hoạch đành phải tạm hoãn.
Người mẹ nuôi đứng trước tình cảnh tiến thoái lưỡng nan. Đôi chân cậu bé cũng cần tập luyện thời gian dài để cải thiện, nếu đưa về Hà Giang, khó có điều kiện chăm sóc. "Nếu vậy đôi chân sẽ trở lại như cũ, uổng công sức của bao người", chị Vy với chồng khi thuyết phục anh nhận Chiến làm con nuôi.
Chồng chị hỏi lại: "Nhà mình đã có một đứa bại não, nuôi thêm cậu bé này, em đủ sức không?". Người phụ nữ nhân hậu quả quyết nói, chỉ cần gia đình đồng sức đồng lòng, khó khăn mấy chị tin cũng vượt qua được.
Hiện tại, Chiến đã khỏe mạnh, có thể tự do đi lại mà không cần mẹ hỗ trợ nữa. Mỗi ngày, cậu tự đạp xe hoặc đi bộ đến trường. Tuy học chậm 1 năm so với các bạn, nhưng cậu bé khá thông minh, ước muốn trở thành bác sĩ.
Nhiều lúc cậu thắc mắc, sao bản thân lại có tên họ khác xa với hai anh trai, mẹ nuôi lại giải thích để cậu luôn nhớ tới nguồn gốc. Nghe vậy Chiến lại đùa, khi nào lớn sẽ chuyển mẹ sang họ Lù, cho giống mình. Hè năm nay, gia đình đưa em về thăm người thân, thầy cô và bạn bè ở quê nhà. Thấy cậu bé liệt hai chân năm nào đã có thể tung tăng chạy nhảy, ai nấy đều tỏ ra vui mừng và xúc động.
Theo báo Hà Giang
Xem thêm: Cô ve chai cưu mang 3 đứa con của người dưng: Đã về chung nhà thì không phân biệt, là con ruột cả
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận