Làm người phải biết giữ danh giá trong sạch, đừng làm liên lụy tới thanh danh người khác
Con người dù là làm bất cứ công việc gì cũng phải biết giữ danh giá trong sạch, không làm liên lụy tới thanh danh người khác, đặc biệt là những người trong gia đình.
Sống ở đời, con người dù làm việc gì cũng phải biết giữ danh giá trong sạch, tâm hướng thiện, đừng làm chuyện độc địa, tổn hại tới người khác. Trước khi định làm chuyện gì xấu, hãy nhớ rằng nếu mọi thứ bại lộ thì không chỉ riêng mình bị ảnh hưởng, ngay cả những người thân thiết với mình cũng bị tác động. Người xưa có câu châm ngôn rằng: "Con cháu làm dại thì hại danh giá ông cha", nhất định không được làm chuyện giả dối, xấu xa kẻo liên lụy tới thanh danh người khác.
Trong Luân lý giáo khoa thư, trong phần lớp Sơ đẳng (trang 96) nói về nghĩa gia tộc có câu chuyện như sau:
Chàng trai nọ tên Nam vừa tốn công làm mạo (làm giả) một tờ giấy, mục đích để lừa người ta mấy ngàn bạc. Anh đọc đi đọc lại, cầm bút toan ký thì chợt nhìn thấy cái đồng hồ ở giữa bàn. Đồng hồ ấy là của cha anh mới mất, để lại cho con trai. Nam trông thấy cái đồng hồ ấy lại nhớ tới cha mình vốn xưa nay là người lương thiện, không làm hại ai bao giờ.
Anh mới nghĩ bụng rằng: "Ta làm điều gian dối thế này, lỡ mà phát giác ra, chẳng những một mình ta phải tội mà còn để nhục đến ông cha. Chắc là cha ta ở dưới suối vàng cũng không yên." Nghĩ thế, anh đặt bút xuống bàn, cầm tờ giấy xé đi.
Cũng trong Quốc văn giáo khoa thư, phần lớp Dự bị (trang 185) có chuyện kể rằng:
Anh Thương sau khi đậu bằng Việt Nam sơ học (một bằng cấp ngày trước) rồi không đi học nữa, ở nhà coi hàng giúp mẹ. Anh đi làm công cho một cửa hàng to học nghề buôn bán. Khi đã sành nghề rồi, anh trở về mở một cửa hàng buôn bán tạp hóa.
Lại nói anh Thương đi buôn, biết điều cẩn thận, lấy thật thà làm đầu. Thấy cửa hàng bán chạy, nhiều người tới mua nhưng không bao giờ anh giở lối gian ngoa để tham lấy nhiều lợi. Người mua thấy vậy, ai cũng tin bụng thật thà của anh mà đến mua rất đông. Bởi vậy mà cái cửa hàng của anh ta phát đạt và thịnh vượng lắm.
Từ ấy, ta nhận ra rằng sống trên đời dù làm chuyện gì cũng phải giữ cái tâm ngay thẳng, lương thiện, như vậy mới thành nghiệp lớn. Ta phải biết giữ lấy thói lề, nền nếp của ông cha để lại, đừng làm những gì trái đạo, ảnh hưởng tới gia đình, người thân.
Người xưa có câu rằng: "Khôn ngoan chẳng lọ thực thà", một chút khôn ngoan chẳng bằng cái tâm thực thà. Sống ở đời, ta cứ học cách hướng thiện, sống thật thà, chân thật thì ắt sẽ nên chuyện, chứ cứ khôn lỏi, lắt léo, khua môi múa mép thì chỉ được đạt cái lợi trước mắt mà thôi. Muốn thành công lâu dài thì phải làm ăn chính đáng, trong sạch, chứ cứ "lươn lẹo", lách luật thì sớm muộn cũng rước họa vào thân, vỡ lở thì chỉ hại mình hại người chứ không được việc gì.
Chẳng có đường tắt nào đi tới thành công cả, nếu có chỉ là những cạm bẫy chờ chực ta sa lưới, vấp ngã mà thôi. Nếu thấy mình có tính xấu thì càng nên sửa sớm, biết tu tâm dưỡng tính thì sẽ thành nghiệp lớn. Dù gặp việc gì cũng giữ cái tâm lương thiện, trong sạch, biết mình biết ta, tự mình trở nên ưu tú hơn người thì mọi sự tốt đẹp cũng tự nhiên mà đến.
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận