4 triết lý kinh doanh của người Nhật biến ước mơ thành động lực phát triển, vươn tới thành công
4 triết lý kinh doanh của người Nhật biến ước mơ thành động lực phát triển đã khiến quốc gia này trở thành nền kinh tế đứng thứ 2 châu Á, đứng thứ 3 thế giới.
Hiện tại, Nhật Bản là quốc gia có nền kinh tế đứng thứ 2 châu Á, là nền kinh tế đầu tiên và duy nhất tại châu Á góp mặt trong G7. Theo bà Trần Thị Ngọc Hoài, Phó GĐ Công ty TNHH Công nghệ Năng lượng POTECH, người có cơ hội được ghé thăm và tiếp xúc với vô số doanh nghiệp lớn tại xứ hoa đào, có 4 triết lý kinh doanh của người Nhật biến ước mơ thành động lực phát triển và gặt hái thành công.
Omotenashi - Nền tảng của mọi triết lý kinh doanh
Tuy mỗi công ty đều có những triết lý kinh doanh riêng, nhưng hầu hết đều quy về một nguyên tắc, đó chính là "Omotenashi" - có nghĩa là lòng hiếu khách. Chẳng hạn, với tập đoàn Nichia, slogan của họ chính là "Customer First", tức là "Khách hàng là ưu tiên số 1". Câu slogan này được in đậm và phóng to ngay trong bảo tàng Nichia, nhấn mạnh vào lòng hiếu khách của doanh nghiệp.
Khi phát sinh vấn đề, đầu tiên các doanh nghiệp sẽ nhận lỗi với khách hàng, sau đó mới tìm hướng xử lý hoặc đưa ra giải pháp. Họ đều hết mình phục vụ khách hàng, với mong muốn đáp ứng nhu cầu của các vị khách hết sức có thể.
Chất lượng và lòng tin
Được biết, tại nhà máy sản xuất chip của tập đoàn Nichia, trong khi nhiều hãng sản xuất chip lớn khác như Philips, CREE,... đều in logo lên chip, thì Nichia lại hoàn toàn không làm điều đó.
Thì ra, đó là một cách thể hiện lòng tin và đảm bảo chất lượng của người Nhật, khi cho rằng, bất cứ những gì "Made in Japan" thì đều vô cùng chất lượng. Do đó, không cần phải phân biệt các hãng, dập in logo nếu không quá cần thiết.
Nguyên liệu của người, sản phẩm của mình
Trên thực tế, Nhật Bản là một quốc gia khá đặc biệt, khi họ gần như không có tài nguyên khoáng sản nào. Vậy, làm cách nào để một quốc gia như vậy có thể trở thành một cường quốc kinh tế, với nền kinh tế đô thị hóa cao nhất thế giới?
Theo lời giải thích của một giáo sư tại chương trình MBA, Tokyo, người Nhật đã nghĩ ra một mô hình kinh doanh bền vững tận dụng chính sự "thiếu thốn" tài nguyên của nước mình. Theo đó, người Nhật sẵn sàng mua bán, nhập về nguyên vật liệu ở khắp mọi nơi, nhưng sẽ ứng dụng công nghệ hiện đại của nước họ để tạo ra sản phẩm cuối cùng (finished product) rồi bán ra khắp thế giới.
Chẳng hạn, họ sẽ mua cát từ Việt Nam, sau đó sản xuất ra thanh ingot bằng công nghệ Nhật Bản, cắt và đánh bóng thành wafer - miếng silicon mỏng là vật liệu nền sản xuất vi mạch. Sau đó, họ sẽ bán lại chúng cho các công ty sản xuất ngành bán dẫn khắp thế giới. Điều quan trọng là họ sở hữu những công nghệ hiện đại, tân tiến có thể làm ra những sản phẩm chất lượng, bền bỉ.
Tôn vinh cả những thành tựu nhỏ bé
Với người Nhật, ngay cả một thành tựu tưởng chừng nhỏ bé, không có gì đặc biệt cũng xứng đáng được tôn vinh. Tại bảo tàng Entrepreneurial (The Entrepreneurial Museum of Challenge and Innovation), họ vinh danh hơn 100 doanh nhân kiến tạo tại Osaka từ sau năm 1950.
Tại đây, những sản phẩm nhỏ bé như phích nước, nhang diệt muỗi,... cũng được trưng bày và tôn vinh. Hiện nay, loại nhang diệt muỗi này vẫn được bày bán rộng rãi ở Nhật và rất được người dân tin dùng. Quả thực, trong những giai đoạn khó khăn, thì việc phát minh ra những điều tưởng chừng như nhỏ bé lại có thể để lại dấu ấn sâu đậm. Quan trọng là chúng ta đề cao sự sáng tạo, khuyến khích phát huy để có thể xuất hiện nhiều phát minh vĩ đại hơn nữa sau này.
Chiến lược marketing độc đáo của Nestlé thay đổi hoàn toàn văn hóa uống cà phê tại Nhật
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận