Nỗi trăn trở của dân môi giới bất động sản: Được nhiều hơn mất nhưng cũng lắm gian truân
Sau hơn 5 năm trong nghề, chuyên viên môi giới bất động sản này khẳng định đây là công việc "được nhiều hơn mất", nhưng ẩn sâu sau đó là nhiều khó khăn vất vả.
Từ xưa đến nay, bất động sản vẫn là một trong những kênh làm giàu mà người Việt yêu thích. Điều này đồng nghĩa với việc số lượng người làm dân môi giới cũng nhiều vô kể, nhất là khi thu nhập khá béo bở. Tuy nhiên, đằng sau đó là những khó khăn, vất vả và nhiều chuyện khó nói. Dưới đây là tâm sự của một chuyên viên môi giới bất động sản đã theo nghề được 5 năm, hiện đang là admin một group Facebook về lĩnh vực này:
"Hôm nay tròn 5 năm kể từ ngày kể từ khi tôi bước vào nghề này mà ban đầu phải lén người giàu, giấu giấu diếm diếm đi làm. Cảm giác lo lắng những ngày đầu khi sợ người quen gọi là "cò đất", thậm chí gặp khách cũng vẫn lo bị gọi là "cò". Chỉ sau khi môi giới thành công vài lần, được khách nhắn tin, gọi điện cảm hơn,... tôi mới thực sự tự tin bước vào nghề".
Chị chia sẻ: "Kỉ niệm đáng nhớ nhất vẫn là có anh khách ở Hà Nội, sau hàng chục lần dẫn đi xem khắp vùng Quốc Oai, Thạch Thất, Bà Vì,... cuối cùng họ cũng tìm được mảnh đất hơn 1.000 m2 ưng ý. Nhắn tin giục mãi mà anh vẫn báo đang suy nghĩ, nghĩ khách không mua liền gọi cho chủ nhà để dẫn khách mới vào. Lúc này mới chưng hửng nhận được tin đất đã bán. Thì ra, chính anh khách kia đã tự tìm chủ nhà để giao dịch trực tiếp, không qua môi giới nữa.
Có chút thoáng buồn vì người khách này, nhưng rồi cũng quên đi vì lại dẫn khách mới đi xem nhà đất. Càng làm lâu trong nghề càng thấy, khách hàng nào cũng quan trọng cả, họ đến với mình dù mua hay không cũng đều rất đáng quý".
Nhà môi giới này kể thêm, được một thời gian sau, anh khách trên lại bất ngờ gọi lại xin lỗi. Người ấy bảo do hôm đó lên gặp chủ nhà, tiện nên đã giao dịch luôn. Anh tỏ ra áy náy, gặp mặt trực tiếp xin lỗi, nhưng cuối cùng lại bảo anh đang vướng thủ tục trên mảnh đất ấy, cần nhờ xử lý giúp. Chị nói: "Tất nhiên, lần này, mình 'deal kèo' nhưng thỏa thuận rất rõ ràng về thời gian và chi phí. Khách bằng lòng ngay, vì biết chỗ đấy khó, không phải ai cũng làm được...
Việc khách vì tiếc tiền môi giới rồi tìm cách qua mặt không phải là hiếm. Ban đầu, tất nhiên ai cũng thấy buồn, ấm ức, thậm chí cáu giận. Nhưng suy cho cùng, sự đời vốn thế, mình có cáu thì việc vẫn xảy ra, nên chẳng thà vui vẻ, nhiệt tình với khách ngay từ đầu còn hơn. Về sau, khi mình càng uy tín hơn, đôi khi người bán lại là người giữ khách cho mình. Khách muốn deal trực tiếp họ sẽ báo, thậm chí đứng ra nhận rồi gửi lại phần phí môi giới cho mình".
Chị trăn trở, nghề này tuy đúng là "được nhiều hơn mất", nhưng không phải lúc nào cũng dễ dàng. Những câu chuyện như chị vừa kể trên không phải hiếm, ngay cả dân môi giới kì cựu cũng chưa chắc đã tránh được. Giờ đây, sau nhiều lần bản thân mình phải tự trả giá, dưới đây là những bài học kinh nghiệm mà chị đúc kết được:
Đầu tư vào các mối quan hệ
Nhà môi giới này nói rằng: "Môi giới, suy cho cùng là hoạt động trung gian giao dịch bất động sản. Do vậy, đối với nghề này, mối quan hệ là điều quan trọng nhất". Đã bước chân vào nghề này thì phải xác định rằng, cần có mối quan hệ tận tâm và trung thực với khách hàng.
Đôi khi tiếp xúc, sẽ có những vị khách cực kỳ khó tính, không chỉ hỏi nhiều mà còn nhân xét rất ngang tai. Thế nhưng, nếu bỏ qua những điều đó, khi đã thân thiết thì họ trở nên rất dễ chịu. Cũng có khách mãi không chốt mua, nhưng nếu mình chăm sóc tốt cho họ thì một ngày nào đó họ vẫn quay lại. Chị nói thêm: "Mình đã có khách quay lại sau 2 năm mới chốt mua. Họ tìm mãi, tham khảo chán, thấy mình uy tín thì sẽ quay lại thôi".
Chưa kể, khách hàng cũ cũng chính là người PR hiệu quả nhất, dẫn khách hàng mới đến với mình. Thậm chí, có người dù chưa là khách hàng nhưng lại dẫn thêm người quen đi xem nhà đất cùng, cuối cùng cả hai đều trở thành khách. Vì thế, cứ tận tâm, vui vẻ chăm sóc khách hàng, còn việc chốt deal hay không thì là do duyên.
Không có giờ giấc cố định, công việc áp lực
Làm nghề môi giới đồng nghĩa với việc phải quen với lịch trình làm việc bất thường, ngoài giờ hành chính. Khi nào khách rảnh thì minh đi, thậm chí nhiều khi khách rảnh mà mình đang bận việc nhà. Dù thế, chỉ cần khách gọi điện nhờ tư vấn, nhờ dẫn đi xem nhà,... dù là đang làm gì thì cũng phải dứt ra để ưu tiên cho khách.
Chị tâm sự: "Là nữ giới, mình lại chịu áp lực va chạm với khách nam. Khó tránh khỏi nhiều anh thế nọ, thế kia. Nhưng quan trọng vẫn là ở mình. Mình quan sát, đoán ý thấy khách không nghiêm túc là đã xa gần đặt ra ranh giới từ đầu, khách sẽ tôn trọng mình mà không dám lấn tới".
Không thể làm việc một mình
Nhà một giới này nhấn mạnh, đây là một điều rất quan trọng cần lưu ý. Một mình thì chỉ làm tốt một phần việc nào đó thôi, nhưng có đội nhóm thì công việc sẽ hiệu quả hơn nhiều. Với nghề môi giới bất động sản này, sẽ có người mạnh về nguồn cung (người bán), người có thể tìm được nhiều khách hàng tiềm năng, có người lại rất giỏi việc "chốt deal". Vì thế, luôn luôn cần có đội nhóm.
Tuy nhiên, không phải cứ là bạn cũ, người quen cũ có tình cảm gắn bó thì cùng làm đội nhóm. Thực ra, chia sẻ lợi ích hợp lý mới là điều cốt lõi để đội nhóm đoàn kết, gắn bó. Mội khi giải quyết lợi ích hài hòa, mọi người không nhận về mình phần nhiều nhất thì ắt sẽ "trong ấm ngoài êm" thôi.
Chị tâm sự thêm: "Trải qua 5 năm, cá nhân thấy, môi giới bất động sản là một nghề mang lại niềm vui cho cả người bán, người mua, và tất nhiên, cả mình nữa. Ai bắt đầu cũng sẽ thấy muôn vàn khó khăn và rất dễ nản. Khó khăn sẽ là chướng ngại nếu mình coi đó là khó khăn. Còn khó khăn sẽ thành mục tiêu nếu coi đấy là thử thách. Mỗi lần vượt qua thử thách là một lần mình trưởng thành hơn".
(t/h)
Xem thêm: Nghịch lý ở đời: Người giàu nhà to cửa rộng vẫn căng thẳng, kẻ nghèo nhà chật vẫn vô tư
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận