Tình cuối đời – Câu chuyện nhân văn đáng ngẫm
Sau cuộc hẹn, tôi mới thấm thía nhận ra tình cuối đời của mình, đó chính là tình với con với cháu chứ tìm đâu xa.
Con dâu xách giỏ bước ra khỏi nhà còn quay đầu lại nhắc: “Má kho cá nhớ mang ra sân sau nha. Con cả ngày ở tiệm nail ngửi mùi hóa chất về nhà lại ngửi mùi cá kho nữa, chịu sao thấu!”.
Đợi nó đi khuất, tôi lẩm bẩm: “Con dâu mà bày đặt chỉ huy, làm như má tao không bằng. Mai mốt tao đi khỏi cho biết mặt. Con dâu là người cuối cùng ra khỏi nhà, con trai và hai đứa cháu nội đã đi làm, đi học từ sớm”.
Chồng tôi qua đời đã 3 năm nay, hai vợ chồng già có lương hưu nên cũng nhàn nhã. Nhưng nay chỉ còn mình tôi nên mọi thứ khá khó khăn, thằng con trai duy nhất thấy vậy thì kêu tôi về ở với vợ chồng nó. Mang tiếng ở nhờ nhà con nhưng mỗi tháng tôi đều chủ động đóng góp tiền nhà, phụ con cơm nước, hầu hạ hai đứa cháu. Vậy mà con dâu có lúc làm tôi bực mình, khó chịu lắm.
Mà nói, tôi sắp có một mối tình cuối đời. Chiều nay gặp mặt nhau tôi sẽ đưa ra một quyết định lớn lao nếu đồng ý về chung sống với người ấy, ông ấy có nhà cửa sẵn sàng đợi tôi. Con dâu tôi sẽ trắng mắt ra vì cái tội không biết nâng niu, tôn trọng mẹ chồng.
Nói về mối tình cuối đời thì tôi quen qua tìm bạn bốn phương trên báo. Ông Sung và tôi là hai tâm hồn cô đơn, đồng điệu gặp nhau. Ông Sung bất mãn với con cái, tôi thì chẳng ưa gì con dâu, hai chúng tôi trao đổi hình ảnh thấy hợp nhãn nên gọi điện nói chuyện qua lại thân tình thắm thiết. Được thời gian thì cả hai hẹn gặp mặt để tính tới chuyện dìu nhau đi nốt quãng đường cuối cùng.

Chúng tôi hẹn nhau tại nhà hàng Tri Kỷ. Ông Sung năm nay 75 tuổi, không khác mấy so với trong hình vừa gặp mặt là tôi chấm liền. Sau giây phút hội ngộ bối rối, tôi và ông Sung mau chóng thân thiết, vừa ăn vừa trò chuyện. Ông Sung cũng thích tôi, khen tôi trẻ hơn nhiều so với tuổi 70. Tôi mỉm cười bảo: “Em trẻ là nhờ mái tóc mới nhuộm hôm qua đó”. Nụ cười chưa kịp tắt gương mặt tôi liền chuyển sang nhăn nhó vì cơn đau lưng ập đến. Cơn đau từ lưng trên bên phải xuống đến lưng dưới, bác sĩ bảo tôi bị viêm dây thần kinh gì đó. Cơn đau đến rồi đi, chỉ trong 5 -7 phút và tôi phải sống chung với nó suốt đời.
Ông Sung lo lắng hỏi: “Em sao thế?”.
“Chứng đau lưng mãn tính, thường thì đi đâu em cũng mang theo thuốc giảm đau nhưng nay em quên mất”, tôi nói xong liền cập người xuống cho bớt đau. Ông Sung vội đứng dậy đỡ vai tôi, nhưng ông bỗng lạng quạng suýt ngã nếu không nhanh tay vịn vào một cạnh bàn.
Lúc này, đến phiên tôi lo lắng hỏi: “Anh sao thế?”
Ông Sung đành khai: “Anh bị đau hai khớp gối phải đi chống gậy, nhưng chẳng lẽ đi gặp em lại chống gậy thì quê quá nên anh không mang theo”.
Dù đang đau lưng nhưng tôi cũng ráng dìu ông Sung ngồi trở lại ghế cho an toàn. Trong đầu tôi lúc ấy liền nhảy ra bài toán, nếu tôi về sống chung với ông Sung thì phải thường xuyên hầu hạ như thế này. Mà đường dài chưa biết tính nết ông ra sao, không ở được lại vác mặt về với con cháu thì kỳ lắm. Ngay khoảnh khắc ấy, tôi biết mình phải quyết định thế nào cho mối tình cuối đời này rồi.
Tuổi già thật vô duyên, hai người đang hẹn hò lãng mạn thì bệnh hoạn lù lù xuất hiện.
Ông Sung kể: “Anh đã cẩn thận mang theo đủ thứ thuốc nào là cao mỡ, đau bao tử, trào thực quản, tiểu đường,… nhưng quyết không mang theo gậy nên mới ra nông nỗi này”.
Tôi cũng trút nỗi niềm: “Em cũng bị cao mỡ máu, loãng xương, rối loạn tiền đình,… rồi còn cả cườm mắt nữa. Anh có tuổi rồi thì nhớ đi khám mắt hằng năm nhé!”.
“Em cũng nhớ theo dõi huyết áp hằng ngày nhé”
“Anh cũng nhớ đi bộ mỗi ngày cho khỏe nhé”
Thế là tôi và ông Sung bỗng trở thành hai người bạn già tâm sự với nhau chuyện thời tiết trở trời, chuyện ốm đau và dặn dò nhau kinh nghiệm thuốc men. Đến khi không còn gì than thở nữa thì tôi mới giật mình kêu lên: “Ôi trời, đến giờ em phải về nấu cơm chiều cho mấy đứa cháu rồi. Mấy con cá đang chờ em kho tiêu ở nhà”. Dù đang đi hẹn hò tôi vẫn nhớ đến bổn phận, nghĩ đến con cháu vậy mà có lúc sôi máu vì ghét con dâu tôi đã muốn dứt áo ra đi.
Ông Sung nói: “Ủa, mình chưa đi đến quyết định cuối cùng mà”
“Em vội quá quên bảo anh, em đã quyết định rồi…”
Ông Sung nghe vậy thì chặn lời: “Để anh nói trước, anh là người định đoạt trước…”
“Chưa gì anh đã lộ thói gia trưởng rồi, thêm một lý do để em không phải tiếc khi quyết định. Chúng ta dừng lại ở đây nhé!”.
Ông Sung thẳng thừng: “Anh cũng muốn thế vì anh nhận ra em đau lưng kinh niên, nay đau mai đau, rước em về anh lại phải hầu hạ em, chưa kể em còn bị bệnh mắt nữa… lỡ có bề nào thì khổ thân anh”.
Tôi nghe vậy liền tự ái đùng đùng: “Anh trù ẻo tôi đấy hả?.Chưa biết ai phải hầu hạ ai đâu nhé, chân anh đi không vững đó. Nãy dìu anh trở về ghế ngồi tôi mệt hụt hơi, chưa kể tiền anh còn đủ thứ bệnh nền….ai mà hầu nổi”.
Ông Sung cười nhạt bảo: “Anh chỉ lỡ lời lo xa thế thôi, em đanh đá ghê gớm nhỉ, hèn gì tối ngày chê trách con dâu”.
Thấy tình hình căng thẳng tôi vội hạ giọng cho xong câu chuyện để còn kịp về nhà nấu cơm: “Thật may cơn đau lưng của em xuất hiện và chân anh đau đúng lúc, đó là tín hiệu nhắc nhở chúng ta đừng vội vàng quyết định, chúng ta đang già đi mỗi ngày, sức khỏe cũng yếu hơn nếu lấy nhau biết vui hưởng hạnh phúc được bao lâu hay chỉ là gánh nặng cho nhau. Anh có căn nhà riêng thì cứ ở tới khi nào không tự chăm sóc bản thân mình được nữa thì sang tên nhà cho con cái, chúng sẽ lo cho anh, còn em tiếp tục về hầu hạ con cháu mai sau có ốm đau nằm một chỗ ít nhiều gì chúng cũng phải hầu hạ lo cho em. Em đã tìm ra tình cuối đời của mình rồi, đó chính là tình với con với cháu chứ tìm đâu xa”.
Ông Sung cũng “hạ nhiệt” bảo: “Ừ, em nói vậy còn nghe được”.
Về tới nhà, tôi nghe lời con dâu mang nồi cá ra sân sau kho tiêu thật ngon lành. Hơn lúc nào hết tôi thấy mái nhà của con cháu vẫn đẹp vẫn ấm cúng hơn bất cứ nhà ai, dù con dâu có những lúc cãi mẹ chồng, dù con trai có lúc gắt gỏng mẹ ruột, dù hai cháu nội có những lúc làm tôi bận rộn.
Khi chia tay ông Sung ở cửa nhà hàng tôi dặn dò kèm chút mỉa mai: “Anh nhớ ra tiệm thuốc ở góc đường kia mua cây gậy để chống chân đi về cho vững vàng khỏi té nhé!”.
Ông Sung nghe vậy cũng chẳng vừa: “Từ giờ trở đi em đừng nhí nhảnh lên báo lên mạng tìm tình yêu, tìm chồng bốn phương nữa nhé. Lo mà hầu con cháu đi!”.
Tin liên quan
Cuộc giải cứu các cầu thủ nhí Thái Lan vào năm 2018 là một câu chuyện nhân văn về tình người, tình đoàn kết, không phân biệt sắc tộc, giới tính, quốc tịch...
"Hồi đó, khi cậu ấy luôn ăn hết cả thịt lẫn xương con gà, cả đội đều cười cho đến khi biết lý do đằng sau... Tất cả đều cảm thấy hổ thẹn".
“Điều con học được là, đừng quan tâm đến ánh mắt của người khác, hãy sống thật tốt và đi theo con đường riêng của mình...".