Gieo gì gặt nấy – Câu chuyện nhân văn đáng ngẫm
Nỗi hận cha và tổn thương trong lòng các cháu quá lớn, đến mức không thể quên được. Cũng như việc “gieo gì gặt nấy” như một tất yếu không thể tránh khỏi của kiếp làm người!
Cưới được chị tôi, anh rể rất mãn nguyện bởi chị không chỉ xinh đẹp mà còn nổi tiếng nết na, thùy mị, được rất nhiều chàng trai ngấp nghé. Chị vừa đến tuổi cập kê, chưa kịp yêu ai đã bị anh rể “xí phần”. Anh là con nhà giàu, được cưng chiều từ nhỏ nên quen thói muốn gì được nấy. Chàng trai nào mon men tới gần nhà chị là anh kiếm chuyện, cà khịa đòi đánh người ta. Bị anh canh chừng riết cuối cùng chị cũng nhắm mắt “ưng đại” cho rồi. Mà anh đối với chị tôi cũng ga lăng, khéo nịnh lắm nên chị không thể sắt đá làm ngơ.
Làm dâu nhà giàu chẳng hề sung sướng gì. Mấy anh chị em nhà chồng ở riêng, ai nấy đều có phần đầy đủ. Còn anh chị ngoài mấy mẫu ruộng còn thêm cả cái nhà thờ rộng lớn, lau chùi quét dọn đã muốn hết ngày. Mẹ chồng chị lớn tuổi, trái tính trái nết, đau bệnh suốt ngày, một tay chị phải kề cạnh chăm sóc. Làm dâu mới được vài năm chị đã tàn phai nhan sắc.
Chẳng cần đợi đến lúc vợ “xuống cấp”, ngay lúc chị có bầu con bé lớn là anh rể đã ngang nhiên ra ngoài “ăn vụng”, thậm chí còn chẳng nghĩ đến việc “chùi mép”. Cũng đau đớn, hờn ghen, tủi cực,… như bao người khác, nhưng với người đàn bà xuất thân không tương xứng, làm dâu nhà giàu như chị tôi thì tiếng nói lại càng trở nên nhỏ bé, lầm lũi và càng không thể mở miệng phản ứng lại thói hư tật xấu của chồng.

Đến lúc cha mẹ chồng chị mất cũng là lúc ruộng vườn bị bán sạch. Phần vì lo cho cha mẹ bệnh, phần anh đem cho gái ăn hết. Trắng tay, anh về hành chị đủ đường, mở miệng ra là chửi chị ăn hại, không biết đẻ con trai cho nhà chồng. Những lúc anh nhậu xỉn, ba mẹ con chị phải kiếm đường trốn để tránh những trận đòn tàn bạo. Hai đứa con gái thương mẹ bao nhiêu càng hận cha bấy nhiêu, tụi nó đồng lòng xúi chị: “Mẹ ly hôn đi cho đỡ khổ”. Nhưng chị cứ lần lữa lo nghĩ đủ kiểu cho con…
Năm con bé lớn học lớp 11, con nhỏ học lớp 6 chị phát hiện mình bị ung thư tử cung. Trong lúc nhà không có tiền chẳng hiểu sao ông trời lại cho anh rể tôi trúng vé số độc đắc, cứ như thử thách lòng người. Tưởng anh sẽ cho vợ tiền trị bệnh, nào ngờ anh tuyên bố là nhà này đã xuống cấp, rồi ôm tiền đi theo gái. Anh hùng hồn bảo: “Tao còn phải đi xây tổ ấm mới để kiếm con trai”.
Mấy anh chị em tôi thương chị, xúm vào gom tiền lo cho chị trị bệnh. Ai cũng sợ chị suy sụp, nhưng chị bảo phải ráng sống để lo cho con. Chị mạnh mẽ vượt qua bạo bệnh. Nhìn chị thay da đổi thịt từng ngày, mái tóc từng rụng hết do hóa chất nay cũng đã mọc dần ai cũng mừng vì nghĩ căn bệnh đã được đẩy lùi. Nào ngờ được 4 năm, bệnh của chị lại tái phát, cuối cùng chị ra đi khi lòng vẫn đau đáu nỗi lo về các con.
Người đàn ông kia thì biệt tích, chẳng thấy tăm hơi đâu. Hai đứa nhỏ về ở với vợ chồng tôi, anh chị em trong nhà đồng lòng thực hiện tâm nguyện của chị, nuôi nấng các cháu nên người.
Chắc trời cao có mắt, gã đàn ông bội bạc kia lại trở về nhà sau khi bị gái dụ hết tiền bạc. Lúc trước hai con anh con thỉnh thoảng qua nhà thắp hương cho ông bà nội, nhưng từ khi cha trở về chúng chẳng ghé qua đó thêm lần nào nữa. Một mình sống thui thủi, thiếu thốn, khổ sở trong căn nhà xập xệ, chẳng ai biết anh ta nghĩ gì.
Sau này, mấy lần nghe cha bệnh nặng, tụi nhỏ chỉ nhờ người gửi về cho một ít tiền, tuyệt nhiên không ghé đến hay thăm hỏi lời nào. Anh em tôi nhiều lần khuyên nhủ, bảo dù ông ấy đã sai, nhưng vẫn là cha, thì tụi nhỏ khóc, bảo làm sao chúng con có thể quên nỗi đau đớn, cơ cực, buồn tủi mà mẹ chúng đã trải qua.
Chúng còn nói: “Cha tạo ra tụi con dễ ẹt chứ cực khổ gì!”.
Anh chị em tôi cũng oán ghét gã anh rể này. Nhưng chúng tôi vẫn muốn các cháu mình quên nỗi đau mà tha thứ cho kẻ làm cha, để lòng chúng được nhẹ nhàng, thanh thản mà vui sống. Nhưng chúng tôi không thể làm gì hơn, tất cả bi kịch ấy là do gã anh rể tạo ra nên chẳng thể trách được ai. Nỗi hận cha và tổn thương trong lòng các cháu quá lớn, đến mức không thể quên được. Cũng như việc “gieo gì gặt nấy” như một tất yếu không thể tránh khỏi của kiếp làm người!
Tin liên quan
Nghe câu nói của chồng mà tôi uất ức vô cùng. Tôi không ngại làm việc vất vả, nhưng lại buồn và thất vọng vô cùng vì thái độ của chồng.
Đi làm về khuya, vô tình nghe những lời mẹ chồng nói mà mắt tôi cày xè, tôi thấy có lỗi quá vì bấy lâu nay cứ ỷ y vào tình thương của mẹ mà làm những điều không phải...
Chị coi con trai là chỗ dựa tinh thần của mình lúc về già. Thế nhưng, sự thật phũ phàng khiến chị nhận ra rằng, hạnh phúc không phải lúc nào cũng đến từ những điều mình mong đợi.