Bài học làm người - Câu chuyện nhân văn đáng ngẫm
Chúng ta cứ ngỡ mình to lớn có giá trị, nhưng đôi khi chúng ta phải cúi xuống để học những người bình thường mà ta đánh giá thấp này những bài học làm người.
Em than thở với mình: “Em nuôi mẹ mới có 3 ngày trong bệnh viện mà muốn trầm cảm luôn. Em có cảm giác mình như đang ở tù. Đêm nào cũng không ngủ được vì thức canh chừng mẹ đi tiểu…”.
Mình nghe xong không bảo gì, chỉ nhẹ nhàng dắt em xuống khoa Hồi sức tích cực, nơi có khoảng 30 người đang nằm thở máy, dùng thuốc vận mạch liều cao. Không biết có được ai trong số họ sẽ được trở về nhà, ngồi bên người thân ăn bữa cơm chiều với bát canh khổ qua đắng nhặng nhưng ngọt ngào tình thương.
“Đây là chú An, chú nuôi mẹ bị xuất huyết não trên nền bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp cả tháng nay”.
“Chú ngủ ở hành lang này hả chú? Rồi những đêm mưa gió thì sao?”.
“Thì chịu thôi chứ sao, chú đâu có thể để mẹ một mình vậy được. Mấy cô điều dưỡng bận lắm, chăm sóc cho người bệnh không xuể. Chỉ cần mình sơ sẩy thôi là cha mẹ bị lở loét liền”.
Sau đó, mình lại dắt em lên khoa Nội tiết, mình cho em gặp cô Lan, cô đang chăm chồng bị loét chân rất nặng. Vết loét kéo dài từ đùi xuống cẳng, mủ dịch hôi thối.

“Sao cô không thuê người? Cô nằm dưới gầm giường vậy chịu sao nổi?”.
“Nhà tui nghèo lắm. Nghèo nên mới để tới nước này nè!”.
Mắt em đỏ hoe, giọng nghẹn ngào bảo: “Anh đưa em về phòng với mẹ đi. Đủ rồi anh ạ!”.
Trên hành lang hẹp dẫn về phòng, mình và em thấy bé Trúc đang tập đi trên đôi nạng gỗ. Bé Trúc bị đái tháo đường tuýp 1, phụ thuộc hoàn toàn vào insulin. 10 năm nay, bé nhập viện rất nhiều lần, da xanh xao, thân hình gầy gò như có thể ngã bất cứ lúc nào. Mấy hôm trước tưởng bé đã kết thúc cuộc đời mình rồi.
“Em thấy ai cũng khổ anh à. Mình còn may mắn quá phải không anh?”.
Mình cười nói: “Những gì em thấy không phải vậy đâu . Chú An đó không phải là con ruột bà cụ bị tai biến nằm liệt giường, là con nuôi đó. Năm 1975, bà thấy chú bị bỏ rơi cạnh bệnh viện, thương quá nên nhặt về nuôi. Chú An hiện giờ rất giàu, có thể thuê cả chục người chăm mẹ, nhưng không, chú muốn tự tay lo cho bà từng miếng ăn giấc ngủ.
Rồi còn cô Lan đó, lớn lên cổ cũng cưới chồng cho giống người ta, quê tít tận Quảng Ngãi. Ai ngờ chồng sáng chiều say sỉn, đánh đập không thương tiếc. 10 năm trước cổ bỏ đi vào Sài Gòn bán vé số mưu sinh. Những buổi chiều bán ế chẳng biết cầu cứu ai thì cái ông bị loét chân đó dang tay ra mua hết. Ổng cho cổ cái ăn, cái mặc và cả chỗ để ở. Em nghĩ coi, ở cái đất Sài Gòn này dễ gì tìm được một bàn tay ấm nóng ân cần, không để ý đến quá khứ của nhau, luôn thương yêu nhau với tình thương không điều kiện.
Còn bé Trúc, mỗi đêm anh trực đi ngang qua phòng đều thấy bé lần chuỗi hạt. Bé tin Đức Phật luôn đồng hành với mình nên không còn ý định tự tử dẫu cuộc đời bệnh tật thật khốn khó.
Em à, nếu chỉ sống thôi thì có gì hạnh phúc?
Nếu sống an nhàn, hưởng thụ quá đôi khi chúng ta sẽ không hiểu gì về cuộc đời cả. Cuộc đời mỗi người là một kể khổ trầm luân, quan trọng là chúng ta phải tìm ra ý nghĩa mình sống để làm gì thì cuộc đời mới đáng sống. Vì thương, chúng ta trở nên gắn bó. Nhưng chỉ có vì nghĩa chúng ta mới thấy mọi quang gánh đều nhẹ nhàng.
Chúng ta cứ ngỡ mình to lớn có giá trị, nhưng điều đó không đúng đâu em ạ, đôi khi chúng ta phải cúi xuống để học những người bình thường mà chúng ta đánh giá thấp này những bài học làm người”.
Tin liên quan
Phong thủy không cấm nhưng trước khi đặt 3 món đồ này trong nhà bạn nên nghĩ kỹ để tránh ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, tinh thần, thậm chí phá vỡ sự hài hòa của không gian sống.
Chứng kiến cuộc đoàn tụ của mẹ con bà Lý Tĩnh Chi ai cũng xúc động rơi nước mắt. Sau 32 năm ròng rã tìm con mất tích, cuối cùng người mẹ ấy cũng nhận lại được quả ngọt.
Câu chuyện về con gà mái đã dạy chúng ta một điều rằng, những giọt nước mắt rơi trong đám tang không phải là nước mắt đau thương, mà là nước mắt của sự hối tiếc và ăn năn