Trời không phụ lòng người – Câu chuyện nhân văn đáng ngẫm
Trời không phụ người tốt, cả nhà bà Huyền sống tử tế, lương thiện, chăm chỉ làm lụng rồi cũng có ngày thoát khỏi cái khổ.
Bà Huyền lấy chồng năm 17 tuổi, chồng lớn hơn bà 4 tuổi. Cả hai cùng sống chung một làng, gia đình cũng đều khó khăn như nhau. Cha chồng là người Hoa, sang Việt Nam buôn bán thì gặp mẹ chồng, cả hai có với nhau được 2 người con là chồng bà và em trai chồng. Lớn lên, người em theo cha về Trung Quốc sống với mẹ cả. Còn chồng bà thì ở Việt Nam với mẹ, hai mẹ con nương tựa vào nhau.
Sau khi lấy nhau, hằng ngày bà Huyền ở nhà lo cơm nước, lúc rảnh bà dệt chiếu kiếm thêm thu nhập. Chồng bà làm mấy mảnh ruộng và giữ trâu mướn cho mấy chủ nhà giàu. Chắt chiu, làm lụng suốt 3 năm chồng bà mới trả hết nợ do mượn tiền để làm đám cưới và đám tang cho mẹ. Sau 6 năm cưới nhau, 3 người con lần lượt ra đời, 1 cậu con trai và 2 cô con gái. Miệng ăn ngày càng nhiều nên cuộc sống còn nghèo hơn lúc mới cưới. Hai vợ chồng mà chỉ có độc nhất một chiếc quần dài màu đen tương đối lành lặn để dành mặc khi có công chuyện quan trọng hoặc lên tỉnh. Thường ngày, bà Huyền chỉ mặc chiếc quần xà lỏn vá chằng vá đụp ở nhà để dệt chiếu, chồng bà cũng chẳng hơn gì bà với chiếc quần sờn rách phơi lưng ngoài ruộng.
Năm đó, hạn hán mất mùa, cả nhà suốt mấy tháng liền chỉ ăn khoai ngô cho đầy bụng. Đã vậy chồng bà còn gặp nạn, mấy con trâu ông chăn thường ngày rất ngoan, không biết hôm ấy bị gì lại nổi điên dùng sừng móc vào một bên chân, húc ông văng ra một khoảng xa. Vết thương chỗ bắp chân rất sâu, máu tuôn ra xối xả. Mấy người làm gần đó thấy vậy, chạy lại lấy khăn rằn buộc ngang đùi ông để cầm máu. Nghe tin bà Huyền bỏ hết công chuyện, đón đò đưa ông lên nhà thương trên tỉnh để bác sĩ khâu lại.
Vết thương khá nặng nên ông phải nằm lại theo dõi, điều trị vài hôm. Nhưng khổ nổi tiền thuốc men phải trả lên đến 6 đồng 10 xu (1 đồng bằng 100 xu), mà bà Huyền vét hết túi chỉ có được 1 đồng 30 xu. Bà Huyền hết cách bèn đến nhà bà dì ruột duy nhất sống gần nhà thương tỉnh mượn 5 đồng. Bà dì khó chịu nhìn từ đầu đến chân, hỏi nguyên nhân, vặn vẹo đủ điều cả nửa ngày mới đồng ý cho mượn 1 đồng. Đã vậy còn bắt bà Huyền ký giấy nợ trong vòng 1 tháng phải trả lại. Bà Huyền hết cách đành chấp nhận và lăn tay do không biết chữ.
Cầm 1 đồng trong tay mà bà rơi nước mắt. Nhà họ giàu có, lại còn là họ hàng thân thuộc mà lúc khó khăn lại đối xử tệ bạc như thế. Bây giờ còn thiếu 4 đồng, chồng bà biết tính sao đây? Suy nghĩ mãi, cuối cùng bà Huyền đón đò về vay ông hương cả trong làng. Cũng may ông chấp nhận. Mọi việc rồi cũng qua, mùa đông năm đó dịch đậu mùa hoành hành ác liệt, trong làng trẻ nhỏ chết rất nhiều, người lớn thì để lại vết rỗ đầy mặt. May mà trời thương cả nhà bà Huyền không ai bị gì cả.
Mùa xuân năm 1940, cha và em chồng sang Việt Nam thấy con nghèo khổ cũng xót xa. Do quá nghèo khổ, không thể cho con ăn no bụng, nên vợ chồng bà Huyền quyết định đem cô con gái út cho một gia đình ngoài tỉnh nuôi. Nhưng cha và em chồng không đồng ý. Ông đưa cho vợ chồng bà ít tiền để mua bánh trái bán dịp Tết kiếm đồng lời và chứa bài kiếm xâu. Rồi ông cụ lấy hai cái áo lớn (loại áo vải tốt, được may rộng và nhiều lớp để chống rét của người Hoa) đưa cho bà Huyền để bà tháo ra, cắt may lại mấy cái áo nhỏ cho các con mặc Tết. Hôm đưa cha và em chồng ra xe lên Sài Gòn để về Trung Quốc. Em trai thấy anh khổ quá không chịu nổi nên xin cha ở lại để cùng anh chăm lo cả nhà.
Nhiều năm tiếp theo, do cần cù chịu khó ông cùng em và con trai thuê ruộng làm lúa được mùa nên rất trúng, rồi nuôi trâu đẻ bán nghé cũng được giá cao. Hai cô con gái thì ở nhà phụ mẹ dệt chiếu và bán chiếu ngoài chợ. Trời không phụ lòng người, mọi chuyện đều diễn ra suôn sẻ. Vài năm vất cả cả nhà cũng trả hết nợ. Sau đó, vợ chồng bà còn dư dả tiền xây nhà tường, sắm thêm của cải, mua thêm nhiều đất đai để làm ăn buôn bán. Năm cô con gái út 16 tuổi cũng là năm nhà bà Huyền thuộc dạng giàu có hạng trong làng. Đúng là khổ tận cam lai…
Còn dì bà Huyền trên tỉnh, nhà có bao nhiêu của cải đều bị các con trai phá hết, căn nhà đang ở cũng phải đem đi thế chấp. Hết đường, bà đến xin nương tựa vợ chồng bà Huyền. Ông bà rộng lượng chấp nhận và phụng dưỡng bà cụ đến cuối đời.
05/09/1990
Sưu tầm
Xem thêm: Đổi khoai tây lấy bao tải vàng – Câu chuyện nhân văn đáng ngẫm
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận