Không dùng xe công cho việc cá nhân – Những mẩu đời thú vị về nhà báo Nguyễn Phú Trọng
Việc anh lên lớp thế này là do anh nhận lời riêng với khoa mình, là tư cách cá nhân. Mà đã là chuyện cá nhân thì không nên dùng xe công.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng học khoa Ngữ Văn, Khóa 8 tại Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ông tốt nghiệp cử nhân năm 1967 và được phân công về làm biên tập viên của Tạp chí Học tập (nay là Tạp chí Cộng Sản). Tháng 8 năm 1991, ông giữ chức Tổng biên tập Tạp chí.
Nhà giáo Nguyễn Hùng Vĩ, cựu sinh viên khoá 18 (1973-1977) khoa Ngữ văn, khi đang là giảng viên bộ môn Văn học dân gian thì được phân công sang làm trợ lý công tác sinh viên của khoa. Cũng nhờ việc này, anh có dịp được tiếp xúc và làm việc với nhà báo Nguyễn Phú Trọng, khi đó là Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản. Anh kể:
Tớ từng chở ông cụ (nhà báo Nguyễn Phú Trọng) đi vào khoa mình dạy suốt 2 năm, đó là năm 1990 và 1991. Lúc đó tớ chưa có xe máy nên ngày ngày vẫn đi xe đạp đi làm. Khoa Ngữ văn khi đó giảng dạy cho sinh viên một chuyên đề về báo chí có tên là Nghiệp vụ báo chí. Chuyên đề này trước đây là do cố nhà báo Quang Đạm, nguyên ủy viên Bộ biên tập báo Nhân Dân đứng lớp. Một thời gian sau cụ Quang Đạm vào TP.HCM thăm họ hàng và bạn bè thì không tìm ra ai để dạy nữa.
Một hôm, Phó giáo sư Bùi Duy Tân nói với tớ rằng: “Anh Phú Trọng, Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, từng viết một cuốn sách tên là "Nghiệp vụ viết báo". Bây giờ Vĩ ra gặp, mời anh Trọng về dạy xem có được không?”.
Thế là tớ ra gặp và được anh Phú Trọng bảo: “Được trở về phục vụ khoa ta thì còn gì bằng nữa, anh sẵn sàng!”
Anh còn mời cất lời mời tớ: “Em cứ chủ động ra sớm, ăn cơm cùng anh chị để vào trường cho kịp giờ giảng, đỡ lo nấu”. Bởi anh biết vợ tớ bận đi làm, không về trưa, nhà chỉ có thằng con nhỏ 3 tuổi thì đem gửi nhà trẻ nên cũng là cảnh buổi trưa "cơm nguội”…
Từ đó, mỗi tuần cứ 2 buổi, tớ lại đạp xe ra phố chở anh Phú Trọng vào Thượng Đình để anh lên lớp. Khi ấy, lớp ở tầng 4 nhà Liên hợp, nhìn thẳng sang nhà máy Thuốc lá Thăng Long. Giờ học buổi chiều lúc đó quy định vào lớp là 12h30 nên 11h tớ đã phải ra phố Nguyễn Thượng Hiền để đón anh. Thi thoảng tớ ăn cơm cùng anh chị do vợ anh, chị Mận nấu, xong mới chở anh đi.
Lần đầu thấy tớ chưa kịp ăn trưa nên anh bảo: "Vào đây ăn cơm cùng anh chị rồi ta vào trường cho kịp giờ". Lúc ăn cơm, tớ cũng khéo léo hỏi anh chuyện phương tiện đi lại về lâu dài xem thế nào thì anh nói luôn: “Việc anh lên lớp thế này là do anh nhận lời riêng với khoa mình, là tư cách cá nhân. Mà đã là chuyện cá nhân thì không nên dùng xe công (lúc này Phó tổng biên tập Tạp chí đã có xe riêng, vì ngang cấp Phó Ban của Trung ương Đảng - NV)”.
Từ đó, tớ chở anh Phú Trọng bằng xe đạp suốt cả “Chuyên đề báo chí” với 70 tiết mỗi năm và kéo dài như vậy 2 năm liền. Một tuần 2 buổi, mỗi buổi 3 tiết, đến tận năm 1991, anh Phú Trọng vẫn giảng dạy.
Sau này, khi đã ở cương vị Chủ tịch Quốc hội, ông Nguyễn Phú Trọng vẫn giữ phong cách đó, công tư phân minh. Đi dự họp lớp hồi đại học, không khi nào ông đi ô tô. Ông đi nhờ xe do các bảo vệ chở, chứ không phải bắt xe ngẫu nhiên ở ngoài đường.
"Có lần, qua trợ lý Nguyễn Huy Đông, tớ báo rằng ông Nguyễn Tiến Hải, nguyên Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, bạn thân của ông Nguyễn Phú Trọng ốm. Ông Nguyễn Phú Trọng công tác ở miền Nam ra biết tin liền đến thăm ông Hải ở bệnh viện bằng xe ôm do bảo vệ chở chứ không dùng xem công. Trước đó, Tết nào ông cũng đến thăm ông Hải bằng xe ôm" - nhà báo Vũ Lân, đồng môn với chúng tôi kể.
Những câu chuyện thú vị và đầy ý nghĩa mà những người bạn, những người đồng môn kể lại liên quan đến nhà báo Nguyễn Phú Trọng thật giản dị và cảm động, cho thấy quan điểm rành mạch chuyện công - tư và cũng rất nguyên tắc của một nhà báo sau này trở thành Tổng bí thư của Đảng.
Theo Vietnamnet
Xem thêm: Nhìn lại những phát ngôn sâu sắc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận