Ông nội ghét uống sữa – Câu chuyện nhân văn cảm động
Ông nội nói không thích uống sữa, mấy hộp sữa cháu nội đem sang ông đều trả lại. Ông bảo: “Cháu mang về uống cho khỏi phí, từ lần sau mua gì cho ông phải hỏi ông”.
Tính ông nội là vậy, luôn tự làm theo ý mình nên con cháu trong nhà muốn chăm sóc ông cũng ngại. Rất ít khi ông nội chủ động nói ông cần gì, muốn gì. Còn con cháu mà tự ý mua đồ về biếu kiểu gì cũng bị ông chê.
Lần đó, dịp sinh nhật, cháu nội mua tặng ông chiếc áo len màu xanh rêu. Chiếc áo dày dặn, được đan bằng lông cừu mềm mại, nhẹ mà ấm lắm. Cháu chắc mẩm chiếc áo này ông sẽ thích lắm, có nó ông sẽ được ấm áp vào mùa đông năm nay. Thế mà khi mở quà ra ông liền lắc đầu bảo: “Cái áo này màu trẻ trung quá ông thấy không hợp lắm, thôi cháu cứ đem về mà mặc”.
Bỗng dưng bị dội gáo nước lạnh, mặt cháu nội liền xị xuống. Tiếc cái áo đẹp và khá mắc tiền cháu mang về nhà mặc, lòng giận ông lắm. Nhưng rồi cháu cũng tự an ủi, chắc chiếc áo này không hợp gu ông thật. Thế là cháu lại kỳ công đặt một chiếc áo khác, thế mà ông vẫn không thích, bảo cháu mang về dùng.
Không chỉ có mình cháu mà mấy anh chị em trong nhà cũng đôi lần bị ông “phũ” như vậy. Ông nội mắc bệnh tiểu đường nhiều năm nay, ăn uống phải kiêng khem chú ý. Sợ ông đuối sức, cháu ngoại đặt từ nước ngoài về biếu ông một hộp hồng sâm. Thay vì cảm kích ông lại lên giọng mắng cháu tốn kém, lãng phí, không biết chi tiêu với cả người già thì không nên uống sâm. Rồi ông lại đêm hộp hồng sâm cho cháu ngoại cầm về.
Lần khác, cả nhà thấy ông chẳng mấy khi có cơ hội được đi du lịch xa bèn rủ nhau lên tour, định bụng đưa ông đi resort nghỉ dưỡng mấy ngày cho khuây khỏa. Ngờ đâu vừa nghe ý tưởng ông dẹp luôn. “Chẳng đâu thích bằng ở nhà. Đến resort rồi cũng nằm đó ngắm mấy cây dừa với mấy bãi cỏ xanh. Những thứ đó, cần thì ông ra công viên gần nhà là có, hoặc xem tivi cũng được, đi làm gì cho tốn kém”, ông bảo thế. Nghe lý lẽ của ông con cháu đều ngán ngẩm lắc đầu“chào thua”.
Ông lúc nào cũng nhắc con cháu: “Phải năng nhặt chặt bị. Mình là con nhà lính, cấm có tính nhà quan. Phải biết tiết kiệm chi tiêu”. Ông bảo các cháu, đi làm kiếm tiền, kiếm được 10 thì chỉ được tiêu 6, 7 thôi. Phần còn lại phải dành dụm dắt lưng, nhỡ có chuyện gì xảy ra còn có chỗ mà dựa vào. Các cháu nhìn nhau, trong lòng cũng thầm hiểu những tháng năm gian khó đã ăn sâu vào cách nghĩ, cách sinh hoạt của ông nội.
Cho tới đợt vừa qua, ông nội bị một trận ốm, người gầy đi thấy rõ. Cháu nội thấy vậy thương ông, mua sữa ngoại đến cho ông tẩm bổ. Sợ ông lại tìm cách thoái thác, cháu pha một cốc, mang tới tận giường, giục ông uống xong mới đi về. Đang lúc mệt, uống cốc sữa ấm cũng làm ông cảm thấy dễ chịu hơn nên sau đó, ông nằm xuống, ngủ được một giấc dài.
Thế mà chỉ mấy hôm sau, ông đã gọi cháu đến để trả lại lon sữa và dặn từ nay không cần mua gì cho ông. Ông bảo: “Cần gì, muốn gì ông sẽ tự mua. Ông không thích uống sữa, cháu đem về mà uống, ông thấy cháu cũng xanh xao, gầy gò lắm đấy”.
Ông nói thế thì cháu đành phải nghe theo. Nhưng rồi, vô tình cháu phát hiện ông nội lại tự đi cửa hàng, âm thầm tìm mua đúng loại sữa mà cháu đã tặng ông. Thì ra, ông không muốn phiền đến con cháu và càng không muốn con cháu phải tốn tiền vì mình nên mới nói vậy. Ông có tiền lương hưu, ông muốn tự mua sữa cho mình. Tiền của con cháu ông không muốn tiêu vì ông nghĩ con cháu ông hãy còn nghèo, còn nhiều khoản phải chi tiêu lắm.
Chiều đó, nhìn thấy ông nội chầm chậm bước trên đường, tay cầm hộp sữa mà cháu thương ông thật nhiều. Cả đời ông đã hy sinh cho con cháu. Đến cuối đời, ông cũng không muốn con cháu phải vất vả vì ông
Xem thêm: Không thương ba mẹ mình thì thương ai? – Câu chuyện đáng suy ngẫm
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận