Ông bố “thích” nằm viện – Câu chuyện nhân văn đáng ngẫm
Từ ngày mẹ mất, bố dù chẳng ốm đau gì bịa ra bệnh để nằm viện điều trị dăm bữa, nửa tháng khiến cuộc sống con cháu đảo lộn theo.
“Bố lại đi nằm viện điều trị theo chế độ bảo hiểm rồi đấy chị. Lần này bố bảo đi chừng nửa tháng mới về”, nghe cậu em trai báo tin chị lại thấy bực bội trong lòng. Mẹ chị bị ung thư, sau 2 năm chiến đấu với bệnh tật thì mất. Trong những ngày tháng cả nhà cùng mẹ chiến đấu với căn bệnh hiểm nghèo, chị hiểu hơn ai hết tình cảm của bố dành cho mẹ sâu nặng đến mức nào. Bố luôn nói với 3 đứa con rằng: “Cả đời mẹ đã hy sinh cho gia đình mình quá nhiều, bố chưa kịp bù đắp lại cho mẹ thì mẹ đã ra đi”.
Bố là bộ đội xa nhà, cưới vợ xong, hết ngày phép, bố quay lại đơn vị, mọi việc trong nhà từ chăm sóc con cái, phụng dưỡng bố mẹ già đều mình mẹ quán xuyến. mỗi năm bố nghỉ được 2-3 lần, mỗi lần vài ngày, rồi lại đi biệt cả năm trời. Chị và hai em trai từ nhỏ đã được bố mẹ rèn luyện thích ứng với việc lớn lên trong hoàn cảnh sống xa bố quanh năm, tự lập trong sinh hoạt và học hành, chăm sóc lẫn nhau và cùng mẹ phụng dưỡng ông bà già yếu.
Cứ thế, mẹ mải miết hoàn thành trách nhiệm dâu thảo với bố mẹ chồng cho đến ngày ông bà khuất núi. Mẹ cũng làm tốt vai trò người mẹ, người vợ khi thay chồng nuôi nấng, dạy dỗ ba đứa con ăn học đến nơi đến chốn. Bây giờ chị và hai em trai đều có công ăn việc làm ổn định, có gia đình nhỏ của riêng mình.
Đến ngày bố chị về hưu mẹ mới được thảnh thơi một chút. Biết mẹ vất vả nên ông dồn hết tình thương bao năm xa vắng bù đắp cho lại cho vợ. Ông chăm sóc, chiều chuộng bà hết mực khiến ai nhìn vào cũng tưởng vợ chồng son. Nhưng chưa hưởng hạnh phúc được bao lâu thì mẹ phát hiện ra bệnh hiểm nghèo. Đối với bố đó là cú sốc lớn, bởi những gì ông định bù đắp cho vợ vẫn còn chưa thực hiện được bao nhiêu.
Những ngày cuối đời, mẹ cũng trăn trở nhiều vì không nỡ rời cuộc đời này trước ông. Bà vẫn luôn bảo sau này nếu trời gọi về với tổ tiên thì mong để mình đi sau ông, để là lo cho ông xong xuôi thì đã đi, bà sợ ông ở lại một mình không có người bầu bạn, chăm sóc. Dù có con cháu đầy đủ nhưng xưa nay người ta vẫn có câu “con chăm cha không bằng bà chăm ông”. Thế là những ngày bệnh trở nặng, bà lúc nào cũng thủ thỉ bảo ông sau này nếu còn sức khỏe thì tìm một người phụ nữ thay bà bầu bạn, chăm sóc ông trong chặng đường cuối đời. Bà chẳng ghen tỵ hay hờn trách gì đâu, bởi ông sống tốt bà mới an lòng. Chị và hai đứa em trai nghe xong cũng quặn lòng trước tình cảm của bố mẹ.
Sau ngày mẹ chị mất, bố chới với trong cuộc sống. Vợ chồng em trai sống cùng rất quan tâm, chăm sóc ông nhưng chẳng thể bù đắp được khoảng trống mà bà để lại. Qua thời gian, chị sinh thêm con thứ 2 nên bận tối mắt tối mũi với bọn nhỏ. Đứa em trai út thì công việc chủ yếu ở nước ngoài nên đi đi về về không có mấy thời gian chăm bố. Em trai thứ hai thì mở rộng kinh doanh nên bận bịu hơn trước nhiều. Ai cũng mải miết với cuộc sống, công việc và gia đình riêng nên dần dà cũng quên dần sự quan tâm đến bố.
Một ngày, bố chị đổ bệnh, bác sĩ bảo là bệnh người già, chỉ cần con cháu quan tâm đến đời sống tinh thần của ông một chút là ổn. Lần đó, bệnh viện cho ông nằm viện điều trị theo chế độ “an dưỡng” cùng với mấy bác thương binh. Sau khi đi viện về, bố chị có vẻ khỏe hơn về tinh thần. Thế rồi cả nhà chẳng biết ông nghĩ ngợi thế nào mà ra viện được 2 tháng ông lại kêu mệt đòi xuống nằm viện theo chế độ bảo hiểm. Ban đầu, chị và em trai cũng lo lắng sức khỏe bố có vấn đề nên dẫn ông đi khám, kiểm tra tổng quát. Bác sĩ bảo bệnh của ông không nặng, chỉ là bệnh vặt thôi không cần nằm viện điều trị, nhưng nếu bệnh nhân muốn được nhập viện để điều trị an dưỡng thì cũng được. Bố chị là bộ đội về hưu, lại có chế độ thương bệnh binh nên nằm viện điều trị được chăm sóc chu đáo, người nhà không phải lo lắng nhiều về viện phí. Nói là vậy nhưng mỗi lần nghe tin bố đi nằm viện là chị và hai đứa em lại lòng như lửa đốt. Dù mọi sinh hoạt đều có người phụ trách, con cháu chỉ chạy ra chạy vào động viên tinh thần ông nhưng nó cũng làm cuộc sống của chị và hai em trai đảo lộn không ít. Còn bố chị thì ngày càng thích nằm viện hơn, cứ dăm ba hôm lại cố tình trầm trọng hóa các triệu chứng lên để được nằm viện.
Chị tâm sự thì mấy cô y tá bảo lý do bố chị thích nằm viện là bởi vào đây vừa nhận được sự chăm sóc của đội ngũ bác sĩ, lại vừa có bạn bè điều trị cùng phòng tâm sự chuyện trò, rồi còn được con cháu quan tâm lo lắng. Nhờ đó, ông vơi bớt nỗi buồn, sự trống vắng khi vợ mất.
Dù biết bố thích nhưng chị không thể để bố lấy bệnh viện làm vui mãi như thế này được. Nhớ trước khi mẹ mất cứ nhắc nhở chị em chị sau này tìm người kề cạnh chăm sóc bố, khi ấy chị nghĩ bà lo cho ông nên mới nói vậy. Chứ ông già rồi, đèo bòng ở tuổi này chỉ khổ thân chứ sung sướng gì. Nhưng giờ ngẫm nghĩ lại chị lại thấy đó là phương án hợp lý thế là chị gọi điện cho vợ chồng hai đứa em trai bàn bạc với chúng về chuyện tìm bạn tri kỷ sống già với bố. Thôi thì, thuận theo tâm nguyện của mẹ chị “con chăm cha không bằng bà chăm ông”, họ sẽ giúp bố có niềm yêu thích vui sống tuổi già trong ngôi nhà thân yêu thay vì “thích” vào bệnh viện như thế này.
Xem thêm: Hoạn nạn mới biết chân tình – Câu chuyện nhân văn đáng ngẫm
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận