Như mây mùa hạ - Câu chuyện xúc động khiến ai đọc cũng thấy nghẹn lòng

“Như mây mùa hạ” là câu chuyện về tình cảm gia đình, tình cha con, tình anh em khiến người đọc cảm thấy nghẹn lòng, chua xót.

Diệu Nguyễn
05:00 12/03/2022 Diệu Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Câu chuyện “Như mây mùa hạ”

Mẹ đang hái rau ngoài vườn bỗng té nhào. Mẹ ra đi như mây mùa hạ, nhẹ nhàng bay.

Cha già hơn, khắc khổ hơn khi phải loay hoay trong nghèo khó để nuôi ba cậu con trai. Cha ăn lộn cả ngày ngoài sông, bắt từng con hến đổi lấy gạo. Sục mình trong nước cả ngày,chiều về chưa kịp thay bộ đồ ướt đã vội nhen bếp nấu cơm.

Thím Hân xóm bên lở thì, người gầy nên hơi xanh Thím tử tế, luôn nhìn người đàn ông đối diện bằng ánh mắt đề phòng, nếu ai đó nhanh ý sẽ hiểu thím không muốn ai bước qua ngưỡng cửa ngôi nhà nhỏ gần mép sông.

Cha đi cào hết, mỗi bận xe xẹp ba hay vô nhà thím mượn đồ bơm. Trò chuyện nhiều lần, cha thấy cảm mến người đàn bà này.

Nhu-may-mua-ha-Cau-chuyen-xuc-dong-khien-ai-doc-cung-thay-nghen-long-1

Năm nay, lần giỗ thứ ba của mẹ. Cha thắp nhang xin phép mẹ đưa người đàn bà khác về thắp lửa cho ngôi nhà thiếu hơi ấm, thiếu tiếng người đã lâu. Nghe vậy, anh Hai hét lớn: “Nhà này là của mẹ con! Cha là cha của chúng con, con không cho phép một người đàn bà nào bước vào gian bếp của mẹ hết!”

Nhìn ánh mắt trách hờn và phẫn nộ của anh Hai, cha quay mặt lặng im. Cha đã tuổi xế chiều, một người đàn ông 68 tuổi quần quật tối ngày thì còn khỏe mạnh gì cho cam mà đòi lấy vợ. Tôi hiểu và biết chủ ý tốt của cha nhưng anh Hai thì không. Ánh mắt anh đã làm thay đổi ý định của cha.

Cư thế, cha lại lủi thủi một mình, cuộc sống của cha là những ngày ngâm mình trên sông, là chợ búa cơm nước, những ly chè đặc quánh mà cha phải tự nấu nước để pha, là những đêm trở mình, những tiếng thở dài, những liều thuốc giảm đau,…

Anh Hai tốt nghiệp phổ thông, học đại học, lại học sau đại học, rồi sang Úc. Anh hiện giờ là giảng viên của một trường đại học. Anh lấy vợ, cha đón xe vô phố chúc mừng. Người chủ hôn là thầy hiệu trưởng trường đại học mà anh đang công tác. Cha mừng tân hôn của anh Hai, dốc từng ngụm rượu, đắng lòng,…

Anh đưa ba đi mua một chiếc điện thoại cũ, dặn là có việc gì cần con sẽ chủ động gọi, cha đừng gọi cho con vì công việc không tiện nghe. Cha nghe vậy mỉm cười nhất trí…

Em Tuấn lên lớp 9. Tôi quyết định gấp sách khi học hết 11. Ba nói hết lời, tôi vẫn bỏ học với lý do: “Con thích kiếm tiền hơn kiếm chữ!”

Ngày ngày, hai cha con cùng lăn lộn. Có cha có con công việc cũng bớt nhọc nhằn. Mùa mưa, cái lạnh căm căm cũng ấm bởi những tiếng cười từ mấy câu chuyện tào lao, tầm phào. Mùa nắng, phơi mình trên sông, hai cha con bị nắng ăn đen nhỏ. Cha xót con, len lén chùi nước mắt, tếu táo nói: “Người ta nói cha nào con nấy là trật lất. Cha già vì năm tháng, con thì già háp!”.

Thằng Tuấn hết trung cấp công nghệ liền đăng ký xuất khẩu lao động bên Hàn. Hai cha con lại cố làm nhiều hơn để hoàn tất thủ tục cho em. Hằng tháng, cha nhận được tin nhắn của anh Hai và em Tuấn. Nào là “Chúng con đã có nhà riêng”, rồi “Con trai của chúng con thật đáng yêu, bụ bẫm”, rồi thì “Con đã là trưởng khoa”,… và cả “Con được tăng lương rồi, cũng đủ sống dù mức sống ở bên này cao lắm”.

Mỗi lần đọc xong một tin nhắn cha lại mỉm cười.

Nhu-may-mua-ha-Cau-chuyen-xuc-dong-khien-ai-doc-cung-thay-nghen-long-3

Cha đưa thím Hân về, tôi lễ phép gọi thím là mẹ, cha dặn tôi đừng báo tin này cho anh Hai và em Tuấn.

Từ ngày có mẹ mới, ngôi nhà cũng trở nên ấm áp hơn. Đồ đạc của cha được giặt là cẩn thận, những cúc áo sứt chỉ mẹ tỉ mỉ ngồi vá trong đêm, mỗi sáng cha đều có tách trà ấm bụng. Buổi chiều, cha đi làm về, mẹ dịu dàng xoa lưng, bóp tay chân, tỉ tê nói chuyện. Thấy cha có người đỡ dần, chia ngọt sẻ bùi tôi cũng cảm thấy ấm lòng.

Cái già sầm sập kéo đến, cha bị bệnh liên miên. Cha nằm viện, mẹ túc trực bên cạnh. Một mình tôi cào hến, lang thang nơi xưởng cưa, kho thóc để bốc vác, ai kêu gì tôi làm nấy.

Mỗi bận anh Hai gọi điện về, cha bảo: “Cha vẫn khỏe, cả hai cha con cùng ra sông cào hết, vừa làm vừa nói chuyện nên cũng không thấy mệt. Con không phải lo gì cho cha, đừng gửi tiền về, thành phố giá cả đắt đỏ, con hãy lo cho vợ con của mình là được rồi!”. Em Tuấn gọi điện về than vợ sinh con, một mình vừa làm vừa nuôi hai mẹ con vất vả biết bao. Cha nghe vậy liền bảo: “Ráng…cha vẫn khỏe. Thôi, tắt máy đi, gọi quốc tế tốn kém lắm, để tiền mà mua sữa cho con”.

Tôi thầm thương trộm nhớ cô Thoa xóm bên. Cả hai cũng muốn nên duyên vợ chồng, nhưng dạo này từ khi cha bị bệnh tôi cũng chẳng có thời gian đến thăm nàng. Với tôi, chuyện yêu đương coi như gác lại vì thời gian đâu mà nhớ nhung, tiền bạc đâu mà cưới xin,…

Dạo này cha hay nhắc anh Hai, anh chơi cờ tướng giỏi mà cha cũng thích món này. Hồi anh ở nhà, cha hay bắt anh chơi cùng, dù anh chỉ muốn bắn ná, chơi đánh đáo với bạn. Từ ngày anh ra phố, cha hay lấy bàn cờ ra ngồi nhìn thất thần, cha đóng cả vai đối thủ ngồi chơi cờ một mình. Tôi thương cha nên tập tành chơi cờ. Thế nhưng tôi chậm, đánh cờ không lanh. Không khổ gì bằng đánh cờ mà không có đối thủ xứng tầm. Cha than thở rồi bảo: “Chờ khi nào thằng Hai về, phải thử xem nó lên cờ không?”

Cha bệnh nặng nên chỉ loanh quanh trong nhà. Đến khi chỉ còn nằm một chỗ, cha bảo tôi gọi kêu anh Hai với em Tuấn về. Anh Hai nhăn nhó: “Đừng điện nữa, đã nói để anh chủ động mà. Công việc lu bu sao mà về chơi được mà về!”. Em Tuấn thì than: “Em cũng muốn về lắm, nhưng mỗi lần về là tốn 2000 đô. Bên này em làm nhiêu ăn nhiêu, lấy chi mà về?”

Đêm đã khuya, ngoài trời không một ngôi sao, tiếng ếch nhái râm ran, tiếng con ễnh ương nghe khắc khoải. Cha gọi tôi đến gần bảo: “Cha tính thế này nhé! Con lấy vợ đi, ba mới an lòng!”

Linh tính báo cho tôi một điều chẳng lành, dù hiểu ý ba song tôi đánh trống lảng: “Con không thích lấy vợ, không thích vướng bận chuyện nữ nhi thường tình!”

Cha lắc đầu: “Cha biết con và cái Thoa có tình ý với nhau. Cha sẽ nói mẹ con sang nhà, lễ nghĩa đón nó về làm dâu, con có vợ cha mẹ mới có cháu để ẵm bồng chứ!”

Biết không thể ậm ừ cho qua, tôi đành ngậm ngùi khai thật: “Cha bệnh, nhà chạy ăn từng bữa thì tiền đâu mà sang hỏi?”

Cha cười: “Con yên tâm, cha tính hết cả rồi. Anh và em con đều có việc làm, nơi ăn chốn ở ổn định nên chúng nó chẳng về cái xứ đất không nuôi nổi người này nữa đâu. Cha đã bán một nửa đất vườn, gửi tiết kiệm cũng đã mấy năm, đủ cho con lấy vợ với có ít vốn để làm ăn với thiên hạ!”

Một hôm, tự dưng cha kêu muốn chơi cờ để xem tôi có lên tay hay không. Tôi hơi kinh ngạc trước niềm tin này của cha, bụng thì cứ lo lo nhưng cũng ngoan ngoãn ngồi chơi cờ với cha.

Đi hai nước cờ, cha bỗng lấy tay sờ lên ngực, mặt nhăn nhó đau đớn, đỏ ngầu rồi tím tái. Rồi ba đi, cũng nhanh như một cơn lốc.

Nhu-may-mua-ha-Cau-chuyen-xuc-dong-khien-ai-doc-cung-thay-nghen-long-2

Chiều, tôi tê tái ngồi trước một cha, nhớ tới anh Hai và em Tuấn. Tôi òa lên khóc nức nở như một đức trẻ.

Nghĩ mà tôi giận lắm, lúc cha mất tôi không làm như thường lệ là nhắn tin hỏi xem anh Hai có bận gì không rồi mới gọi, trong lúc rối bời tôi gọi trực tiếp cho anh Hai. Mãi đến cuộc gọi thứ 7 anh mới bắt máy, giọng gắt gỏng: “Có chuyện gì thì để tối hẳn gọi, giờ anh đang đứng lớp!”. Gọi cho em Tuấn, em bắt máy hỏi có việc gì không, tôi bối rối nói: “Em thu xếp về nhanh với cha nghen”, em lại rầu rĩ nói: “Đợt trước em thu xếp tính về rồi nhưng vợ con lại đau bệnh, cảnh nhà khốn khó, tiền đâu mà về hả anh?”

Khóc vật vã một hồi, lúc bình tâm tôi đưa mắt nhìn sang mẹ Hân. Mẹ đang ngồi, tẩn mẩn vuốt từng nắm cát bên mộ ba như đang ngồi xoa bóp mỗi khi cha đi làm về mệt.

Tôi dụi mắt nhìn lên bầu trời, trên không xa xa bầu trời như mây mùa hạ nhẹ nhàng bay…

Xem thêm: Bài học đắt giá từ câu chuyện của nhà hiền triết

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận