"Dì nhỏ" của thằng cháu lớn – Câu chuyện nhân văn đáng ngẫm

Nhìn Hưng với Thùy hạnh phúc như vậy, phận là dì nhỏ tôi mừng lắm, tôi thiết tha hy vọng vào ngày mai. Ngày mai dù có mưa dông nhưng chắc chắn sau đó sẽ là nắng đẹp.

Diệu Nguyễn
5 ngày trước Diệu Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Hưng gọi điện, giọng nghiêm túc: “Dì nhỏ, giúp anh lần này đi. Mẹ chồng nàng dâu có khi nào êm đềm được đâu, vợ anh lại mỏng manh thế, khi anh về khéo nhà còn trơ nền đất”.

Tôi phù cười: “Hỗn láo nhỉ, dám xưng anh với dì!”.

Tôi là dì của Hưng, dì ruột chứ không phải dì họ. Mẹ tôi, chẳng hiểu vì cơ duyên gì mà khi đã có tới 5 đứa cháu ngoại lại bất ngờ mang thai. Tôi ra đời, dủ nhỏ nhất nhưng vẫn là “bề trên” của 5 đứa trẻ, đứa lớn tuổi nhất khi ấy vừa lên 6, đứa nhỏ nhất vừa tròn 2 tuổi.

Tôi ra đời, không chỉ được các anh chị trong nhà cưng chiều mà còn được đám cháo bảo vệ kín kẽ. Thử làm tôi không vui xem, thử làm tôi cáu xem, đố đứa nào dám đấy!

Trong đám cháu, tôi chơi thân nhất với Hưng. Thằng Hưng như người anh cả chăm lo cho em út. Buổi sáng đi học, mắt tôi nhắm hít, dép còn không mang, ngất nga ngất ngưởng. Thằng Hưng liền quăng cặp sách của tôi cho một đứa cháu, dép thì một đứa khác cầm, còn nó thì cõng tôi trên lưng để tôi được ngủ thêm một chút. Có hôm tôi quên rửa mặt, mẹ còn dúi vội cái khăn lau vào tay một đứa cháu khác…

Sau này xa nhà đi học, Hưng vẫn luôn thư từ cho tôi, thấy món gì ngon nó cũng mua gửi về cho dì nhỏ. Tháng lương đầu tiên, Hưng cũng dành ra một phần để mua quà cho tôi. Em gái Hưng còn so bì, không biết nó với dì nhỏ, ai mới là em ruột của Hưng. Bố mẹ tôi bắt đầu có tuổi, anh chị tôi – bố mẹ Hưng nói, anh chị sẽ lo cho tôi như con cái trong nhà.

Hưng cười: “Vậy con được anh dì nhỏ đúng không?”

Bố Hưng liền quát: “Đừng có hỗn nghe mày, xưng hô cho đàng hoàng coi!”.

Ra đường vai vế của chúng tôi khá buồn cười nên Hưng thường gọi tôi là dì nhỏ, bình thường xưng con, nhưng khi hứng lên nó lại xưng anh. Người ta còn nghĩ tôi là em vợ Hưng.

Tôi chẳng hiểu Hưng đi xa về gần, trong nước ngoài nước đều đã từng, thế mà đến tuổi lại quay về nhà lấy vợ quê. Thùy – vợ Hưng, là người làng trên, một cô gái dịu dàng, hiền lành, chịu thương, chịu khó. Hồi ở làng, nghe nói Thùy đã có người yêu tên Khôi, cậu trai cùng làng. Tôi biết Khôi, ngày nhỏ tôi hay bị cậu ta trêu và bắt nạt, Hưng với đám cháu của tôi có đánh nhau vài lần với Khôi. Thùy cũng vài lần mắng Khôi để bênh tôi, còn cho tôi ổi với táo nhà cô ấy trồng. Không hiểu sao một người hiền lành như Thùy lại đi yêu một kẻ ngang tàng như Khôi. Nhưng tôi lại càng không ngờ quay đi ngoảnh lại, Thùy lại về làm dâu nhà tôi. Khi ấy, tôi đi học xa nên cũng không hiểu lắm chuyện ở làng, không biết vì sao Khôi và Thùy lại chia tay nhau, rồi Thùy lại quen Hưng.

Hôm Hưng cưới, tôi không ở trong nước. Hưng thấy vậy thì hỏi tôi: “Dì nhỏ cố tình không về đúng không?”. Thấy tôi gật đầu, Hưng im lặng một lát rồi nói: “Hồi nào dì nhỏ rảnh, con nói chuyện với dì sau. Dì đừng ghét bỏ Thùy, mẹ con không hiểu chuyện nên mới không thích Thùy, dì thì khác”.

Tôi hừ mũi, Hưng xưng con là tôi biết nó nghiêm túc với chuyện này. Tôi thở dài, mẹ chồng nàng dâu nhà này chắc khó hòa thuận, chưa kể mỗi lần chị tôi ra đường lại nghe người ta xì xào “con dâu bà ấy là dâu hụt nhà kia…” thì cũng phiền thật.

Đợt này, chị gái tôi từ quê vào chữa bệnh, trùng hợp là Hưng lại nhận công trình ở xa. Bệnh của mẹ không thể không chữa, công việc lại chẳng thể bỏ, cũng không thể con trai có nhà có cửa lại để mẹ đến ở nhà em gái. Mà để mẹ chồng ở nhà với nàng dâu, mới nghe thôi cũng đã thấy ê răng rồi, nói gì… Thế là tôi, có nhà không ở lại kéo vali đến ở nhà đứa cháu ruột, ngày ngày đối mặt với cô cháu dâu mình không mấy ưa. Nghĩ thôi đã thấy nản!

So với ngày ở quê, Thùy vẫn lặng lẽ và hiền lành như thế. Đến bữa, Thùy lại nhỏ nhẹ: “Mẹ với dì nhỏ thích ăn món gì để con nấu”.

Thằng thẳng mà nói thì tôi không thích Thùy, chẳng qua vì thằng Hưng nên tôi đành chịu. Nhưng tôi vẫn chưa chấp nhận được chuyện Thùy chia tay người yêu cũ và đến với Hưng ngay sau đó. Vì chuyện này mà ở làng người ta chỉ chỏ, nói Hưng là kẻ không ra gì, cướp vợ của bạn.

Tôi nhìn Thùy rồi giọng lạnh tanh bảo: “Ăn chay đi, tốt cho sức khỏe. Giảm muối với dầu mỡ nhé!”.

Di-nho-cua-thang-chau-lon-cau-chuyen-nhan-van-dang-ngam (1)

Thùy dạ rồi đi ra. Bắt gặp ánh mắt của chị gái, tôi vỗ nhẹ tay chị. Chị cũng không mấy ưa cô con dâu này. 2 năm nay, Thùy chu toàn mọi việc không chê trách được gì, tết nhất giỗ chạp, cô đều nhớ và chuẩn bị rất chu đáo, chẳng bù cho tôi, cứ đến lễ tết lại vác balo chạy mất dạng.

“Dù sao hai đứa cũng vợ chồng rồi, thằng Hưng vui vẻ là được, chị nhắm mắt bỏ qua đi”, tôi vỗ tay chị nói.

“So ra thì thằng Hưng hơn hẳn bên kia về kinh tế, điều kiện, bảo sao…”, chị thở dài nói.

Tôi phì cười, bà mẹ chồng nào ở đời cũng thấy con mình hoàn hảo cả và con dâu là “kẻ cướp” chính hiệu, cướp đi đứa con trai vàng bạc từ tay mình.

Tôi nghiêm túc: “Chị hơi đâu bận lòng giọng điệu thiên hạ, như em đây người ta cũng chẳng tha nữa là. Cô ấy là con dâu chị, mai kia sẽ là mẹ của cháu chị, chị ghét con dâu là tự làm khó mình đấy. Hưng nó ở giữa cũng chẳng vui vẻ gì”.

“Ở thành phố mà gần 1 năm rồi mới có dịp được gặp dì nhỏ”, Thùy nói trên bà ăn.

“Ối giời, không gặp hóa ra lại hay, gặp rồi lại ầm ĩ ấy mà”, tôi cười nói.

Dù khuyên chị gái đừng bận tâm nhưng tôi thì lại không kìm được lòng mình. Thấy Thùy im lặng, tôi áy náy, cười nhẹ bảo: “Hưng có thèm mời dì đến nhà đâu, chẳng lẽ lại tới làm khách không mời. Hồi đám hai đứa dì không về kịp, nay mới bù quà mừng cưới được”. Nói xong, tôi đẩy về phía Thùy hộp đựng nữ trang, là cái vòng bạch kim tôi chọn cả buổi sáng. Là con út trong nhà nhưng tiếng nói của tôi khá quan trọng, cũng do bố mẹ già cả mà tôi chưa đâu vào đâu nên mọi người đều dồn sự chú ý vào tôi. Tôi tặng quà Thùy, cũng là cố ý cho mọi người thấy tôi vừa ý đứa cháu dâu này.

Ngày bé tôi luôn được Hưng bảo bọc nuông chiều, giờ trưởng thành rồi, tôi ra mặt ủng hộ hai vợ chồng họ cũng coi như giúp Hưng đỡ đau đầu. Hy vọng chị gái thấy vậy mà bớt khó khăn với con dâu.

“Mẹ khỏe hơn rồi, anh đừng lo lắng quá nhé! Nếu thu xếp được thì anh tranh thủ về nhà một hai ngày cho mẹ với dì vui. Không biết do mẹ hợp thuốc hay do có dì nhỏ ở bên chuyện trò, mà hôm nay mẹ ăn được nhiều hơn hẳn. Thấy mẹ thương dì nhỏ lắm, chỉ cần dì làm nũng là mẹ chịu thua ngay. Dì nhỏ của anh ấy hả, cũng chỉ là một cô nhóc bướng bỉnh và nghịch ngợm thôi. Tính nết vẫn như ngày bé nhưng lại tỏ ra ta đây trưởng thành. Mỗi lần nói chuyện với em, dì nhỏ lại làm mặt nghiêm nghị, nhìn dì như bà cụ non làm em buồn cười mà không dám cười. Em muốn mình có con gái, lớn lên giống như dì nhỏ vậy, vui vẻ, tự tin, ai cũng yêu mến”.

Tôi ở ban công nghe được cuộc nói chuyện của Thùy với Hưng. Nghe tiếng nói cười vui vẻ của cô, tôi sững người, không nghĩ người dịu dàng như Thùy cũng có thể cười sôi nổi đến thế. Lúc nào tôi cũng thấy Thùy đoan trang, chỉn chu, không ngờ cô ấy lại có một mặt vui vẻ, ngây thơ, hồn nhiên như một đứa trẻ như thế. Nhìn đám hoa cỏ ngoài ban công, tôi nhận thấy chúng được chăm sóc rất chu đáo. Nếu lấy Thùy làm thước đo, tôi thấy mình chưa được một góc của cô. Hưng cũng không phải là người hời hợt, nó đã lựa chọn hẳn là có lý do nào đó, tôi tin Hưng không phải là người vội vã và Thùy hẳn xứng đáng với vai trò người bạn đời.

Tôi đã từng mong Hưng kể chuyện ngày xưa của họ, nhưng lúc này tôi thấy không cần thiết nữa, bởi lý do gì cũng không quan trọng nữa rồi. Hơn nữa lúc này họ đã là một gia đình, Thùy còn đang chờ mong những đứa trẻ, kết tinh tình yêu giữa hai người. Với tôi thế là đủ và cũng như họ, tôi thiết tha hy vọng vào ngày mai. Ngày mai dù có mưa dông nhưng chắc chắn sau đó sẽ là nắng đẹp.

Nhưng tôi sẽ phải nói chuyện với Thùy cho rõ ràng, tôi đã 26 tuổi, cô hơn tôi 3 tuổi thì cớ gì gọi tôi là “cô nhóc”, không đúng vai vế tí nào, hừ?

Xem thêm: Cuối đời mới nhìn rõ lòng con – Câu chuyện đáng suy ngẫm

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận