Cuộc đời của cô bé nhặt rác – Câu chuyện truyền cảm hứng cho rất nhiều người
Cuộc đời của cô bé nhặt rác ở Campuchia – Sophy Ron cho bạn thấy rằng, học vấn có thể không phải là con đường duy nhất nhưng chắc chắn nó là con đường bền vững nhất, ngắn nhất để dẫn đến thành công.
Câu chuyện “Cuộc đời của cô bé nhặt rác”
Nhiều người vẫn nói rằng, đại học không phải cánh cửa duy nhất dẫn đến thành công, bởi người ta có thể làm giàu bằng nhiều nghề nghiệp và chỉ cần giỏi một nghề thì không lo chết đói.
Tuy nhiên, không ai có thể phủ nhận được tầm quan trọng của tri thức. Học vấn có thể không phải là con đường duy nhất nhưng chắc chắn nó là con đường bền vững nhất, ngắn nhất để dẫn đến thành công. Và câu chuyện cuộc đời của cô bé nhặt rác ở Campuchia – Sophy Ron là minh chứng rõ nhất cho điều này.
Từ một cô bé không biết chữ Sophy đã nỗ lực, vươn lên trong cuộc sống nhờ học tập và dành được học bổng của Đại học Melbourne, Úc. Nhìn Sophy Ron của bây giờ chưa ai từng nghĩ cô lại chính là cô bé nhặt rác ở Phnom Penh, khoác trên mình chiếc áo thủng lỗ chỗ khi ấy…
Sophy Ron sinh ra tại Phnom Penh, Campuchia trong một gia đình nghèo khó. Cả gia đình cô bé có 8 người, thường xuyên phải sống lang bạt nay đây mai đó. Từng có lần, Sophy và gia đình đã phải chăn chúc trong một chiếc lều rách nát, ngay cạnh bãi rác hôi thối. Có những ngày mưa to, nước tràn vào lều nhưng cả nhà chẳng biết làm gì ngoài việc nằm ngủ trong cảnh ướt sũng khắp nơi.
Ngay từ nhỏ, Sophy đã phải dậy sớm đi nhặt rác đến tối mịt để phụ giúp gia đình. Bãi rác nơi cô bé “làm việc” mỗi ngày chính là Steung Meanchey – Bãi rác lớn nhất Đông Nam Á. Nơi đây được mệnh danh là địa ngục trần gian, đó là nơi những đứa trẻ phải lội qua hàng tá lớp rác gồm chất thải bệnh viện, thức ăn thối rữa, xác động vật chết,… để nhặt nhạnh.
Không khí nơi đó bao phủ bởi làn khói cay nồng, hôi thối. Từng có lần, Sophy suýt chết khi bị một chiếc xe tải chở rác lao tới. Nếu như lúc đó không có người chạy đến kéo ra kịp có lẽ cô bé đã bị bánh xe nghiền phải.
Mỗi ngày nhặt rác, Sophy kiếm được khoảng 50 cent (khoảng 11.000 VNĐ). Số tiền này tuy nhỏ nhưng có thể phụ giúp gia đình Sophy mua gạo sống qua ngày. Nếu hôm nay không kiếm đủ tiền thì thức ăn của Sophy và gia đình sẽ là những hoa quả, thức ăn thừa bới lên từ đống rác. Thậm chí có những thứ đã thối rữa và bị ruồi bu đen kịt.
Cả tuổi thơ của Sophy không hề biết đến chiếc áo mới. Em chỉ có đúng một bộ quần áo bẩn thỉu, rách lỗ chỗ được tìm thấy trong bãi rác cạnh nhà. Tiền ăn đã chẳng có nên tất nhiên Sophy và những người anh chị em của mình sẽ chẳng bao giờ nghĩ đến việc đi học.
Tuy nhiên, cuộc đời của cô bé nhặt rác này đã hay đổi hoàn toàn nhờ một cuộc gặp gỡ định mệnh. Đó là cuộc gặp gỡ với Scott Neeson – Nhân viên của Quỹ trẻ em Campuchia (CCF) – Tổ chức phi lợi nhuận chuyên giúp đỡ những trẻ em nghèo được học hành và phát triển tài năng.
Năm 11 tuổi, khi Sophy đang nhặt rác thì gặp được Scott Neeson, lúc ấy cô bé đội một chiếc mũ len đỏ, trên vai là bao rác lớn. Thấy máy ảnh, Sophy đã nở một nụ cười rạng rỡ, đầy hồn nhiên dù hoàn cảnh sống vô cùng cơ cực
Thấy vậy, Scott hỏi Sophy “Cháu có muốn đến trường và học tiếng Anh không?”. Dù lúc đó không biết tiếng Anh là gì nhưng Sophy khao khát được đi học và lập tức đồng ý với đề nghị của Scott. Bố mẹ của Sophy Ron những người chưa học hết lớp 2 cũng hoàn toàn ủng hộ con gái, dù việc đó có nghĩa là Sophy sẽ phải rời xa gia đình và chuyển đến Úc để học tập.
Tại đất nước mới, Sophy đã vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu để hoàn thành xuất sắc cấp học phổ thông. Và nhờ vào thành tích học tập tốt, Sophy đã nhận được học bổng toàn phần tại trường Cao đẳng Trinity- đây là ngôi trường cao đẳng nội trú liên kết với Đại học Melbourne danh giá từ năm 1876. "Tôi không diễn tả được cảm xúc khi biết mình nhận được học bổng toàn phần. Tôi không thể ngừng cười và thấy may mắn khi cuộc đời mình thay đổi".
Sophy là người học hỏi nhanh và giao tiếp tốt. Năm 2016, cô đã đứng trên sân khấu của Tedx Talk để diễn thuyết bằng tiếng Anh.
Sau hai năm học cao đẳng, Sophy đã tốt nghiệp thủ khoa và vinh dự được nhà trường chọn để đọc bài diễn văn trong buổi lễ tốt nghiệp. Không chỉ vậy, Sophy lại tiếp tục nhận một suất học bổng toàn phần tại Đại học Melbourne. Tại Campuchia gia đình của Sophy không còn đi nhặt rác nữa, họ đã chuyển về một vùng quê yên bình để sinh sống và các anh chị em của cô cũng đã được đến trường.
Dù yêu thích cuộc sống ở Melbourne, cô hy vọng cuối cùng sẽ trở về với gia đình ở Campuchia để bắt đầu sự nghiệp kinh doanh và làm việc cho CCF.
Câu chuyện về hành trình kỳ diệu của cô được đăng tải trên các phương tiện truyền thông địa phương tại Campuchia. Cô hy vọng điều đó sẽ khuyến khích những người khác quyên góp cho tổ chức từ thiện.
"Thông điệp trong suốt cuộc đời mà tôi luôn mang theo đó là: Không bao giờ bỏ cuộc, dù bạn ở trong hoàn cảnh nào".
Xem thêm: Nghệ thuật khen trước lời chê - Câu chuyện là kỹ năng giao tiếp ai cũng cần phải học
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận