Chuyện cha tỷ phú gửi con về quê để dạy - Bài học cảnh tỉnh cho những người làm cha mẹ
“Cha tỷ phú gửi con về quê để dạy” là bài học dành cho những người làm cha mẹ, đừng để bản thân nghèo đến nỗi chỉ có mỗi tiền.
Câu chuyện “Cha tỷ phú gửi con về quê để dạy” dưới đây sẽ khiến bạn suy ngẫm nhiều về cuộc sống, về những điều giản đơn mà trân quý xung quanh để có thể thay đổi cách sống, thay đổi tư duy của bản thân. Giúp bản thân và những người xung quanh không bỏ lỡ những điều quý giá của cuộc sống ngắn ngủi này.
Câu chuyện “Cha tỷ phú gửi con về quê để dạy”
Một tỷ phú quyết định gửi người con trai duy nhất của mình về vùng quê nghèo nàn, hẻo lánh để cậu biết được mình đang sống trong giàu có như thế nào. Bởi ông tin rằng, qua chuyến đi này cậu bé sẽ có một bài học khó quên.
Sau thời gian 3 ngày sống tại một gia đình nghèo ở quê, người cha trở lại đón cậu bé. Trên đường về nhà, người tỷ phú hỏi cậu con trai: “Con cảm thấy sống ở đó thể nào?”, ông bố hỏi.
“Con cảm thấy rất tuyệt ạ”, cậu bé trả lời.
“Cuộc sống gia đình họ có gì khác so với ở nhà chúng ta không?”, ông bố bất ngờ hỏi lại.
“Có ạ, khác rất nhiều”, cậu bé nói.
Sau đó, cậu bé kể với cha mình rằng: “Chúng ta có một con chó còn họ có những nhiều con. Chúng ta bơi trong bể còn họ có cả một hồ lớn nước trong veo, trong đó còn có nhiều loại cá bơi lội tung tăng. Chúng ta sử dụng bóng đèn điện để chiếu sáng trong vườn còn sân của họ thì tràn ngập ánh sáng của trăng và những ngôi sao.
Vườn nhà chúng ta chỉ rộng đến các bức tường còn vườn của họ mở rộng đến tận chân trời luôn. Chúng ta nghe nhạc qua đĩa CD còn họ được trực tiếp thưởng thức âm thanh hòa tấu từ các loài vật khác. Đồ ăn của chúng ta nấu bằng lò vi sóng, còn đồ ăn của họ thì lại được nấu bằng bếp củi nên mùi vị cũng thơm ngon hơn nhiều.
Nhà mình có tường bao quanh nhưng nhà họ thì trước của nhà luôn rộng mở nên bạn bè, hàng xóm có thể qua chơi bất cứ lúc nào. Cuộc sống của chúng ta không thể tách khỏi điện thoại, tivi, máy tính,… còn cuộc sống của họ lại kết nối với bầu trời xanh, nước trong lành, đồng cỏ xanh mướt và những hàng cây bóng mát”.
Rồi cậu bé tiếp tục nói: “Thưa cha, con cảm ơn cha vì đã dạy cho con biết nhà chúng ta nghèo đến thế nào”.
Vị tỷ phú vô cùng ngạc nhiên trước câu trả lời của cậu con trai. Nhưng rồi sau đó, ông chợt nhớ đến câu nói nổi tiếng của Rodolfo Costa mà ông đã lãng quên bấy lâu nay: “Có quá nhiều người nghèo đến nỗi thứ duy nhất mà họ có đó là tiền bạc”.
Ở nông thôn, dù chỉ sống trong những căn nhà nhỏ nhưng cậu bé lại được nô đùa, chạy nhảy, hít thở khí trời tươi sạch. Đó là điều mà những ngôi nhà ở thành phố dù có to đến bao nhiêu cũng không thể sánh được. Hầu hết mọi người ở thành phố gặp nhau chỉ cất lời chào, còn mọi người ở quê lại có thể sống chan hòa với nhau, xem nhau như gia đình. Đó chính là giá trị của tình cảm con người, của tình làng nghĩa xóm.
Cuộc sống ở thành phố tuy sung túc đầy đủ, thế nhưng thứ mà con người ta nhận lại là những giây phút vô cảm, lạnh lẽo trong tâm hồn dù bên ngoài mặc nhiều lớp áo nhưng vẫn khiến lòng người cô đơn, lạc lõng. Vì thế, Benjamin Franklin mới có triết ký rằng: “Tiền bạc chưa bao giờ và sẽ không bao giờ khiến con người hạnh phúc, trong bản chất nó không có gì để tạo ra hạnh phúc. Một người càng có tiền bạc nhiều bao nhiêu càng muốn nó bấy nhiêu”.
Trong cuộc sống, sức khỏe, hạnh phúc và tình cảm vốn là những thứ không thể mua được bằng tiền. Thông qua câu chuyện “Cha tỷ phú gửi con về quê để dạy” chúng ta hiểu được rằng, khi bản thân biết cảm ơn những người xung quanh và những thứ mà ta có thì ta sẽ ngừng việc theo đuổi cuộc sống giàu sang, bởi khi đó ta đã nhận ra rằng bản thân mình đã có tất cả mọi thứ rồi.
Xem thêm: Cha mẹ thông thái sẽ hỏi con 7 câu này trước khi đi ngủ để gắn kết tình cảm
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận