Cách mẹ thương con thật lạ - Câu chuyện nhân văn cảm động

Vậy là mẹ Hòa đã về cõi vĩnh hằng được 1 tuần. Ở tuổi 75 ai cũng bảo bà đi thế là thanh thản bởi các con ai cũng trưởng thành, ổn định cả. Chỉ có Hòa hiểu mẹ còn nhiều trăn trở buồn thương lắm… Ngồi bên di ảnh của mẹ, Hòa trầm ngâm nhớ về những ngày xa xưa.

Diệu Nguyễn
08:05 04/10/2024 Diệu Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Ngày đó Hòa còn bé lắm, chỉ tầm 3-4 tuổi nên chưa hiểu được nỗi đau mất cha. Sau này lớn lên nghe mọi người nói chuyện Hòa mới hiểu ngày đó mình mồ côi cha, song may mắn còn có mẹ. Mẹ Hòa thương con lắm, ai làm mối cũng không chịu, nhất quyết ở vậy tần tảo làm lụng nuôi con. Nhà có 2 đứa con trai, anh cả lớn hơn Hòa, hiểu được sự khó khăn vất vả của mẹ nên đòi nghỉ học sớm cùng mẹ đi làm kiếm tiền nuôi em nhưng mẹ không chịu. Dù vất vả thế nào mẹ cũng quyết nuôi hai con nên người. Hòa vẫn nhớ rõ năm lớp 7 vì mải ham chơi chểnh mảng việc học hành mà phải nhận cơn giận lôi đình và một trận đòn roi từ mẹ.

Tính nóng vậy thôi nhưng mẹ thương con lắm, nhất là Hòa, vì thiệt thòi mất cha từ bé nên mẹ với anh cả dành hết tình thương yêu cho Hòa. Bà lúc nào cũng bắt Hòa học hành tử tế để sau này không phải khổ. Năm Hòa học lớp 12, anh cả học năm 3 đại học, nhà vẫn nghèo xác nghèo xơ, mẹ phải làm đủ thứ việc, tất bật từ sáng đến khuya để có tiền lo cho hai anh em. Nhìn vào sự tần tảo của mẹ an hem Hòa chỉ biết ngậm ngùi báo hiếu bằng việc bảo ban nhau học hành.

Ngày Hòa đưa giấy báo đại học cho mẹ, bà lặng lẽ cười, nhưng Hòa biết trong nụ cười ấy còn chất chứa cả nỗi lo. Phía trước chắc chắn là những ngày tháng khó khăn cho mẹ khi phải gồng gánh nuôi nấng hai đứa con trai đang tuổi ăn học. Sáng sớm ngày nhập học, mẹ dậy sớm nấu cơm cho Hòa ăn. Ăn sáng xong, Hòa xúc động cúi chào mẹ lên đường. Mẹ ôm chặt lấy Hòa, căn dặn: “Con đi đường cẩn thận nhé, phải tự biết chăm sóc cho mình, mẹ ở xa nên không lo cho con từng chút được”.

cach-me-thuong-con-that-la-cau-chuyen-nhan-van-cam-dong (1)

Đó là lần đầu tiên Hòa đi xa nhà, xa những vài trăm cây số. Ra đến cổng, Hòa ngoái lại nhìn căn nhà thân yêu của mình, nơi Hòa đã sống với những vui buồn 18 năm trời. Hòa bất chợt bắt gặp ánh mắt âu yếm của mẹ đang nhìn theo, thấy Hòa quay lại mẹ vội lảng đi chỗ khác. Dù ở xa nhưng Hòa vẫn nhận ra những giọt nước mắt của mẹ đang lăn dài trên đôi gò má sạm nắng. Mắt Hòa chợt cay xè! Xe chuẩn bị chạy, Hòa thò đầu ra khỏi xe, nhìn về hướng nhà. Bỗng, thấy dáng mẹ tất tả chạy lại, đến trước cửa xe, mẹ vừa thở hổn hển vừa dúi vào tay Hòa một bọc giấy nhỏ: “Con cầm theo cái này để phòng thân, nhớ giữ cho kỹ nhé!”, Nói xong, bà vội vàng xuống để xe chạy kịp giờ. Dáng mẹ khuất bóng, Hòa lặng lẽ mở bọc giấy mẹ đưa ra xem, bên trong là một đôi bông tai và chiếc nhẫn vàng. Hòa sửng sốt, đây chẳng phải là đồ cưới của mẹ sao, mẹ đã giữ gìn rất cẩn thận, dù có túng quẫn thế nào cũng không đem ra bán. Đó là vật kỷ niệm thiêng liêng, là quà bà ngoại tặng mẹ ngày cưới, mẹ quý chúng còn hơn máu thịt mà. Hòa nuốt nước mắt vào trong, thầm hứa trong lòng sẽ chăm chỉ học tập để không phụ lòng mẹ. Hòa cũng tự hứa là mình sẽ không bao giờ bán những kỷ vật này đi.

Sau nhiều năm nỗ lực, Hòa ra trường với tấm bằng giỏi và được nhận vào một công ty lớn. Mức lương khá đồng nghĩa với việc Hòa phải làm việc nhiều hơn, thời gian nghỉ cũng ít hơn. Thế là số lần về thăm mẹ ngày càng ít, số lần gọi điện cũng thưa thớt dần. Mỗi lần Hòa gọi về mẹ vui lắm, kể chuyện đủ thứ. Mẹ nhớ Hòa nhưng lại không bao giờ giục Hòa về thăm nhà. Bà lúc nào cũng sợ mình sẽ cản bước chân con. Lần nào trước khi cúp máy mẹ cũng dặn: “Mẹ ổn, con cứ tập trung lo công việc cho tốt nhé. Đừng lo lắng gì cho mẹ cả”.

Cứ thế, Hòa vô tư nhận sự quan tâm và cả vị tha của mẹ mà quên đi rằng ở quê nhà còn có một mẹ già đang mỏi mắt đợi con. Một phần nữa cũng vì Hòa ỷ lại vào anh trai Hòa học xong đã về làm gần nhà để tiện bề chăm nom mẹ.

Mới đây, anh trai gọi điện báo mẹ bị ốm mong Hòa về thăm, nhưng Hòa ngập ngừng bảo: “Em đang đi công tác bên Mỹ, phải hơn chục ngày nữa mới về được”. Hòa nghĩ mẹ cũng chỉ ốm đau tuổi già, một vài bữa nữa về cũng không sao, Hòa không hề biết rằng mình đã bỏ lỡ cơ hội gặp mẹ lần cuối. Đến khi Hòa nhận được điện của anh trai lần nữa thì mới hay mẹ đã ra đi mãi mãi.

Hòa ân hận vô cùng vì không về thăm mẹ. Mở chiếc tủ, Hòa cầm ra cái hộp nhỏ đựng đôi bông tai và chiếc nhẫn mẹ đưa ngày nào, hai hàng nước mắt chảy dài. Hòa đã làm được lời hứa là nhất định không bán vật kỷ niệm của mẹ. Nhưng Hòa đã không còn cơ hội để đưa lại cho bà vật kỷ niệm mà mẹ một đời nâng niu. Cả một đời mẹ đã thương con, thương theo cách của mình… Cả đời này con nợ mẹ, mẹ ơi!

Xem thêm: Trèo cây mất tuổi – Câu chuyện nhân văn đáng ngẫm

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận