Ấm áp tình người – Câu chuyện nhân văn cảm động

Công ty cũ tôi nghỉ việc đã 5 năm bỗng gọi điện thoại báo tôi tới lĩnh 50 triệu. Cầm số tiền đó trên tay tôi mới thực sự hiểu thế nào là sự ấm áp tình người.

Diệu Nguyễn
08:30 13/04/2024 Diệu Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Năm 2015, đồng nghiệp Lý Lệ mắc nhiễm trùng đường tiểu, chồng kiên quyết đòi ly hôn, để chữa trị cần ghép thận, lãnh đạo công ty cũng tổ chức quyên góp.

Trước khi nghỉ việc, Lý Lệ vay tiền mấy đồng nghiệp có quan hệ tốt, người cho vay 10 triệu,15 triệu, tôi cho cô ấy vay 45 triệu. Chúng tôi làm việc cùng nhau mấy năm liền, bệnh đó cũng chẳng phải bệnh hiểm nghèo, tôi không thể bàng quan đứng nhìn.

Nhưng Lý Lệ không may mắn, sau khi ghép thận, xuất hiện dấu hiệu bài xích nghiêm trọng, mấy tháng sau thì qua đời. Bố mẹ Lý Lệ người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh, già sọm đi sau một đêm. Tôi và đồng nghiệp muốn về quê tiễn cô ấy, nhưng lại sợ phải đối mặt với cảnh tượng đau thương đó, chỉ có một vài người đại diện chúng tôi về quê viếng.

Chẳng bao lâu sau chồng cũ Lý Lệ đã lấy vợ mới, đứa con theo bố. Chúng tôi không quen biết với chồng cô ấy nên cứ thế không còn liên lạc gì nữa. Còn về số tiền cho vay, quả thực cũng xót ruột thật, một tháng lương của tôi cũng chỉ tầm chục triệu, nhưng Lý Lệ đã mất rồi, tôi cũng không thể tìm chồng cũ của cô ấy để đòi tiền, chỉ đành an ủi bản thân: Coi như làm việc tốt, dù sao cũng là đồng nghiệp với nhau, không nghĩ tới chuyện này nữa.

Am-ap-tinh-nguoi-cau-chuyen-nhan-van-cam-dong

Năm 2017 sau khi tôi sinh bé thứ hai thì nghỉ việc, đồng nghiệp trước đây cũng mỗi người một ngả, chỉ liên hệ qua điện thoại.

Bỗng mấy hôm trước kế toán công ty gọi điện thoại cho tôi, nói tôi đến công ty lĩnh một khoản tiền.

Đến công ty hỏi cặn kẽ mới biết, trước khi Lý Lệ mất có dặn dò bố mẹ, phải tìm cách trả hết nợ cho chúng tôi.

Thế rồi hai vợ chồng nông dân hơn 60 tuổi vừa làm ruộng vừa làm thuê kiếm tiền, không biết đã ăn bao nhiêu bữa cơm rau dưa mới tích cóp được chỗ tiền này. Do không có số điện thoại của chúng tôi nên đã chuyển tiền cho công ty cũ, nhờ kế toán đưa lại. Đi kèm với khoản tiền còn có một tờ giấy bị vò đến sắp rách, trên đó ghi tên và số tiền của chúng tôi.

Tôi nhận ra nét chữ của Lý Lệ, có lẽ được viết sau khi phẫu thuật xong, chữ xiêu vẹo hết cả, có chỗ đã bị tổn hại đến mức không nhìn rõ, có thể đoán được lúc đó cô ấy rất yếu nhưng vẫn nhớ rõ từng khoản vay.

Khi đó có 7 đồng nghiệp cho vay tiền, tổng số tiền là 170 triệu.

Sau khi Lý Lệ mất, chỉ có một đồng nghiệp càu nhàu rằng không đòi được tiền nữa rồi, những người khác đều lẳng lặng không nói năng gì. Trước khi phẫu thuật, chẳng ai ngờ phản ứng đào thải lại thành ra như vậy.

Lý Lệ vay tôi 45 triệu, bố mẹ cô ấy trả 50 triệu, một đồng nghiệp khác cho vay 30 triệu cũng được trả 35 triệu, có lẽ đã tính cả lãi vào đó.

Tiền trả cho chúng tôi đều được gói gọn gàng trong một tờ báo, trên đó có ghi tên và số tiền.

Lúc tôi nhận được tiền, hai mắt nhòe đi, rơm rớm nước mắt, tôi bàn bạc với một đồng nghiệp khác, tìm nhân sự lấy địa chỉ ngày xưa Lý Lệ đăng kí, rồi lại tìm một chị hồi trước về quê viếng cô ấy để hỏi cặn kẽ đường xá, quyết định thay Lý Lệ đi thăm bố mẹ cô ấy.

Đầu tiên là đi tàu hỏa, sau đó bắt ô tô, đến nơi thì hỏi thăm nhà Lý Lệ. Chỉ có một mình mẹ Lý Lệ ở nhà, nghe chúng tôi nói là đồng nghiệp cũ của cô ấy thì kích động lau nước mắt, không ngừng kể rất nhiều chuyện ngày xưa.

Mẹ Lý Lệ kể, sau khi Lý Lệ qua đời, bố cô ấy suy sụp mấy tháng trời, nhớ tới lời dặn dò của con gái, quyết định đi làm thuê trả nợ.

Để có tiền chữa bệnh cho con gái, hai vợ chồng đã vay gần 700 triệu, điều kiện của con trai họ cũng bình thường, hai ông bà cũng không muốn tăng thêm gánh nặng cho con trai nên theo bà con dưới quê tới công trường làm việc.

Lúc đi làm do tuổi tác đã cao, lại là người mới nên chịu rất nhiều thiệt thòi. Cùng làm việc như nhau, nhưng người khác được trả 700 nghìn một ngày, ông chỉ được trả từ 300 đến 350 nghìn, thời tiết không tốt phải nghỉ làm, ông sẽ đi nhặt phế liệu về bán.

Gần 6 năm, hai ông bà dè sẻn, giật gấu vá vai cuối cùng cũng trả hết nợ nần. Chúng tôi nghe xong thì nước mắt giàn dụa, mẹ Lý Lệ còn kể, thật ra cũng nhờ chỗ nợ này đã chống đỡ cho hai ông bà vượt qua những ngày tháng đau khổ, nó giống như một niềm tin, để hai ông bà gửi gắm tình cảm. Nếu như không có nó, quả thực không biết phải sống tiếp ra sao.

Ngày đó hai ông bà không nghe người ta khuyên cho con gái chạy thận, con gái vì sự tuyệt tình của con rể nên đã chọn ghép thận, con gái qua đời họ nhận hết trách nhiệm về mình.

Tôi khẽ nói với đồng nghiệp suy nghĩ lúc đó của mình, “Em muốn trả lại tiền cho bố mẹ Lý Lệ, coi như giúp cô ấy báo hiếu.”

Đồng nghiệp hai mắt đỏ hoe, gật đầu, sau đó còn lặng lẽ góp thêm 7 triệu, tôi ngồi nói chuyện với mẹ Lý Lệ, nhân lúc cô không chú ý, đồng nghiệp vào phòng để số tiền này trong đó.

Sau khi chúng tôi lên xe, gọi điện thoại cho mẹ Lý Lệ, nói với cô số tiền chú trả, chúng tôi đã nhận được rồi, số tiền dưới gối là tiền hai đứa tôi thay Lý Lệ hiếu kính cô chú, mong cô chú nhận cho.

Mẹ Lý Lệ vội nói: “Không cần đâu, bố nó về sẽ mắng cô mất, thực sự không cần đâu.”

Tôi nghẹn ngào nói với cô, những người này đã nghỉ việc công ty rất lâu rồi, không cần đến công ty nữa đâu, cô chú giúp con gái trả nợ là chữ tín, chúng cháu thay Lý Lệ báo hiếu là tấm lòng.

(Theo Weibo Việt Nam)

Xem thêm: Cho anh trai vay tiền – Câu chuyện nhân văn sâu sắc

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận