Trẻ cãi lại hay im lặng khi bị bố mẹ mắng: Phản ứng của con quyết định tính cách, tương lai
Không phải đứa trẻ nào bị la mắng cũng im lặng chịu trận. Trong trường hợp này, phản ứng khác nhau của trẻ cũng sẽ dẫn tới tính cách và tương lai khác nhau.
Chăm sóc, giáo dục con cái là một công việc đòi hỏi sự kiên nhẫn, có phương pháp khoa học. Nhiều cha mẹ sẵn sàng quát mắng con khi con ồn ào, nghịch ngợm, học kém... Thực tế, rất ít phụ huynh có thể kiềm chế được việc la mắng con cái.
Năm nay, con trai Hồ Tử của chị Lưu Linh mới lên lớp 2. Cậu bé rất hoạt bát, đôi khi còn bày trò nghịch ngợm. Có lần, Hồ Tử cãi nhau với bạn cùng lớp vì một số vấn đề nhỏ nhặt. Khi nhận được điện thoại của giáo viên, người mẹ tức tốc đến trường đưa con về nhà. Khi hỏi chuyện con, Hồ Tử khẳng định bản thân không hề có lỗi. Tuy nhiên, chị Lưu Linh vẫn chỉ trích con nặng nề. Đáp lại, cậu bé cũng cãi lại tay đôi. Điều này khiến người mẹ bất lực, không biết giáo dục con thế nào, buộc phải lên mạng xã hội xin giúp đỡ.
Cũng có người kể, một hôm tới nhà bạn chơi, thấy cô ấy quát mắng con khi đang làm bài tập về nhà: “Câu hỏi đơn giản vậy mà cũng không làm được? Con không nghe cô giáo giảng à?” Ai ngờ, đứa trẻ cãi lại: “Con mới học nên chưa nhớ, con mà bằng tuổi mẹ con nhất định làm được”. Người mẹ nghe xong liền nổi điên, la mắng con té tát, người bạn phải can thiệp mới khiến tình hình dịu xuống.
Không phải đứa trẻ nào bị la mắng cũng im lặng chịu trận là tốt. Trong trường hợp này, phản ứng khác nhau của trẻ cũng sẽ dẫn tới tính cách và tương lai khác nhau.
Đứa trẻ im lặng
Đối mặt với việc cha mẹ la mắng, những đứa trẻ cảm thấy mình yếu thế, không đủ can đảm sẽ không có khả năng phản kháng tốt. Chúng sợ nói lại sẽ bị mắng chửi gay gắt hơn, nên chọn cách im lặng. Tuy nhiên, sự im lặng này không phải là trẻ nhận sai, mà là trẻ đầu hàng trước “uy quyền” của cha mẹ.
Những đứa trẻ này thường chỉ vâng dạ bên ngoài, bên trong sẽ dần nổi loạn và không tiết lộ, chia sẻ suy nghĩ của mình với cha mẹ. Khi đến mức bùng nổ, mọi chuyện sẽ bị mất kiểm soát và trở nên tồi tệ hơn. Chưa kể, việc này còn khiến con cái dần xa cách với cha mẹ, tính cách cũng trở nên đen tối hơn.
Đứa trẻ nói lại
Trong mắt người lớn, những đứa trẻ thế này thường không nghe lời, thích ngụy biện. Mỗi khi mắc lỗi, chúng sẵn sàng cãi lại cha mẹ. Thực tế, trẻ con có chủ kiến riêng, cũng có khi con cảm thấy mình đúng, bố mẹ sai nên sẽ chọn cách nói lại.
Thế nhưng, nhiều cha mẹ quan niệm, trẻ phải nghe lời mình và không được phép có ý kiến riêng. Tuy nhiên, trẻ dám nói lại đồng nghĩa với việc con có chính kiến, thế giới quan và nhận thức của riêng mình. Dù biết bị la mắng, trẻ vẫn nói ra suy nghĩ thật của mình. Trẻ thích nói lại tức là đang cố gắng thoát ra sự phụ thuộc và chủ động thiết lập mối liên hệ với xã hội và làm chủ cuộc sống của chính mình. Đây là một điều tích cực.
Vì thế, các bậc cha mẹ đừng vội ép buộc con phải sửa thói quen này. Trẻ thích nói lại, kỹ năng diễn đạt của con sẽ được nâng cao, giúp con xử lý tốt các ý kiến khác nhau. Những đứa trẻ này khi lớn lên cũng rất độc lập và ngay thẳng, có tính cách mạnh mẽ, cứng cỏi.
Hiện nay, cách nuôi dạy con cái khoa học đã dần trở nên phổ biến, nhưng vẫn có nhiều cha mẹ có thói quen la mắng con cái, thậm chí là đánh đập. Thời đại đã thay đổi, xin người lớn hãy từ bỏ thói quen này càng sớm càng tốt nếu không muốn ảnh hưởng tiêu cực đến tính cách và quá trình trưởng thành của trẻ.
Cha mẹ nghĩ mình là người lớn, có nhiều kinh nghiệm hơn nên thường dùng tư cách người lớn tuổi và thái độ trịch thượng để đưa ra ép buộc, bắt con cái làm theo. Điều này chỉ khiến trẻ thêm chống đối. Thay vào đó, cha mẹ hãy học cách đồng cảm, nhìn nhận vấn đề nhiều hơn từ góc độ của con. Hãy thể hiện tình yêu thương, sự quan tâm với con, cho con thấy cha mẹ vẫn đang cố gắng thấu hiểu và giúp đỡ mình.
Xem thêm: Nuôi con trai có chí tiến thủ, nuôi con gái tài giỏi tự tin: Quy tắc "3 không-5 nên" cha mẹ cần nhớ
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận