“Dạy con trai tích cực vươn lên”: 4 bí quyết cha mẹ cần nằm lòng ngay
Việc nuôi dạy con trai và con gái có nhiều điểm khác biệt. Trong đó, cha mẹ cần biết “Dạy con trai tích cực vươn lên”, để con lớn lên trở thành người mạnh mẽ, can đảm, có ích cho xã hội.
4 điểm cần lưu ý khi dạy con trai ở đây là gì?
Can đảm
Một nhà thám hiểm địa chất thích con trai đi khám phá nhiều nơi. Những người lớn tuổi trong nhà ra sức khuyên can vì nơi núi sâu hoang vắng vốn nhiều nguy hiểm, không tốt cho trẻ nhỏ.
Thực tế, đó chỉ là điểm du lịch thông thường, nhưng nhà thám hiểm vẫn nói với con rằng buổi tối có thể có lợn rừng xuất hiện vì muốn luyện tập cho con trai sự can đảm. Đêm đó, hai bố con ở trong lều, dường như họ còn nghe thấy tiếng lợn rừng kêu bên ngoài. Ông đưa cho con một cây gậy, bản thân thì cầm một cây để giả vờ như đang tự vệ.
Nhờ sự chỉ bảo của cha cùng nhiều cuộc thám hiểm như thế, lòng can đảm của cậu bé ngày càng tốt hơn nhiều so với bạn bè cùng trang lứa. Cậu dần trở thành một chàng trai dũng cảm, kiên cường và nghị lực.
Việc cha mẹ bao bọc, chiều chuộng con trai quá mức thật không tốt chút nào. Richard Feynman – nhà khoa học và nhà giáo dục lỗi lạc người Mỹ từng nói: “Những đứa trẻ không dám mạo hiểm thường không chịu thay đổi, tính cách yếu đuối và tính sáng tạo kém”.
Luật pháp
Một cậu con trai đánh nhau với bạn học, khi về nhà òa khóc nức nở. Người cha thấy vậy liền hỏi: “Con rất oan ức, rất tức giận đúng không?”
Cậu con trai trả lời: “Đúng, con muốn trả thù”.
“Con định trả thù như thế nào?”
“Kiếm một cây gậy làm thanh kiếm, sau đó đâm nó giống như trên tivi”.
“Được, để ba giúp con chuẩn bị nhé”.
Nghe ba nói thế, cậu bé có chút bớt giận dỗi, lập tức gật đầu. Nói xong, người cha vào phòng mang ra một đống chăn và quần áo. Thấy thế, cậu con trai ngạc nhiên hỏi: “Ba mang nhiều quần áo thế làm gì ạ?”.
Người cha vừa xếp quần áo vừa trả lời: “Nếu con dùng gậy đánh người, con sẽ được đưa đến nơi quản lý trẻ nhỏ, ở đó ít nhất một tháng nên ba phải chuẩn bị quần áo cho con thay. Nếu con dùng kiếm để đánh người, con sẽ ở lâu hơn, nên cha chuẩn bị thêm ít chăn cho con thay đổi”.
Người con đỏ mặt hỏi lại: “Thật thế hả ba?”
Người cha nghiêm túc: “Đúng rồi con trai, pháp luật quy định như thế đấy”.
Lúc này, người con trai ấp úng: “Vậy chúng ta bỏ qua đi ba”.
Cha: “Không phải con đang rất tức giận sao?”
Cậu con ngẫm nghĩ, nói: “Kỳ thực con cũng có lỗi. Con không giận nữa, con sẽ đi xin lỗi bạn ấy”.
Người cha mỉm cười “Được, ba ủng hộ con”.
Bên cạnh việc dạy con can đảm, cha mẹ cần hướng dẫn con về quy tắc và luật pháp để cân bằng và hạn chế rủi ro. Dù làm gì cũng phải nghĩ đến kết quả tồi tệ nhất có thể xảy ra; nếu chấp nhận được thì hãy làm, còn không thì thôi.
Thất bại
Một người tài xế xe buýt đường dài đã lâu không ở nhà. Nhân kỳ nghỉ đông, anh cùng con trai mình thực hiện một chuyến đi.
Trên con đường gồ ghề, khúc khuỷu với dốc thẳng đứng, chiếc xe lăn bánh thận trọng. Khi leo qua một ngọn núi lớn, xe đột nhiên bị hỏng, người cha phải nằm bò trên tuyết suốt 2 tiếng đồng hồ để sửa xe. Khi xe được sửa xong, họ lại tiếp tục hành trình. Lúc này, người cha quay sang nói với con: “Cuộc đời là như vậy. Khi con gặp khó khăn phải cắn răng chịu đựng và hướng về phía trước. Chỉ như thế, con mới có thể thấy được ánh hào quang”.
Người cha chỉ học hết tiểu học, nhưng con trai ông đã tốt nghiệp, ra trường làm bác sĩ. Trong buổi lễ tốt nghiệp cậu nói: “Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo khó, lý do tôi thi đỗ bác sĩ là do từ nhỏ ba đã dạy tôi rằng, điều khiến chúng ta gục ngã không phải là thất bại mà là thái độ chạy trốn tiêu cực khi phải đối mặt với thất bại”.
Tự lập
Một người mẹ chịu bao khó khăn vất vả mới có thể nuôi con khôn lớn trưởng thành. Khi con trai tốt nghiệp đại học, cậu lại không thể tìm được một công việc ưng ý.
Làm việc chỗ nào cũng chưa được tháng đã xin nghỉ, cậu con trai lúc nào cũng phàn nàn công việc vất vả, làm khổ làm mệt, không thể chịu được. Ra trường hai năm, cậu nghỉ hẳn việc ở nhà, ngày ngày ngửa tay xin tiền mẹ già. Khi mẹ không có tiền còn bị cậu chỉ trích: “Nếu mẹ không thể nuôi con cả đời sao hồi bé mẹ lại chiều con như vậy?”
Trong việc giáo dục con trai, điều quan trọng là phải dạy con tự lập. Cha mẹ cần phải quyết tâm buông con ra để con tự khôn lớn. Nếu cứ mãi bao bọc con, rồi một ngày ra ngoài xã hội xô bồ, chúng không biết phải xoay sở thế nào.
Có thể nói, việc dạy con là cả một quá trình, sự trưởng thành của con phụ thuộc lớn vào cách giáo dục của cha mẹ từ khi con còn nhỏ cho tới khi lớn khôn.
Xem thêm: Nuôi dạy con trai có 4 điều cha mẹ càng cho nhiều càng tốt, tương lai con càng rực rỡ xán lạn
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận