Ở đời, làm kẻ ngốc không phải thiệt thòi mà là cảnh giới trí tuệ thâm sâu

Nhiều người nghĩ rằng phải khôn ngoan thì mới giành được lợi ích về phía mình nên không ngừng tranh giành. Họ đâu biết rằng, người giả ngốc mới là bậc đại trí.

Loan Nguyễn
08:30 16/10/2021 Loan Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Một hôm, Trang Tử cùng học trò ra ngoài ngắm cảnh núi sông. Trên đường đi, họ bắt gặp mất người tiều phu đứng bên cạnh một gốc cây to đùng, cành lá rườm rà, quặt quẹo.

Mấy tiều phu nói với nhau: "Cây này chẳng dùng vào việc gì được, tìm khác mà đốn vậy". Trang Tử nghe thấy vậy liền quay sang nói với học trò: "Cái cây này vì bất tài mà thoát chết vậy".

Lúc sau, họ đi xuống một thôn làng dưới chân núi, vào nhà người quen thăm hỏi. Chủ nhà thấy Trang Tử đến thì mừng lắm, sai gia nhân đi chuẩn bị tiệc chiêu đãi cho mấy thầy trò. Gia nhân hỏi: "Có hai con chim, một con biết gáy, một con không. Thịt con nào ạ?". Chủ nhà nói: "Thịt con không biết gáy".

Học trò ngạc nhiên hỏi Trang Tử: "Hôm qua thầy bảo cái cây vì bất tài mà được sống, sao hôm nay con chim không biết gáy lại phải chết?". Trang Tử ôn tồn giảng giải: "Có tài hay là bất tài thì cũng đều không tốt cả. Khôn chết, dại cũng chết, chỉ có biết mới sống".

Câu nói của Trang Tử vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày nay. "Biết" ở đây chính là hiểu thời thế, biết tiến biết lùi, biết lúc nào nên khôn, lúc nào nên dại, biết hàm dưỡng trong xử thế.

Lão Tử cũng từng giảng: "Đại trí nhược ngu", nghĩa là là những bậc có trí tuệ lớn thường nhìn bề ngoài như ngốc nghếch. Họ không hề ngốc thật, chỉ là biết cách cư xử mà thôi.

o-doi-ngoc-nghech-khong-phai-thiet-thoi-ma-la-canh-gioi-tri-tue-1

Khổng Tử từng vượt nghìn dặm xa xôi đến thỉnh giảng Lão Tử về Đạo. Hai người đàm đạo, cuối cùng cũng phải chia xa. Trên đường tiễn Khổng Tử, Lão Tử đã nói:

"Ông phải nhớ kỹ: Không tranh với đời, thì thiên hạ không ai có thể tranh cùng, đó là học theo đức của nước vậy. Nước gần với Đạo. Đạo không nơi nào không có, nước không nơi nào không có lợi, tránh chỗ cao mà về chỗ thấp, chưa bao giờ trái ngược, là giỏi tìm chỗ đứng.

Ông lần này đi rồi, nên bỏ cái ngạo khí trong lời nói và biểu cảm, xóa bỏ cái chí dục ở dung mạo. Nếu không, người chưa đến mà tiếng tăm đã đến, thân chưa tới mà gió đã động, hiển lộ phô trương, như hổ đi trên phố, ai dám dùng ông?".

Vốn là bậc hiền nhân quân tử, Khổng Tử ôm cái chí cao vọng muốn sửa đổi lễ phép của thiên hạ, hướng lòng người về truyền thống, có thể nói là tài năng hơn người, vạn người hiếm gặp. Nhưng cũng chính vì thanh danh của Khổng Tử quá lớn như vậy nên chẳng có bậc quân chủ nào thực bụng dùng ông.

Lão Tử thậm chí đã tiên đoán được trước cuộc đời Khổng Tử, ấy là ngạo khí quá cao, chí dục quá lớn nên long đong bao nhiêu nước mà chẳng tìm được minh quân để thực hành đạo học của mình.

Bậc đại trí xưa nay đều giả ngốc, biết một trượng nhưng chỉ nói một thước, tài học mênh mông như nước Đông Hải nhưng thể hiện ra bên ngoài thì có phần hồ đồ, nông cạn. Đó mới là đỉnh cao của sự tu dưỡng.

Người quân tử nhìn sự vật đều là phóng khoáng, khoan dung, cho nên cũng không cầu sự tranh đoạt. Chỉ có kẻ tiểu nhân mới soi xét kỹ càng, xét nét tiểu tiết. Do vậy những bậc anh hùng thực sự trên đời đều ít nhiều có chút "dại dột" trong con mắt người khác vậy.

Kẻ kiêu dũng vì quá ngạo mạn dễ gặp kết cục bi thảm. Văn Chủng cùng với Phạm Lãi, làm quân sư cho Việt Vương Câu Tiễn. Sau này khi đại nghiệp của Câu Tiễn đã thành, Phạm Lãi lập tức cáo quan đi du ngoạn sông hồ, ai cũng cho là dại. Văn Chủng không nghe lời khuyên của bạn, cứ ở lại hầu hạ Câu Tiễn.

Cuối cùng, Phạm Lãi sau này kinh doanh phát đạt, trở thành đại thương nhân. Còn Văn Chủng ở lại bị Câu Tiễn nghi ngờ, cuối cùng dùng kiếm chém chết. Nếu Văn Chủng có thể biết "dại dột" hơn một chút thì có lẽ số phận đã không ngang trái như vậy.

o-doi-ngoc-nghech-khong-phai-thiet-thoi-ma-la-canh-gioi-tri-tue-2

Người giả vờ ngốc nghếch thực ra đều nhìn thấu lẽ đời. Chỉ là họ không thích soi mói, không muốn tranh đua thiệt hơn mà thôi. 

Ngốc nghếch không phải là xuẩn ngốc, mà là sống chân thật, trung hậu với người.

Ngốc nghếch không phải là cam chịu bắt nạt, mà là rộng lượng, phóng khoáng.

Ngốc nghếch không phải là kém cỏi, mà là nhường nhịn, ẩn nhẫn trước dòng đời.

Kiếp nhân sinh ngắn ngủi, cùng lắm là mấy chục năm trời hưởng niềm hoan lạc thế gian, hà tất phải so đo hơn thiệt, vì mối lợi nhỏ mà nhìn nhau như kẻ thù.

Không tranh với đời thì chính là người trí huệ, biết buông bỏ lại là cảnh giới của cao nhân, hoàn toàn không phải kẻ ngu ngốc.

Theo luật Nhân quả, mọi thứ có được ở kiếp này đều là phúc đức kiếp trước dồn tích lại, căn bản không phải bởi vì tranh giành mà có được, càng không phải do khôn ngoan mà chiếm lấy.

Trên đời, ngốc nghếch một chút cũng tốt. Sống đơn giản thì đời thanh thản, không so đo được mất thì nhẹ nhõm tâm thân, tự tại an nhiên. Việc gì cũng kỹ càng, sáng suốt quá thì dễ khiến tâm can tổn thương, lao tâm khổ lực, mệt mỏi vô cùng.

Tâm nhàn chính là phúc khí lớn nhất của đời người. Không tranh thì tự nhiên được ung dung, thanh thản. 

3 điều không hỏi, 5 điều không nói chính là trí tuệ của người thông minh

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận