Người biết "cúi đầu" mới có thể "ngẩng đầu" - câu chuyện là một bài học đậm tính nhân văn
Cúi đầu không phải là hèn kém, mà chính là cho mình cơ hội. Đây là điều bất cứ người thành công nào đều cũng từng trải qua.
Người đàn ông giàu có, là tổng giám đốc của một công ty lớn, đột nhiên nảy ra một ý nghĩ thú vị. Anh ta muốn trải nghiệm cuộc sống của những người dân thường nên đã quyết định bắt một chiếc xe buýt công cộng.
Sau khi trả tiền vé, anh chọn được một chỗ ngồi ở bên cạnh cửa sổ. Vị giám đốc đưa ánh mắt tò mò để quan sát những người bên cạnh mình. Trước mặt anh là một phụ nữ mang thai còn phía sau anh là một người đàn ông trung niên. Những người này đều là những người bình thường, không có gì đặc biệt cả.
Mỗi ngày sau đó, vị giám đốc đều chen lên xe buýt ngồi. Mặc dù cũng có chút kham khổ nhưng trong lòng anh lại cảm thấy rất lạ lẫm và vui vẻ.
Thế rồi, đến một ngày, có một chuyện không bình thường đã xảy ra. Ngày hôm đó, anh cũng lên xe buýt và lần này đối diện anh là một cô gái trẻ trung, xinh đẹp. Vẻ đẹp của cô gái đó khiến anh không rời mắt.
Sau khi xe buýt đến một trạm, người lên xe càng lúc càng đông, cô gái xinh đẹp cũng dần dần bị mọi người che khuất. Anh cũng không còn nhìn thấy cô gái ấy nữa, thế là đành nhắm mắt nghĩ về cô. Trong lúc còn đang mơ màng thì đột nhiên, một giọng nói như hét vào mặt anh:
"Anh không thể nhường ghế cho người khác à? Không đáng mặt đàn ông gì cả".
Mở mắt ra, anh thấy trước mặt mình là một người phụ nữ khoảng ngoài hai mươi tuổi, đang bế cậu con trai bé bỏng. Còn người vừa lên tiếng mắng anh là một cô gái có ngoại hình "xấu xí". Lúc anh còn đang sững sờ thì cô gái ban nãy lại to tiếng: "Nhìn cái gì mà nhìn? Tôi nói anh đấy".
Lúc này, những người trên xe buýt đều hướng về phía anh với đôi mắt tò mò, thậm chí "lườm lườm". Còn anh thì đỏ bừng mặt lên mà không nói được lời nào.
Cuối cùng, anh từ từ đứng lên và nhường ghế ngồi cho hai mẹ con cô gái kia. Đến trạm dừng xe tiếp theo, anh vì quá xấu hổ nên đã "trốn" khỏi chiếc xe buýt ấy. Sự việc vừa xảy ra đúng là anh chưa bao giờ ngờ tới. Trước khi xuống xe, anh cũng đã kịp nhìn qua mặt của cô gái "xấu xí" ấy một lần để ghi nhớ.
Điều bất ngờ đó là, một tuần sau, cô gái "xấu xí" kia lại có mặt trong vòng phỏng vấn tuyển dụng nhân viên của công ty anh. Hơn nữa, anh lại là người trực tiếp phỏng vấn và quyết định tuyển.
Ngay khi nhìn thấy anh, cô gái kia đã phát hiện ra. Nét mặt cô có phần lo lắng, dường như trên trán cô vã cả mồ hôi.
Vị tổng giám đốc nói: "Nếu cô đem tất cả giày da của ban giám khảo lau qua một lượt thì cô sẽ được tuyển dụng".
Cô gái đứng đó, do dự khá lâu. Cô nghĩ: "Kinh tế trong nhà mình đã khó khăn lắm rồi, thực sự mình rất cần công việc này".
Cô gái này vốn có năng lực và thành tích rất cao. Bởi cô có ngoại hình hơi xấu nên đến dự tuyển ở một số công ty đều bị từ chối.
Cô lại phân vân: "Bây giờ cơ hội bày ra trước mắt mình, chỉ cần mình buông tự tôn, lau giày cho họ thì sẽ có việc làm. Thế nhưng mà mình sao có thể đổi sự tôn nghiêm của mình đây?".
Vị tổng giám đốc suy nghĩ: "Cô ta ngang ngược thế chắc sẽ không hạ mình đâu". Thế là anh ta nhắc lại một lần nữa như để khiêu khích cô, thúc giục cô.
Cô gái lập tức ngồi xổm xuống, bắt đầu lau giày cho những vị giám khảo này.
Vị tổng giám đốc thắc mắc: "Cô không phải là lợi hại lắm sao? Sao lại không có phản ứng gì thế?".
Khi cô gái bắt đầu lau đến giày của anh ta, anh ta còn cố ý ngồi bắt chéo và giơ chân lên. Rồi anh ta lại cảm thấy mình có chút gì đó quá đáng. Anh thầm nghĩ: "Cô ta dù làm mất mặt mình trên xe buýt nhưng cũng là vì việc tốt, có chút nghĩa hiệp".
Anh quyết định xem hồ sơ của cô gái, không ngờ trước mắt anh là những thành tích tốt mà cô đạt được, vượt xa những người khác. Trên mọi phương diện, dường như cô đều xuất sắc. Dù sao, lời đã nói ra, anh cũng không thể nuốt lời được. Vì vậy, sau khi cô gái đã lau hết giày cho các vị giám khảo, anh ta đã tuyên bố trước mặt mọi người: "Cô đã trúng tuyển".
Cô gái cũng không bộc lộ vẻ vui mừng mà chỉ hướng về phía giám khảo nói lời nhỏ nhẹ: "Tôi xin cảm ơn".
Sau đó, cô quay người sang phía vị tổng giám đốc và nói: "Tính cả giày của ngài là 5 đôi, mỗi đôi tôi lấy 20 nghìn đồng, tổng cộng là 100 nghìn đồng. Sau khi ngài trả xong tiền, tôi mới bắt đầu đi làm".
Vị tổng giám đốc chẳng biết nói sao, mà cũng không thể rút lại quyết định của mình được nên đành phải trả cho cô gái 100 nghìn đồng.
Khi ra về, lúc đi đến cổng công ty, cô liền đưa 100 nghìn đồng đó cho một ông lão nhặt ve chai. Hành động này vô tình lọt vào mắt của vị tổng giám đốc. Kể từ hôm đó, anh có phần nể phục cô gái.
Sau khi được tuyển vào công ty, cô gái làm việc rất xuất sắc, đã thay vị tổng giám đốc ký được nhiều hợp đồng lớn.
Một hôm, vị tổng giám đốc hỏi cô: "Hôm cô đến phỏng vấn, tôi làm khó cho cô như vậy, cô có oán trách tôi không?".
Cô gái trả lời: "Tôi cúi người xuống, chỉ vì muốn đổi một cơ hội để có thể ngóc đầu lên".
Lời bàn
Quả thực, nhất thời "cúi người" không có nghĩa là đánh mất tôn nghiêm, càng biết lúc cần "cúi người" thì tương lai càng ngẩng được cao đầu.
Đôi khi, việc bạn cúi đầu trước người khác chính là tự tạo cho mình cơ hội, để sau cái cúi đầu đó, ta có thể ngạo nghễ mà ngẩng cao đầu. Nhiều người tự tôn cao quá, chỉ thích ngẩng cao đầu mà không bao giờ cúi đầu trước người khác, để rồi bỏ lỡ những cơ hội tốt của mình.
Tư thế cúi đầu chứa đựng biết bao khôn ngoan. Một cái đầu cúi xuống trong cung kính là biểu hiện của sự khiêm hạ.
Câu chuyện trên thật sự ý nghĩa, là bài học cho tất cả chúng ta. Cuộc sống vốn không hề dễ dàng, muốn đạt được thành công, đôi khi người ta phải biết bỏ bớt cái tôi cá nhân, biết nhẫn nhịn, cúi đầu để có thể vươn tới cái tốt đẹp hơn.
Xem thêm: Tích chuyện hay: "3 lời khuyên của chim phượng hoàng" khiến vị cư sĩ ngỡ ngàng tỉnh ngộ
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận