Đỉnh cao của tu dưỡng không phải trí tuệ hơn người, mà là khống chế được cảm xúc
Nếu không kiểm soát được cảm xúc thì hậu quả sẽ hại người hại mình. Vậy mới nói, khống chế được cảm xúc là sự tu dưỡng lớn nhất của một người.
Trước đây, tại Trùng Khánh, Trung Quốc từng xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Người đàn ông họ Lưu vì bị lỡ mất một trạm dừng, nhất thời không khống chế cảm xúc nên xảy ra cãi vã với lái xe. Kết quả, chiếc xe buýt mất lái lao xuống sông, khiến mười mấy người trên xe mất đi sinh mệnh.
Trong cuộc sống, đôi khi xuất phát chỉ là một việc nhỏ, nhưng do không biết cách kiềm chế cảm xúc của bản thân, mà gây ra hậu quả nặng nề. Điều khiến con người cảm thấy đáng sợ không phải ở biểu hiện bề ngoài mà là thứ ẩn chứa trong tâm hồn.
Cảm xúc tiêu cực hay việc không khống chế được cảm xúc đều có nguyên nhân của nó. Nếu hiểu được tận gốc rễ, chúng ta sẽ có thể thay đổi bản thân, tu dưỡng hằng ngày.
Tầm nhìn quá hạn hẹp
Luôn có những người trên thế gian này cho rằng "người này coi thường mình", "người này rõ ràng làm tổn thương mình", "không được, ta nhất định phải tìm người kia để đòi công lý". Từ những suy nghĩ tiêu cực như vậy khiến cảm xúc bùng nổ.
Vấn đề ở chỗ, bàn tay cũng có ngón dài ngón ngắn, con người cũng có người nọ người kia. Cả đời này, chúng ta có thể gặp đủ loại người. Nếu như, ta đều cùng họ tranh giành, tức giận, vậy thì quả là lao tâm khổ tứ.
Nhân sinh chỉ như quán trọ, ta là khách qua đường. Với mỗi việc, khó tránh khỏi có góc nhìn khác nhau, không nhất thiết phải tranh luận rõ đúng sai. Hãy cứ thoải mái, thả lỏng tinh thần, mỉm cười cho qua là được.
Nếu một người không thể nhìn người khác và sự vật dưới nhiều góc độ khác nhau, không biết đặt mình vào vị trí của người mà suy xét thì chứng tỏ người này có tầm nhìn rất hạn hẹp.
Cao thủ thực sự sẽ không khó chịu với những gì xảy đến với mình, mà tự nhìn nhận và điều chỉnh chính bản thân, không ngừng mở rộng tầm nhìn.
Cái tôi quá lớn
Người có cái tôi quá lớn càng khó kiểm soát cảm xúc. Nếu không quá xem trọng bản thân thì chẳng ai có thể làm cho anh ta phẫn nộ hay tức giận được.
Người có lòng tự ái quá cao, ý thức về bản thân quá lớn, người khác chỉ hơi chút mạo phạm, anh ta lập tức sẽ bật ngược trở lại ngay.
Nếu biết hạ thấp cái tôi xuống, đứng tại góc độ của người khác mà suy nghĩ, lý giải và khoan dung thì sẽ thấy một cảnh tượng hoàn toàn khác.
Trong những tình huống không được như ý, thay vì nổi giận và mắng chửi người khác, hãy nhẹ nhàng, bao dung, thấu hiểu họ, biết đâu có thể xoay chuyển được tình thế, cũng sẽ không xảy ra tranh cãi.
Buông hạ chấp trước, tự nhiên mọi chuyện ở đời sẽ thuận buồm xuôi gió, mọi việc cũng sẽ được khai thông. Người càng trí tuệ càng biết hạ thấp cái tôi của bản thân.
Bản thân ham muốn quá nhiều
Con người ai cũng có dục vọng nhưng quan trọng nhất là phải biết điểm dừng. Nếu chúng ta lấy việc thỏa mãn dục vọng là niềm vui thì khi đó không những không thỏa mãn được mà còn đánh mất đi sự vui vẻ và bình yên trong tâm hồn.
Các bậc thánh hiền cổ đại cũng đều khuyên chúng ta rằng, dục vọng quá nhiều là nguồn gốc của thống khổ.
Cuộc sống này, càng đơn giản thì càng hạnh phúc, càng bước đi càng nhẹ nhàng. Rất nhiều người suốt ngày tranh danh đoạt lợi vô cùng mệt mỏi. Tiền bạc hay danh lợi, khi nhắm mắt xuôi tay cũng không mang theo được, nhiều ít còn gì quan trọng nữa.
Trang Tử từng nói: "Chí nhạc vô nhạc, chí dự vô dự", nghĩa là, sung sướng cực điểm ở chỗ không vui cười, danh tiếng cực điểm ở chỗ không có tiếng tăm.
Vui sướng thực sự chính là hòa hợp với tự nhiên, là hợp nhất với trời đất. Loại vui sướng này thì không có vật chất hay địa vị nào có thể so sánh được, điều này quyết định bởi cảnh giới và trí tuệ của một người.
Xem thêm: Cảnh giới của người thông minh: Không vì vật mà vui, không vì mình mà buồn
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận